05/06/2021 11:25
Đường 19 tháng 5 (đường Hàng Me), thành phố Trà Vinh. Ảnh: KIM LOAN
Tính cách con người Trà Vinh được thể hiện như thế nào từ màu xanh của những hàng cây cổ thụ trong lòng đô thị thành phố Trà Vinh?
Ngày 01/01/1900, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer phân chia “Nam kỳ lục tỉnh” trước đây thành 20 tỉnh, chính thức có hiệu lực thi hành. Như vậy, trừ 06 tỉnh cổ đã có từ thời phong kiến nhà Nguyễn là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên thì 14 tỉnh còn lại đều lấy ngày 01/01/1900 làm ngày “khai sinh” của mình. Khi triển khai quy hoạch các đô thị tỉnh lỵ của cả 20 tỉnh ấy, người Pháp đều đồng loạt triển khai việc trồng cây xanh, thường đó là những chủng loại thực vật bản địa đặc hữu của địa phương. Điều đó có nghĩa là, cả 20 đô thị tỉnh lỵ trên toàn cõi Nam kỳ lúc ấy đều được phủ bóng cây xanh như nhau và nhiều tấm hình của thập niên 1920, 1930, 1940… đã thể hiện rõ nét chung nhất về màu xanh Mỹ Tho, màu xanh Thủ Dầu Một, màu xanh Biên Hòa, màu xanh Vĩnh Long… Vậy, vì lý do gì từ màu xanh cổ thụ mang tính phổ quát của cả Nam kỳ trong nhiều thập niên đã trở thành màu xanh cá biệt, đặc trưng và chỉ riêng có của thành phố Trà Vinh hôm nay?
Có nhiều bài báo, công trình khoa học chỉ ra các nguyên nhân để thành phố Trà Vinh giữ được màu xanh của những hàng cây cổ thụ qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, qua sự hủy hoại của thời gian và chính sự tàn phá của con người từ nhu cầu bức thiết của cuộc sống. Trong đó, nổi lên nguyên nhân từ những chủ trương, biện pháp quyết liệt của chính quyền sở tại trong việc bảo vệ, chăm sóc như chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trồng thay thế những cá thể cây, những hàng cây đã đến giới hạn tuổi thọ… Những nguyên nhân này, đúng nhưng chưa đủ. Bởi sự tác động của chính quyền trong việc bảo vệ cây xanh đô thị thì có ở nhiều tỉnh chứ không riêng Trà Vinh và sự tác động này cũng mới xuất hiện chừng vài ba thập niên gần đây mà thôi!
Nguyên nhân quan trọng nhất, lâu dài, thường xuyên, bền bỉ và liên tục, để thành phố Trà Vinh vẫn xanh và luôn xanh chính là sự chung tay gìn giữ của cộng đồng các dân tộc địa phương. Trong suốt gần một thế kỷ rưỡi qua, từ những thập niên cuối thế kỷ XIX qua suốt thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI, mỗi người dân Trà Vinh đều xem từng cội cổ thụ, từng hàng cây cổ thụ và cả màu xanh cổ thụ toàn thành phố như người bạn thân thiết, thậm chí là một phần máu thịt, tâm hồn của chính bản thân mình. Dù chưa được chính quyền thực dân Pháp hay chính quyền Sài Gòn yêu cầu hay có biện pháp gì, thì việc chăm sóc, giữ gìn, quý trọng cây xanh đã là thói quen, tập quán, thậm chí được thể hiện một cách vô thức của người Trà Vinh.
Tính cách con người, đứng về mặt lý luận, có nhiều nội hàm khác nhau. Ở đây, từ góc độ thực tiễn, có thể hiểu tính cách là một phần của văn hóa, mà văn hóa được thể hiện cụ thể qua cách ứng xử của con người với thiên nhiên, với xã hội và với chính mình.
Như vậy, ngoài những tính cách lớn rất đáng trân trọng cần cù, sáng tạo trong lao động; tính cách yêu nước, yêu quê hương xứ sở; tính cách dũng cảm, bất khuất trước kẻ thù; tính cách đoàn kết, mở lòng đón nhận lẫn nhau giữa các dân tộc cùng cộng cư… dưới màu xanh cổ thụ thành phố, dễ dàng nhận ra một tính cách khá đặc trưng người Trà Vinh - đó là tính cách yêu thương, quý trọng, hòa mình với cây xanh - nói rộng ra là với thiên nhiên, mà ngày nay hay được dùng với thuật ngữ là với môi trường tự nhiên.
Từ những hàng cây cổ thụ nội ô thành phố Trà Vinh, hãy liên hệ sang một lĩnh vực khác là vốn phi vật thể văn học dân gian Trà Vinh để hiểu thêm về cách ứng xử truyền thống của người Trà Vinh với thiên nhiên. Trong hơn 30 truyện kể dân gian về cọp sưu tầm được khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, thì điểm chung nhất được rút ra là không có truyện nào thể hiện người Trà Vinh và cọp đối đầu nhau, không có truyện nào người giết cọp và cũng không có truyện nào cọp giết người, khác hẳn với truyện dân gian về cọp của các tỉnh lân cận. Thậm chí, cọp Trà Vinh còn là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sự dũng mảnh, can trường nhưng cũng đầy nhân ái, nghĩa khí, mà truyện Cọp cái già sau biến âm thành ấp Cái Già ở Hiệp Mỹ (Cầu Ngang) là một ví dụ điển hình. Mô típ “cọp rước mụ” phổ biến ở Nam Bộ kể về thời hoang sơ khai hoang mở cõi, với những tình tiết làm khung cho câu chuyện là cọp cái ở vào ca sanh khó, cọp đực về làng đón bắt bà mụ đưa lên rừng đở đẻ, sau đó cọp đực đưa lễ vật đến tạ ơn. Cũng mô típ đó nhưng khi về cù lao Tân Qui (An Phú Tân, Cầu Kè) thì ca đẻ khó không phải là cọp cái mà là một người phụ nữ đơn thân nghèo khổ, nghĩa là cọp rước mụ cho người, cọp đã nhân ái, yêu thương và ra tay giúp đỡ con người khi hoạn nạn. Chi tiết này, có thể nói là chưa gặp bất cứ đâu trong kho tàng văn học dân gian, ngoài văn học dân gian Trà Vinh.
Khái quát hơn một chút, cọp chính là biểu tượng của thiên nhiên, của môi trường tự nhiên, thì qua cách ứng xử của người Trà Vinh truyền thống đã thể hiện một tính cách khá rõ nét: tính cách không đối đầu, không hủy hoại mà phải sống hòa mình vào thiên nhiên, để được thiên nhiên yêu thương, che chở!
Vậy thì, tính cách gắn bó, hòa mình và không đối đầu với thiên nhiên của người Trà Vinh có căn nguyên, gốc rễ từ đâu?
Một minh chứng khá sinh động là hình ảnh “ông Năm Me” (tên thật là Nguyễn Văn Hung) cùng gia đình được chính quyền Sài Gòn (và cả chính quyền cách mạng sau ngày giải phóng) giao thầu thu hái trái me trên đường Hàng Me. Để bảo vệ, chăm sóc nguồn sinh sống của gia đình mình, ông Năm Me gần như suốt ngày từ sáng đến chiều, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, chỉ với những dụng cụ rất thô sơ là một cây móc tầm vông, một sợi dây luột, một chiếc cưa tay… ở trên tàng cao các cội me để thăm khám, chăm sóc, tỉa bỏ, rồi trồng mới… cho màu xanh của me quanh năm tươi tốt, thách thức nắng mưa, bom đạn chiến tranh, nẩy lộc đâm chồi, ra hoa kết trái. Đến nỗi, nhiều người dân Trà Vinh, thế hệ năm mươi tuổi trở lên, không biết mà cũng chẳng quan tâm đến tên thật của ông mà lấy luôn tên của loài cổ thụ đặc trưng trên đường Hàng Me (đường Lê Văn Duyệt nay là đường 19 tháng 5) gán luôn thành tên ông - ông Năm Me. Điều thú vị là bản thân ông, gia đình ông rất vui vẻ, vô tư trong việc nhận tên cây thành tên mình.
|
Cũng như các thành tố khác của văn hóa nói chung, tính cách con người là sản phẩm của điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội vùng đất mà cộng đồng người đó sinh sống. Người Việt Trà Vinh xuất phát từ người Việt cội nguồn châu thổ Sông Hồng, di cư dần vào miền Trung và cuối cùng chọn mảnh đất nằm giữa Sông Tiền, Sông Hậu, tiếp giáp Biển Đông này làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Tại đây, các thế hệ cư dân người Việt ban đầu gặp gỡ, chung sống, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với người Khmer, người Hoa, người Chăm, người Ấn… để hình thành cộng đồng các dân tộc Trà Vinh. Tính cách người Trà Vinh là sự kế thừa tính cách người Việt cội nguồn châu thổ Sông Hồng kết hợp với sự giao lưu, tiếp biến, định hình trong quá trình chung sống với các dân tộc anh em. Trong mối quan hệ giao lưu, tiếp biến này, thường người ta hay nghĩ đến chiều ảnh hưởng của tộc người đông đảo hơn đối với tộc người có số lượng cá thể ít hơn, nghĩa là ảnh hưởng của người Việt đối với người Hoa, người Khmer… mà ít khi nghĩ đến chiều ngược lại. Ở đây, cần nhấn mạnh đến nếp sống thân thiện với môi trường chung quanh rất đặc thù của tộc người Khmer Nam Bộ. Người Khmer Nam Bộ, người Khmer Trà Vinh từ xưa đến nay sinh ra, lớn lên cho đến khi giã từ cõi tạm đều dưới bóng cây xanh, trong sự chở che, ban tặng của thiên nhiên và hết lòng hết sức vun bồi, chăm sóc cho cây xanh, cho thiên nhiên tồn tại. Hãy đi và nhìn ngắm, bất cứ ngôi chùa, bất cứ phum sóc nào của người Khmer cũng nép mình bình yên dưới bóng mát của cây xanh, của thiên nhiên ngàn đời để lại. Ở đâu có người Khmer, ở đó có nhiều cây xanh; ở đâu tồn tại nhiều cây xanh, đó chính là ngôi chùa và phum sóc Khmer. Nếp sống này dần dần thuyết phục, lan tỏa ra cộng đồng, cộng hưởng với tính cách người Việt cội nguồn từ châu thổ Sông Hồng, định hình tính cách thân thiện, quý trọng, không đối đầu, không hủy hoại thiên nhiên của người Trà Vinh qua nhiều thế kỷ.
Tất nhiên, tính cách đáng trân trọng này đang có xu thế mai một dần trong quá trình con người phải đối đầu một cách vất vả với miếng cơm manh áo hàng ngày trong cơ chế kinh tế thị trường lạnh lùng và khắc nghiệt.
Tính cách thân thiện, quý trọng, không đối đầu, không hủy hoại môi trường tự nhiên của người Trà Vinh cần được tiếp tục nghiên cứu và phát huy một cách đầy đủ. Ngày nay, công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, càng phải chú ý hơn với tính cách đặc thù này của cộng đồng dân cư Trà Vinh.
TRẦN DŨNG
Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh Hải Dương phát hiện 22 ca mắc COVID-19, rải rác ở các huyện, thị xã và thành phố. Hiện COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại; từ ngày 11-19/5, toàn tỉnh phát hiện 8 người mắc COVID-19.