23/08/2021 06:50
Hiện nay, các hộ nuôi tôm vùng ven biển Trà Vinh đang phải chịu cảnh thua lỗ, do gặp khó đầu ra đối với sản phẩm nông sản (không có thương lái) và giá bán giảm mạnh (chủ yếu tôm thẻ chân trắng) chỉ bằng với chi phí nuôi. Ngoài tôm thẻ chân trắng bị ảnh hưởng, đối với tôm càng xanh, hiện giá giảm hơn 50% so với thời điểm khoảng tháng 5, tháng 6 năm 2021 và số lượng tiêu thụ ít, trong khi hàng trăm tấn tôm càng xanh đã vào vụ thu hoạch…
Theo ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: trong 07 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản nuôi của nông dân trong tỉnh thu hoạch 83.277 tấn (tôm nước lợ 40.788 tấn, cua biển 2.300 tấn, cá lóc 26.740 tấn và cá nuôi các loại khác…) và trong tháng 8 tiếp tục thu hoạch khoảng 26.000 tấn thủy sản các loại. Ước cả năm sản lượng nuôi thu hoạch 152.846 tấn; gồm tôm sú 13.586 tấn, tôm thẻ 58.468 tấn, cá lóc 48.973 tấn, cua biển 6.689 tấn, cá tra 4.321 tấn…
Qua ghi nhận thực tế tại các vùng nuôi thủy sản trọng điểm của tỉnh, các thương lái thu mua thủy sản rất ít, việc vận chuyển hàng thủy sản gặp khó do nguồn tiêu thụ giảm và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; cùng với đó, giá một số thủy sản tại các vùng nuôi giảm mạnh và người nuôi chỉ cầm chừng từ huề vốn đến lỗ. Tại vùng nuôi tôm càng xanh trọng điểm của huyện Châu Thành là cù lao Long Hòa, Hòa Minh hiện còn gần 450 tấn tôm càng xanh nằm trên ruộng nuôi, mặc dù đã đến thời điểm thu hoạch để chuẩn bị xuống giống lúa cho vụ nuôi tiếp theo (lúa - tôm càng xanh).
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết: qua rà soát và nắm thông tin từ các hộ nuôi tôm càng xanh trên địa bàn, hiện xã Long Hòa còn tồn đọng khoảng 300 tấn tôm càng xanh chưa tiêu thụ được. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, người nuôi tôm tìm kiếm các thương lái thu mua tôm càng xanh rất khó; bên cạnh đó, giá tôm càng xanh đã giảm hơn 50% so với thời điểm khoảng 02 tháng trước. Hiện giá tôm càng xanh loại 10-12 con/kg, giảm còn 120.000 - 125.000 đồng/kg (trước đây 250.000 - 270.000 đồng/kg).
Trước tình hình sản lượng tôm càng xanh còn trong vuông nuôi khá nhiều, làm cho nông dân khó cải tạo vuông nuôi cho mùa vụ tiếp theo (từ tháng 7, tháng 8 bắt đầu xuống giống lúa để sản xuất theo mô hình lúa -tôm). Nông dân Huỳnh Văn Tuấn, ấp Rạch Gốc, xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết: gia đình có khoảng 0,5ha nuôi tôm càng xanh kết hợp với trồng lúa, hiện tôm đã vào thời kỳ thu hoạch (khoảng 02 tấn), nhưng giá bán quá thấp, giảm hơn 50% so với trước đây. Đặc biệt, hơn tháng nay, khu vực này rất khó kiếm thương lái đến thu mua số lượng lớn, mỗi lần chỉ 50-60kg nên rất khó cho các hộ nuôi với số lượng lớn; gia đình buộc phải tự bắt bán dần cho các chợ.
Đối với tôm thẻ chân trắng, hiện chi phí sản xuất để đạt cỡ tôm thương phẩm khoảng 74.000-75.000 đồng/kg (loại 100 con/kg); tuy nhiên hiện nay giá bán cho các lái chỉ dao động khoảng 77.000-78.000 đồng/kg. Theo ông Huỳnh Văn Toàn, ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông: gia đình vừa bán hơn 6,5 tấn tôm thẻ chân trắng, với giá 77.000 đồng/kg, nếu so với trước đây, gia đình giảm thu nhập hơn 23.000 đồng/kg. Nếu nuôi theo hình thức ứng dụng công nghệ cao như gia đình và không gặp rủi ro, người nuôi chỉ huề vốn; nếu nuôi theo các hình thức khác thì tỷ lệ rủi ro cao và với giá bán hiện nay là cầm chắc từ lỗ đến lỗ.
Thông tin với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, cán bộ nông nghiệp xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang cho biết: vào khoảng đầu tháng 7/2021, khi địa phương có trường hợp xuất hiện ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 đầu tiên; các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng gặp khó khăn, vì không có thương lái thu mua; hiện nay, tình hình tiêu thụ tôm thẻ chân trắng đã tạm ổn định, nhưng giá thì quá thấp, hiện thương lái thu mua khoảng 78.000-80.000 đồng/kg. Đối với xã Hiệp Mỹ Đông, sản lượng tôm đang trong giai đoạn thu hoạch của tháng 8/2021 có khoảng 100 hộ nuôi, ước sản lượng hiện còn trên 150 tấn và mong muốn được kết nối với thị trường và đầu mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.