17/11/2023 07:12
Vừa qua, tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi tiếp tục xảy ra tại một số địa phương ở huyện Cầu Kè, với tổng đàn 86 con heo/02 hộ; trong đó có 01 ổ dịch cũ. Trước tình hình trên, ngành chuyên môn đã tập trung xử lý các giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh như thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, nhằm tiêu diệt mầm bệnh; đồng thời, yêu cầu chính quyền địa phương theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời.
Có thể nói hiện nay việc phát triển chăn nuôi (heo) theo hình thức nhỏ lẻ, hộ gia đình đang có nguy cơ cao, dễ xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi. Do vi-rút lưu dẫn mầm bệnh tồn tại khá lâu ngoài môi trường và thường lây truyền qua nhiều vật thể trung gian như phương tiện vận chuyển heo, thức ăn, dụng cụ chăn nuôi, các động vật (chuột, gián…)… nếu không được quản lý, khử khuẩn triệt để. Việc hướng người dân phát triển mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học là yếu tố tiên quyết để giúp kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh cho các đối tượng chăn nuôi.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 10 mô hình nuôi heo theo hướng an toàn sinh học ở quy mô vừa và lớn (dao động tổng đàn từ 1.000 con heo trở lên), tập trung trên địa bàn huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Cầu Kè…
Theo đồng chí Sử Thanh Trúc, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè: tình hình dịch bệnh hiện đã được khống chế và đã qua 21 ngày, không xuất hiện thêm ổ dịch khác. Do điều kiện nuôi heo phần lớn là nuôi theo hộ gia đình và tái đàn tự phát, là những khó khăn để quản lý đàn nuôi. Việc đảm bảo nuôi theo hướng an toàn sinh học (nuôi khép kín) đòi hỏi chi phí đầu tư (lắp đặt thiết bị…) rất lớn, từ 0,5 - 01 tỷ đồng/chuồng nuôi (500 đến trên 1.000 con heo). Hiện nay, nguồn heo đảm bảo thị trường phục vụ dịp Tết khá phong phú, với tổng đàn heo của Cầu Kè đạt trên 50.000 con; qua kiểm tra giám sát lấy mẫu xét nghiệm về bệnh dịch tả heo châu Phi tại cơ sở giết mổ tập trung của huyện, tất cả đều âm tính.
Nhân viên thú y thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng định kỳ tại các hộ chăn nuôi ở huyện Châu Thành.
Nhằm đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, đặc biệt là các bệnh có nguy cơ lây truyền cao; ngành chuyên môn đã tổ chức lấy mẫu giám sát bệnh lở mồm long móng tại cơ sở an toàn dịch bệnh được 116 mẫu, của 04 cơ sở an toàn dịch bệnh (huyện Châu Thành 03 cơ sở và Cầu Ngang 01 cơ sở); kết quả 116 mẫu âm tính với vi-rút lở mồm long móng. Lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi-rút dịch tả heo châu Phi được 20 mẫu; 100% đều âm tính. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin dịch tả heo châu Phi (không giám sát) được 28 hộ nuôi heo tại 09 xã, thị trấn của huyện Càng Long và Cầu Kè, tổng số heo tiêm phòng 1.409 con (bao gồm có giám sát 212 con). Công tác tiêu độc, khử trùng qua thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 02 năm 2023” trên địa bàn tỉnh được 192.319 lượt hộ, 82 chợ, diện tích 10.263.391m2, 6.988 lít hóa chất.
Theo khuyến cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đối với con giống phải có nguồn gốc rõ ràng. Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, dụng cụ nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải đúng nơi quy định (có thể chôn hoặc đốt, làm biogas). Định kỳ phun hóa chất tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để tiêu diệt mầm bệnh; phương tiện vận chuyển heo, thức ăn phải được sát trùng kỹ mỗi lần ra vào trại, khu vực chăn nuôi; kiểm soát tốt nguồn thức ăn, phương tiện vận chuyển ra vào trại, cơ sở chăn nuôi. Trước khi vào khu chăn nuôi phải thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh thú y, bảo hộ lao động (quần, áo, ủng...) và tiêu độc, khử trùng trước khi vào trại. Ở đầu mỗi trại phải có hố sát trùng; hạn chế tối đa khách tham quan và người lạ ra vào chuồng trại, khu vực chăn nuôi.
|
Cũng theo đồng chí Ngô Đức Thạnh, hiện nay, qua giám sát lấy mẫu tại các cơ sở, hộ nuôi và chợ… cho thấy mầm bệnh vi-rút cơ bản không có ngoài môi trường; việc xử lý tiêu độc khử trùng đã mang lại hiệu quả cao. Khả năng mầm bệnh như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng... được kiểm soát tốt và khả năng bảo vệ đàn vật nuôi từ nay đến Tết được quản lý chặt chẽ và giúp người nuôi ổn định đàn heo.
Khuyến cáo người nuôi không tự tái đàn và phát triển mở rộng đàn vật nuôi tại các vùng xảy ra dịch bệnh; cần thông báo đến ngành chuyên môn khi nuôi mới; tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo của ngành chuyên môn về công tác phòng, chống dịch bệnh…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm gần đây, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ và chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, nhằm tăng giá trị sản phẩm, mang lại lợi ích cho các thành viên và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, trong đó có những giám đốc dẫn dắt hình thành và phát triển HTX.