15/07/2021 07:00
Biểu đồ: 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 tam nông: đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn 6.463,52 tỷ đồng.
Thực hiện toàn diện Nghị quyết số 26 về “tam nông” còn đem lại những bước tiến trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn với việc áp dụng hoa học, công nghệ tiên tiến trên đồng ruộng và cơ giới hóa nông nghiệp được áp dụng ngày càng rộng rãi. Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp và điều kiện về hạ tầng nông thôn còn nhiều hạn chế, Nghị quyết số 26 về “tam nông” đã đầu tư khá toàn diện trong nông nghiệp, nông thôn… tác động tích cực đến nông dân là người trực tiếp thụ hưởng từ các chính sách này.
Hàng năm, các nguồn vốn hỗ trợ nhằm thực hiện Nghị quyết số 26 không ngừng tăng. Ngoài tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, tăng dư nợ tín dụng với lãi suất ưu đãi, Chính phủ còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng trong việc ổn định đời sống của người dân sống ở khu vực nông thôn theo hướng bền vững. Song song với việc hỗ trợ đối với người trồng lúa, nuôi trồng thủy, hải sản, thông qua nguồn vốn ngân sách, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ cho người dân trực tiếp ra khơi đánh bắt hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Những năm qua, tỷ trọng ngành nông nghiệp của tỉnh đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 (giai đoạn 2008 - 2018), tỷ trọng kinh tế nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh chuyển dịch giảm dần từ 60,3% năm 2008 xuống còn 34,99% năm 2018 (nông nghiệp từ 75,17% giảm còn 63,94%, thủy sản từ 23,57% tăng lên 34,1%), tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm của giai đoạn này đạt khoảng 55 triệu USD; đến năm 2020, tổng sản lượng lương thực của tỉnh đạt trên 1,2 triệu tấn.
Biểu đồ: Qua tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển nhiều diện tích sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Những thành tựu về tái cơ cấu nông nghiệp và XDNTM, nhằm mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Với sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn của tỉnh và đời sống của nông dân đã thay đổi căn bản, toàn diện. Các thiết chế hạ tầng phục vụ đời sống, phục vụ sản xuất, như: điện, đường, trường, trạm... từng bước được hoàn thiện, nâng cao. Giai đoạn 2008-2018, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 1.495km đường; duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp mở rộng 1.536km đường nông thôn và 433km đường tỉnh, đường huyện; đưa vào sử dụng nhiều cầu quan trọng trên các tuyến đường, tổng vốn đầu tư hơn 2.817 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 11,2 triệu đồng lên 30,94 triệu đồng/năm (năm 2018). Tổng mức đầu tư khoảng 2.610 tỷ đồng trong lĩnh vực nông nghiệp (98 dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp, 21 dự án phục vụ nuôi trồng thủy sản, 05 dự án đê, kè, 02 dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, 04 dự án phục vụ dân sinh và dự án khác), góp phần nâng tỷ lệ đất nông nghiệp được tưới tiêu nước, chủ động gần 90% diện tích trong điều kiện bình thường (tăng hơn 12% so với năm 2008) và bảo đảm nguồn nước cho 8.000ha đất nuôi thủy sản.
Nhà vườn Nguyễn Văn Tới, ấp Tân Qui II, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè chia sẻ: trước đây, khu vực cù lao Tân Qui là địa phương gặp nhiều khó khăn, so với đất liền, hệ thống điện, đường, trường đều “03 không”. Với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 26 về chính sách tam nông đã đầu tư khá mạnh cho cù lao Tân Qui. Đầu tiên, xây dựng đê bao, kéo điện về cù lao; tiếp nối từ chính sách tam nông, qua XDNTM, ngày nay Tân Qui đã được đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cho các nhà vườn… Với diện tích canh tác trên 850ha (chủ yếu vườn cây ăn trái), người dân cù lao Tân Qui vừa phát triển kinh tế vườn vừa gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn.
Nhà vườn Nguyễn Văn Tới.
Nghị quyết số 26 đã tạo “cú hích” cho nhiều địa phương, đặc biệt là tại các huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ và tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển thông qua đầu tư về hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện... Theo ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú: với đặc thù là huyện có đông đồng bào Khmer (gần 63% so với dân số chung của huyện), tỷ lệ hộ nghèo trên 34,5%. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 26 về tam nông, kết cấu hạ tầng nông thôn ở Trà Cú từng bước được cải thiện, nhiều công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân được đầu tư nâng cấp hiệu quả.
Giao thông nông thôn ở Ngãi Hòa, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần.
Giai đoạn 2008-2013, khi địa phương chưa được đầu tư XDNTM, thông qua các chính sách từ Nghị quyết số 26, Trà Cú đã xây dựng 485 công trình, hạng mục công trình đầu tư hạ tầng nông thôn, phát triển 59,75km đường nhựa, 28,81km đường đal, 78 cầu giao thông nông thôn; nạo vét trên 680 kênh cấp II, III và kênh nội đồng, dài 485km; xây dựng 07 cống đầu mối và nâng cấp tuyến đê bao Cà Săng, Rạch Cá xã Hàm Tân, phòng, chống triều cường, sạt lở... Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt 16,4 triệu đồng/năm (năm 2013), tăng 9,7 triệu đồng/năm so năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo 34,54% năm 2008 giảm còn 20,35% cuối năm 2013 (theo chuẩn nghèo mới).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.