10/08/2023 08:37
Ở tuổi 76, thương binh 4/4 Nguyễn Minh Hoàng vẫn cần mẫn lao động, vui thú điền viên.
Chúng tôi tìm đến gia đình thương binh Nguyễn Minh Hoàng (Ba Hoàng), ấp Phú Phong, xã Bình Phú, huyện Càng Long. Ông Ba Hoàng vừa xong buổi làm việc, trên tay cầm dụng cụ làm vườn đang thong thả về nhà. Tuy ở tuổi ngoài bảy mươi nhưng ông vẫn còn khá nhanh nhẹn, hàng ngày, ông vẫn miệt mài với công việc chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình.
Đôi mắt của người thương binh ánh lên niềm tự hào khi nhắc lại những năm tháng hào hùng của đời binh nghiệp. Năm 1963, Nguyễn Minh Hoàng khi ấy vừa tròn 16 tuổi sớm giác ngộ cách mạng, tham gia vào lực lượng địa phương quân huyện Càng Long. Trải qua những năm tháng kháng chiến ác liệt, ông tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, nhiều lần phải đối diện với ranh giới của sự sống và cái chết.
Ông còn nhớ, vào năm 1972, khi đó ông là Xã đội trưởng xã Bình Phú, đơn vị được lệnh tiến công Đồn Dân vệ ấp Nguyệt Lãng, xã Bình Phú. Trận đánh diễn ra ác liệt, trong lúc cùng đồng đội tiến công, ông bị thương, được đồng đội đưa về tuyến sau chữa trị. Trận đánh Đồn Dân vệ ấp Nguyệt Lãng, đơn vị ông Ba Hoàng giành thắng lợi.
Ông còn nhớ, khoảng thời gian vào năm 1965, 1966, khi ấy, quân Mỹ, ngụy với vũ khí trang bị hiện đại, thường xuyên hành quân bố ráp lực lượng cách mạng. Lực lượng địa phương quân và du kích hỏa lực thấp chênh lệch với địch, nhưng với tinh thần, ý chí kiên định một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, từng cán bộ, chiến sĩ vẫn giữ vững niềm tin, quyết chiến, quyết thắng để giành lại độc lập, thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), ông Hoàng được phân công chức vụ Chủ tịch UBND xã Bình Phú và nhiều nhiệm vụ khác. Đến năm 1981, ông về nghỉ và tập trung phát triển kinh tế gia đình. Khi đó, ông được địa phương tin cậy phân công nhiệm vụ Bí thư Chi bộ ấp Phú Phong 2, xã Bình Phú. Những ngày đầu trở lại với cuộc sống đời thường, tuy ông Nguyễn Minh Hoàng được thừa hưởng diện tích đất khoảng 02ha từ gia đình. Thửa ruộng sau nhiều năm không được canh tác đã mọc đầy cây dại. Ông Ba Hoàng phải làm lại từ đầu, ông bắt tay vào cải tạo lại vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái. Ban ngày, ông làm công tác địa phương, đến 5, 6 giờ chiều ông mới ra đồng phát hoang cho thửa ruộng.
Nhờ sự kiên trì, chịu khó ông đã khuất phục được mảnh ruộng nhiều năm hoang hóa. Không chỉ làm vườn, trồng lúa, ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hồng phát triển chăn nuôi heo, nuôi gà, vịt. Đất không phụ người, sau nhiều năm nỗ lực, vườn cây cho trái, ruộng lúa được mùa, đàn vật nuôi phát triển tốt cho thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình thương binh 4/4 Nguyễn Minh Hoàng dần thay đổi, đủ đầy hơn.
Thời gian gần đây, địa phương có nhiều chủ trương chuyển đổi sản xuất, ông Ba Hoàng đã mạnh dạn chuyển đất trồng lúa sang trồng bưởi da xanh, dừa cho thu nhập ổn định. Sau nhiều năm nỗ lực, thương binh Nguyễn Minh Hoàng cũng nhận được thành quả xứng đáng, xây dựng được ngôi nhà rộng hơn 200m², các con đều thành đạt.
Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Phú cho biết: Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Minh Hoàng là một chiến sĩ anh dũng, gan dạ trong chiến đấu; quyết đoán, nỗ lực trong sản xuất phát triển kinh tế gia đình; xứng đáng là tấm gương để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Bài, ảnh: THANH NHÃ
Đua ghe ngo được xem là một trong những hoạt động văn hóa, thể thao được nhiều người quan tâm tại Lễ hội Ok Om Bok do tỉnh Trà Vinh tổ chức hàng năm. Để tiếp tục phát huy những nét độc đáo của môn đua ghe ngo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, nhân Tuần lễ Văn hóa, Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2024 giải đua ghe ngo được tổ chức. Giải dự kiến diễn ra trong 02 ngày 13 và 14/11 trên sông Long Bình, thành phố Trà Vinh.