15/11/2023 12:31
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Trà Vinh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trị hội nghị tại Thủ đô Hà Nội.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Trà Vinh có các đồng chí: Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Hoàng Sum, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT-DL; lãnh đạo các ngành tỉnh có liên quan và đại diện các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh...
Trong 10 tháng của năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch trên cả nước đạt trên 582.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện 03 động lực tăng trưởng của nền kinh tế là: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng tại lễ trao giải thưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023, qua đó tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên trên bản đồ du lịch thế giới.
Lãnh đạo các ngành tỉnh tham dự hội nghị.
Tại Trà Vinh, tổng lượt khách đến tỉnh trong năm 2023 ước đạt 2.163.402 lượt, đạt 133% kế hoạch năm và tăng 49,72% so cùng kỳ. Trong đó có 50.292 lượt khách quốc tế. Khách lưu trú ước đạt 580.592 lượt, đạt 145% kế hoạch năm và tăng 67,13% so cùng kỳ; Trong đó có 46.239 lượt khách quốc tế. Tổng thu lĩnh vực du lịch trong năm 2023 đạt trên 1.706 tỷ đồng, đạt 169% kế hoạch năm và tăng 89,85% so với năm 2022.
Trên cơ sở gợi ý của Thủ tướng Chính phủ, tại hội nghị các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành; các chuyên gia về du lịch; tập đoàn, doanh nghiệp làm du lịch và lãnh đạo các địa phương có thế mạnh về du lịch đã tập trung nêu ra những hạn chế, khó khăn làm hạn chế sự phát triển của ngành du lịch trong thời gian qua. Đặc biệt, để “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”, đại biểu đã nêu ra nhiều giải pháp liên quan đến cơ chế chính sách; về công tác quảng bá, xúc tiến thị trường du lịch; về công tác chuyển đổi số trong phát triển du lịch và việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch…
Đại biểu đại diện các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh gia cao những ý kiến phát biểu của đại biểu. Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây là những ý kiến đầy tâm huyết, có trách nhiệm nhằm gợi mở những vấn đề, những giải phát để phát triển du lịch của cả nước trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ phận chuyên môn Bộ VH-TT-DL tiếp thu, làm cơ sở tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết về “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và biểu dương toàn ngành du lịch có những cố gắng để đạt được nhiều kết quả khả quan trong thời gian qua, nhất là 10 tháng của năm 2023.
Để phát triển du lịch trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần đẩy mạnh việc khai thác sức mạnh từ dân, nguồn lực của xã hội; thúc đẩy chuyển đổi số; tăng cường quảng bá theo hướng thông minh; tiếp cận du lịch thế giới theo hương nguyên sơ, nguyên vẹn, bảo vệ môi trường. Trong quan điểm chỉ đạo điều hành cần nâng cao hiệu quả quản lý; xem việc phát triển du lịch là nhiệm vụ của các ngành, các cấp và nội lực của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, cần phát triển du lịch theo hướng bảo vệ môi trường, giữ gìn và phù hợp với bản sắc văn hóa của con người Việt Nam…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình).
Bên cạnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần xây dựng chuỗi giá trị liên kết quốc gia và toàn cầu trong phát triển du lịch; hạ tầng phải đảm bảo, con người cần đào tạo bài bản; sản phẩm du lịch phải sạch, giá cả cạnh tranh, môi trường các điểm đến phải sạch sẽ… nhất là phải phát huy vai trò đầu tàu của các địa phương có thế mạnh về du lịch, để đẩy mạnh công tác liên kết theo hướng “Một cung đường, ba điểm đến” trong xúc tiến, thu hút khách du lịch.
Đối với các bộ, ngành cần quan tâm, thúc đẩy quy hoạch tổng thể ngành du lịch; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; hệ thống vận tải… Các địa phương cần phát huy vai trò người đứng đầu, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng về du lịch theo hướng đổi mới tư duy; xây dựng các mô hình mới theo đặc thù cho lĩnh vực du lịch địa phương mình ngày càng phát triển theo tình hình mới.
Tin, ảnh: BÁ THI
21 tỉnh, thành phố theo công văn nêu là: Thái Nguyên. Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, An Giang, Đồng Tháp, Long An.