23/06/2020 08:02
Năm học cuối cùng trong chế độ Sài Gòn, Trường Trung học Tỉnh hạt Hòa Thuận (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) đón một cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp Sư phạm Văn Cần Thơ. Ngày đầu đến trường, giữa trăm cặp mắt chăm chú dồn về, cô thướt tha trong bộ áo dài màu hồng nhạt, dáng người yểu điệu đến xanh xao khiến bọn học trò chúng tôi không mấy ai tin rằng cô có thể đương đầu với một lũ chuyên nghề phá phách chỉ chịu xếp sau quỷ và ma. Vậy mà ban giám hiệu nhà trường tổ chức đón cô có vẻ long trọng lắm. Nhanh như điện xẹt, ngay trong giờ giải lao đầu tiên, không biết từ đâu lan khắp sân trường thông tin về lai lịch đặc biệt của cô giáo trẻ: Tiểu thư Trần Thị Mỹ Duyên vốn là cô con gái rượu của viên sĩ quan chỉ huy cao nhất của Tiểu khu Kiến Hòa (tên gọi tỉnh Bến Tre khi ấy), bên kia sông Cổ Chiên! Mỗi bước ra đường có xe đưa người đón, tiểu thư không đi được xe máy mà cũng chẳng thể ngồi trên xe đạp.
Một buổi chiều sau đó ít lâu, một chiếc xe jeep quân sự đỗ xịch trước cổng. Cả thầy lẫn trò trường Hòa Thuận nhốn nháo. Viên sĩ quan trẻ cùng mấy anh lính “gạt-đờ-co” ào thẳng vào phòng hiệu trưởng, mang theo lệnh từ Kiến Hòa đưa cô giáo trẻ về xứ. Ở bên đó thiếu gì công việc nhàn nhã, thu nhập cao đang chờ. Cô tiểu thư lánh mặt không tiếp, sau khi gởi lại lời nhắn cùng song thân: con sẽ sống bằng chính đôi bàn tay và kiến thức của mình!
Không biết cô giáo tiểu thư ấy trụ được bao lâu với cái nghề “bán cháo phổi”!
Hai năm sau ngày miền Nam giải phóng, cô Mỹ Duyên biến mất khỏi trường Hòa Thuận. Ngày đến cờ giong trống mở, ngày đi lặng lẽ âm thầm…
Bù đầu với bao nhiêu lần thi cử, thi hết cấp hai, thi hết cấp ba, thi vào đại học, rồi chạy vạy chuyện cơm áo gạo tiền, bọn học sinh ngày ấy của Trường Hòa Thuận chúng tôi quên khuấy đi mất đã từng có một “lục cá nguyệt” giờ giảng văn khô cứng được cô giáo trẻ thay bằng những buổi thuyết trình sôi động. Và tình yêu chữ nghĩa văn chương của bọn quỷ quái chúng tôi có lẽ bắt nguồn từ những giờ thuyết trình ngày ấy!
*
* *
Thật bất ngờ, trong chuyến công tác sang cù lao Cổ Chiên, nay được chia tách thành hai xã Long Hòa và Hòa Minh, chuẩn bị cho những bài viết chào mừng kỷ niệm ba mươi bốn năm ngày thống nhất đất nước, có một cái tên khiến tôi cứ ngờ ngợ. Trong những cá nhân có những đóng góp bền bỉ cho chặng đường đi lên đầy gian nan khổ ải của dải đất cù lao anh hùng mà nghèo khó có cô giáo Trần Thị Mỹ Duyên. Từ chính quyền hai xã cho tới mấy bậc lão nông đều dành cho cô những lời nhận xét đầy lòng thương yêu và sự cảm mến.
Tôi tách đoàn, tự mình vừa đánh xe vừa hỏi lối tới chợ Hòa Minh. Trong ngôi nhà nhỏ nhắn nhưng gọn gàng và ấm cúng, một người đàn bà có tuổi, dáng vẻ hao gầy đang cầm trên tay một tờ báo văn học. Cái dáng vẻ ấy… Không thể nhầm vào đâu được. Đúng là cô giáo dạy văn của tôi ba mươi lăm năm về trước!
- Thưa cô! Cô có nhận ra em không?
- Xem nào? Gỡ cặp kiếng ra coi! - Cô chăm chú nhìn vào người khách vừa xuống xe: Em là thằng Thiện, cái thằng học thì giỏi mà phá nhất lớp bên trường Hòa Thuận!
Tôi thật sự xúc động. Ngần ấy thời gian. Tôi từ thằng nhóc mười ba, mười bốn nay thành ông già sắp bước vào tuổi năm mươi. Vậy mà… và hai thầy trò chúng tôi ngồi với nhau suốt mấy tiếng đồng hồ, lan man chuyện xưa chuyện nay, trên trời dưới biển, từ đất liền qua tới cù lao. Cô kể:
- Chuẩn bị vào niên học bảy bảy - bảy tám, cô nhận được quyết định của Phòng Giáo dục huyện Châu Thành chuyển sang dạy ở trường cấp hai Long Hòa. Cái tên làng nghe cũng có vẻ hay hay, hiền hòa và sung túc. Tới khi đặt chân lên ngôi trường mới, mấy anh chị em vừa là đồng nghiệp vừa đồng cảnh ngộ chỉ còn biết ngồi nhìn nhau mà khóc ròng. Long Hòa là dãy cù lao căn cứ kháng chiến, nằm giữa hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, mặt ngó ra Biển Đông. Tư bề sông nước, trùng trùng sóng vỗ. Nói thật, có muốn bỏ trốn cũng không biết trốn đường nào vì mỗi ngày chỉ có một chuyến đò bé tí tẹo toe toe còi hồi gà gáy bận nhứt, đón vài ba người khách lơ thơ, vượt sóng về đất liền. Cù lao căn cứ ngày mới giải phóng, tất cả đều là con số không. Không điện đã đành còn đường sá thì lầy lội, trơn trượt, đoạn còn đoạn đứt. Ngôi trường mới nói cho ra vẻ chớ thật ra chỉ là khoảng đất trống phía dưới thánh đường, đầy mô tèng heng, đầy hang ba khía. Nghe đâu hồi trước từng là một bãi tha ma. Đêm ngồi bó gối trong căn nhà tập thể giáo viên mới dựng bằng cây mắm lợp lá dừa nước, nghe ngoài trời mưa rơi sụt sùi mà trong bụng ai nấy nát như tương tàu. Sau này, chính những người ký quyết định chuyển cô sang cù lao cũng nói rất thật: lãnh đạo Phòng Giáo dục tính với nhau gom mấy giáo viên lưu dụng có bản lý lịch đen thủi đen thui đưa qua cù lao, ai không chịu nổi thì Phòng khỏi phải làm cái việc thất nhân tâm là… đuổi việc!
Chưa đầy một tuần lễ, trong số năm thầy cô giáo đã có đến bốn người nửa đêm lặng lẽ ra bến sông, đón đò đi mất!
Vài tháng sau, Phòng Giáo dục huyện lại tom góp đưa sang vài ba người nữa, chắc là lý lịch cũng đỡ đen hơn một chút. Nhưng cũng chưa đầy một tuần lễ sau… biên chế ngôi trường mới Long Hòa vẫn không vì vậy mà có sự thay đổi. Sợ một mình thui thủi nơi khỉ ho cò gáy, lại thêm sợ… ma, không đợi ai phân công, cô Duyên là người đầu tiên ra tận bến đò chào đón những đồng nghiệp mới tới, tận tình và ưu tiên sắp xếp nơi ăn chốn ở. Đêm, cô đến với từng người tỉ tê tâm sự chuyện đời, chuyện mình cứ như một chính trị viên thứ thiệt bởi thật lòng cô rất sợ những thầy cô giáo trẻ lại bỏ trường ra đi. Cù lao Cổ Chiên hồi đó nghèo lắm, mỗi năm sáu, bảy tháng nước mặn, cây lúa cứ loe hoe, còi cọc. Bà con tự lo cho mình hai bữa ăn mỗi ngày đã là vất vả, có đâu… có khi vài ba tháng trời, giáo viên đói quay đói quắt, xanh mặt chờ lương. Người đàn bà gầy guộc ấy lại đến từng nhà nói khó nói dễ, xin lưng lon gạo về nấu nồi cháo trắng. Mấy anh chị em trong nhà tập thể vừa húp vừa khóc. Tôi nhắm mắt lại, cố hình dung hình ảnh cô tiểu thư yểu điệu và đài các năm xưa quần vo, áo túm, lội xuống mương xuống xẻo kéo tay lưới, chụp chiếc nơm bắt con cá, con cua phụ vào bữa ăn, cố cầm cự qua ngày. Đói quá hóa liều, nghe tin đoàn thanh tra của Phòng Giáo dục vượt sông qua cù lao, mấy thầy cô giáo trẻ bỏ lớp lao nhao, nằm trùm mền dưới nhà tập thể. Cũng may, gia đình cô cán bộ thanh tra cũng trong cảnh bữa no, bữa đói, hiểu người hiểu ta, muốn chín bỏ làm mười. Là người đi trước, chị Duyên lại đập cửa từng phòng, kêu từng đứa em non dạ trẻ người ra, chuyện nhỏ chuyện to, chuyện mình đói thì giáo viên cả huyện, cả tỉnh, cả nước ai cũng khổ. Lớp học lại vang tiếng ê a, dù giọt nước mắt cố nuốt ngược vào trong, nghèn nghẹn.
Cơ ngơi buổi đầu tạo dựng, thiếu trước hụt sau. Chính quyền địa phương vận động bà con xóm ấp người tấm lá, kẻ cây tre góp bàn tay xây dựng. Thầy cô giáo cùng học sinh cũng kẻ cuốc người ky, san vũng đắp nền, dựng rào xây lớp. Người khỏe mạnh nhiều khi còn buông gánh giữa chừng, huống chi… cô Duyên kể tôi nghe có những buổi chiều về tay chân phồng ráp, mồ hôi thay nước tắm, cô lăn quay ra ngủ. Nửa khuya giật mình nghe đói cồn cào mới biết hồi chiều chưa có hột cơm nào trong bụng.
Nhiều bận, những người em cô từ thị xã Bến Tre lặn lội sang thăm. Tận mắt chứng kiến giọt mồ hôi lao nhọc, giọt nước mắt tủi nhục mà người chị một thời đài các đang gánh chịu. Không chịu nổi, họ lôi chị xuống ghe. Nghe chuyện, người cha đang cải tạo ngoài Bắc cũng gởi về những giọt nước mắt và câu nhắn nhủ: thôi, về xứ. Chị em no đói có nhau! Thật bụng, cô cũng đã mấy lần quay gót xuống ghe nhưng dứt áo làm sao được trước những ánh mắt rưng rưng của bọn trẻ thập thò sau ô cửa sổ lớp học cứ đau đáu ngó theo. Sau này, cả gia đình xuất cảnh, bộ hồ sơ mà những người em gởi sang cứ nằm phủ bụi trong hộc bàn bởi những tiếng cười trong vắt cứ vang lên mỗi sáng, mỗi chiều sau giờ tan học.
Người dân hai xã Long Hòa, Hòa Minh bây giờ chắc đâu ai ngờ cô giáo trẻ năm xưa không quản đường đồng bước trượt bước trơn, những chiều mưa bão vẫn gành gần bãi xa, đến từng nhà vận động con em tới lớp từng một thời là cô tiểu thư đài các đến chiếc xe đạp còn không ngồi lên được. Cái buổi đầu sau ngày giải phóng, cái men chiến thắng còn ngây ngất trong đầu mỗi người dân vùng căn cứ thì chuyện phân tích, giải thích cho bà con nghe ra rằng có cái chữ trong đầu bọn trẻ tốt hơn mấy cái táu đong lúa ngoài bồ, quả không là chuyện dễ. Bây giờ nhớ lại, hồi đó mang danh thầy cô giáo mà khác chi thân phận kẻ ăn xin. Cô đến từng nhà, ngày qua ngày, trong sự ghẻ lạnh của mọi người để kì kèo xin cho bằng được những bậc làm cha mẹ nghĩ lại mà cho bọn trẻ bớt chút thì giờ chăn trâu ngoài bãi, kéo lưới dưới gành đến lớp học thêm con chữ cho bằng chị bằng em sau này.
Những niên học đầu, trống trước vắng sau, cô Duyên một mình vừa hết tiết văn lại quay qua tiết sử, rồi buổi chiều là giờ địa lý của cả mấy khối sáu, bảy, tám. Sợ học trò mình thua sút bạn bè bên đất liền, cô chong đèn dầu buổi tối phụ đạo cả môn Anh văn. Chuyện mấy chục năm qua mà hôm nay kể lại cô còn bối rối, bởi một thời trẻ trung giàu nhiệt tình không suy trước tính sau, dám một mình “múa gậy giữa rừng hoang”. Lần hồi rồi khó khăn cũng dần qua, trường lớp đông dần. Sự tận tụy đến quên thân của cô giáo có cái lý lịch đen thủi đen thui “bị đày” ngày ấy được bù lại bằng sự quý mến, yêu thương của học trò, phụ huynh, đồng nghiệp, sự tin cậy của chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục. Trường cấp hai Long Hòa qua mấy lần chia tách, sáp nhập bây giờ là ngôi trường cấp hai - ba bề thế, hàng ngày đón hàng trăm cô cậu học sinh khắp hai xã cù lao về dùi mài kinh sử, chắp cánh tương lai và cô Trần Thị Mỹ Duyên nhiều năm liền là hiệu phó của ngôi trường ấy cho đến tận ngày đủ tuổi nghỉ hưu vào năm Hai ngàn lẻ bảy.
Từ ngôi trường lộng gió giữa cù lao, nhiều thế hệ học sinh đã được chắp cho đôi cánh tung bay trên bầu trời cao rộng. Nhiều người trong họ đã thành đạt, trở thành cán bộ lãnh đạo của xã, của huyện, của tỉnh; số khác là kỹ sư, bác sĩ, cử nhân, sĩ quan quân đội, công nhân lành nghề… có mặt khắp nơi, góp sức mình cho công cuộc xây dựng quê hương.
***
Tôi lặng người trước câu chuyện của cô. Tôi cố hình dung mà vẫn không hiểu nổi cô tiểu thư đài các năm xưa, người đàn bà gầy đến chừng như chẳng thể nào gầy hơn được đang ngồi trước mặt tôi hôm nay lấy đâu ra sức lực ba mươi năm ròng lặng lẽ và bền bỉ gánh từng con chữ vượt dòng Cổ Chiên về ươm mầm cho cù lao Long Hòa gian khổ năm xưa ngày thêm xanh màu xanh đất học. Ba mươi năm trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, hiểu theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, chấp nhận về mình mọi gian nan thua thiệt, hết lòng vì đàn em thơ dại, người đàn bà ấy xứng đáng với lòng thương yêu, niềm tin cậy của người dân hai xã cù lao.
Bây giờ, cù lao Long Hòa dẫu không là nơi chôn nhau cắt rốn nhưng đã thực sự là quê hương thân thiết, mà cô và cả gia đình bé nhỏ của mình trọn kiếp gởi tử sinh.
Nhìn vóc dáng tiều tụy của người đối diện, tôi không khỏi chạnh lòng suy tính giữa công sức đóng góp và những gì mà cô đã nhận. Giả sử, tất nhiên chỉ là giả sử, như những người bạn đồng nghiệp và đồng cảnh ngộ trốn chạy khỏi đất cù lao hoặc giả đường hoàng hơn theo gia đình lên máy bay xuất ngoại thì cuộc sống của cô hôm nay sẽ như thế nào? Chắc đoán được suy nghĩ của tôi, cô nở nụ cười hiền hậu:
- Hồi bé xíu cô đã mơ ước mình thành cô giáo. Được sống trọn cuộc đời đúng với ước mơ của mình đã là niềm hạnh phúc lớn lao mà đâu phải ai cũng có được!
Câu nói nghe chừng đơn giản ấy đã giải đáp biết bao nhiêu thắc mắc của tôi. Phải rồi, chính vì lòng yêu nghề đến thiết tha ấy đã giúp nàng tiểu thư đài các năm xưa đủ can đảm từ chối cuộc sống nhung lụa mà gia đình và chế độ Sài Gòn dành sẵn, thân gái dặm trường trên con đường mà mình tự chọn. Cũng chính vì niềm đam mê mãnh liệt được làm nhịp cầu cho các thế hệ đàn em tung cánh trên bầu trời cao rộng đã giúp người đàn bà gầy yếu hôm nay đủ sức mạnh ba mươi năm gánh chữ vượt dòng Cổ Chiên mênh mông quanh năm sóng dữ.
Bút ký TRẦN DŨNG
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.