07/11/2023 09:48
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 03/11.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 03/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên thảo luận đã có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến các vị đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung sau: giải thích từ ngữ; thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan; các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm; đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ; phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, đang có quyền sử dụng đất…
Tham gia thảo luận nội dung này, đồng chí Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cơ bản đồng tình với dự thảo Luật, đồng thời, trao đổi 02 nội dung: về đảm bảo quyền lợi của người dân khi nhà nước thu hồi đất và chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Đối với việc đảm bảo quyền lợi của người dân khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết: theo số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, sau thu hồi đất, chỉ có khoảng trên 10% nông dân bị thu hồi đất tìm được việc làm mới, có đến gần 60% lao động bị thu hồi đất vẫn phải bám nghề nông; gần 30% số lao động bị thu hồi đất có việc làm nhưng không ổn định. Điều đáng lo ngại là 53% số hộ có thu nhập giảm so với trước khi bị thu hồi đất và số hộ khá hơn lên chỉ là 13%. Từ đó, thấy rằng, dự thảo Luật cũng đã tập trung giải quyết vấn đề hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người dân sau thu hồi đất tại Điều 108 và Điều 109.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, với quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 108 dự thảo Luật về 06 nội dung hỗ trợ chính và các biện pháp hỗ trợ khác khi Nhà nước thu hồi đất và Điều 109 về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất đã có những quy định mới rõ ràng, chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đàm bảo hơn nữa quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng cho thấy trong số những nông dân có thay đổi việc làm, số người chuyển sang làm thuê là nhiều nhất và số người chuyên sang học một nghề mới là ít nhất.
Cùng với đó, tiền bồi thường, hỗ trợ từ đất đã chưa được nông dân sử dụng đúng cách, vì vậy sau một thời gian, họ sử dụng hết tiền, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, không có thu nhập.
Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội trường ngày 03/11. (Ảnh: media.quochoi.vn)
Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung các nội dung: (1) Cần làm rõ phạm vi đối tượng hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, tránh tình trạng bỏ sót như từng xảy ra tại hướng dẫn tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP. (2) Xuất phát từ thực tế là việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm tại nhiều địa phương không được thực hiện, mà trả bằng tiền hoặc người được nhận hỗ trợ lại bán suất học nghề cho người khác, Luật cần có những quy định mang tính bắt buộc về việc mở lớp đào tạo nghề, đồng thời có những hướng dẫn chặt chẽ và chi tiết hơn trong nghị định hướng dẫn thi hành để đảm bảo lớp học nghề được tổ chức nghiêm túc, có hiệu quả. (3) Cần quy định rõ trong Luật Đất đai về vấn đề quy hoạch và phát triển các làng nghề truyền thống, đây có thế xem là một trong những giải pháp hiệu quả đế giải quyết việc làm và ốn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Các làng nghề này có thể là các làng nghề truyền thống đã có từ lâu đời tại các địa phương như: mây tre đan, hàng thủ công xuất khẩu,... Các làng nghề này không nhất thiết phải phát triển tại nơi làng đó đang tồn tại, mà có thể tại những làng mới cho nghề. (4) Xác định trách nhiệm hỗ trợ giải quyết việc làm của doanh nghiệp sử dụng đất với người lao động có đất bị thu hồi.
Đối với nội dung về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS, đại biểu Bình đánh giá cao việc dự thảo Luật dành riêng 01 điều (Điều 16) quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS và cho rằng đây là một chính sách thể hiện tính ưu việt của chế độ mà Đảng, Nhà nước quan tâm dành cho đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer ở Nam Bộ nói riêng.
Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định rõ hơn các chính sách ưu tiên áp dụng đối với đồng bào DTTS và thể hiện rõ các chính sách này tại các điều khoản khác trong dự thảo. Đồng thời, cần quy định trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương về việc ban hành chính sách đất đai đối với đồng bào đồng bào DTTS cũng như quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào đồng bào DTTS. Đồng thời, để việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW “…giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;…”, thì cần xem xét, quy định bổ sung nhiệm vụ này vào nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ cấp tỉnh đến cấp huyện (có thể đưa vào nghị định của Chính phủ), xác định rõ: đối tượng, địa bàn, kế hoạch thực hiện 5 năm và hằng năm theo phạm vi, thẩm quyền của cấp tỉnh/huyện. Trong đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định rõ đối với từng xã về số hộ, diện tích, loại đất, vị trí (lô, thửa); hiện trạng hạ tầng về giao thông, điện, nước…(nếu bố trí đất ở); đất rõ nguồn gốc, không có tranh chấp; phương án giao đất phải cụ thể, được sự thống nhất của cộng đồng dân cư và người dân được giao đất theo chính sách; đồng thời, chính quyền địa phương phải bố trí kinh phí và các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện.
Về thời điểm thông qua dự án Luật, tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu đồng ý với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; theo đó, cho đến nay nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát, tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới còn ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất quan trọng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác; vì vậy trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án Luật trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.
PHƯỚC TIẾN
Chiều ngày 04/10, tại huyện Tiểu Cần, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024 với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”.