26/10/2023 16:17
Bị can Phan Thị Diệu Ái tại cơ quan Công an.
Theo kết quả điều tra, năm 2020, Ái bắt đầu làm đầu thảo hụi và mở nhiều dây hụi tháng, hụi tuần có giá trị từ 200.000 đồng đến 05 triệu đồng để hưởng tiền hoa hồng; các dây hụi được bị can Ái lập trên mạng xã hội Zalo.
Những người tham gia chơi cùng dây hụi được lập một nhóm riêng, đến kỳ khui hụi bị can Ái thông báo số tiền hụi viên kêu hốt được trên nhóm Zalo để các hụi viên tham gia biết, sau đó trực tiếp đi thu tiền giao lại cho các hụi viên.
Trong quá trình làm đầu thảo hụi, đến năm 2023, nhiều hụi viên hốt hụi không đóng hụi chết trước đó khoảng 01 tỷ đồng.
Để có tiền choàng hụi, trả nợ vay và tiêu xài cá nhân, bị can Ái chủ động lập ra các dây hụi mới (hụi ngày) và vận động thêm các hụi viên tham gia bằng các thủ đoạn gian dối như đặt tên khống hụi viên, tự ý lấy tên các hụi viên tham gia để góp hụi, chiếm đoạt tiền của các hụi viên (với số tiền trên 2,8 tỷ đồng).
Đến ngày 06/7/2023, bị can Ái tuyên bố vỡ hụi. Tại thời điểm vỡ hụi còn 15 dây hụi ngày được mở trong thời gian từ ngày 19/5/2023 đến 01/7/2023. Hiện vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh đang củng cố hồ sơ, xử lý.
Tin, ảnh: PHẠM HƠN
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, nhất là một số vùng nông thôn liên tiếp xảy ra nhiều vụ vỡ hụi, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Dù biết việc góp hụi có nhiều rủi ro nhưng với việc huy động vốn nhanh và có lãi suất khá hấp dẫn nên nhiều người đã bỏ số tiền hàng chục triệu, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng vào việc chơi hụi. Điều đáng nói, nhiều người dân tham gia chơi hụi một cách hời hợt, chỉ dựa vào niềm tin đối với chủ hụi, không tìm hiểu các dây hụi, thậm chí không tham gia khui hụi, việc gom và giao hụi đều do chủ hụi quản lý. Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, song không ít người vẫn sập bẫy trước những biến tướng từ việc chơi hụi dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng.