17/06/2020 10:47
Ngôi nhà nhiều cái không
Nhường người khách lạ chiếc ghế nhựa cũ kỹ, vợ chồng ông Võ Văn Bàng (63 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hoa (59 tuổi) ngồi tạm trên chiếc giường nhỏ đặt trước nhà vừa dỗ giấc đứa cháu nội 05 tuổi, vừa tiếp khách. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Bàng cho biết, trước đây gia đình ông có hộ khẩu tại ấp Số 8, xã Mỹ Cẩm cùng huyện Càng Long. Đến năm 2017 hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vợ chồng ông đến ở tạm tại khu nghĩa địa trên địa bàn thị trấn Càng Long. Mục đích cho việc di chuyển này để gia đình ông nương tựa vào chiếc xe ba gác kiếm tiền mưu sinh hàng ngày với nghề chở hàng thuê.
Không nhà, không đất, chính quyền thị trấn Càng Long đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ gia đình ông Bàng căn nhà tình thương, đồng thời kêu gọi người quản lý nghĩa địa nhượng diện tích đất đủ cất ngôi nhà nhỏ. Cuộc sống cứ thế trôi qua trong khó khăn trong khi vợ chồng ông Bàng, bà Hoa đến nỗi “một chữ bẻ đôi” cũng không có. “Trời sinh voi sinh cỏ”, cuộc sống cứ vất vưởng trôi qua hàng ngày với gia đình ông. Đặc biệt, khi vào “tạm trú” tại khu nghĩa địa, bên cạnh vợ chồng ông Bàng còn đứa con trai út Võ Ngọc Sang cùng cô con dâu và 02 đứa cháu nội che lều ở cạnh. Đến khi được tặng nhà tình thương, vợ chồng ông Bàng mới chia đôi căn nhà chỉ rộng 32m² cưu mang thêm con cháu.
Trước đó, vào những năm 1994, sau vài lần dẫn anh Võ Ngọc Sang về quê nội ở xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang cuốc rẫy mướn, vợ chồng ông Bàng kết thông gia với một gia đình cùng xã Mỹ Long Bắc. Vì nghèo, nên đám cưới của anh Võ Ngọc Sang và chị Mai Thúy Kiều chỉ tổ chức bên nhà gái, sau đó 02 vợ chồng mới quay về thị trấn Càng Long sinh sống. Ngày tháng trôi qua, ngay giữa khu nghĩa địa ấy dù có 02 cháu nhỏ Võ Quốc Kiệt, sinh năm 2015 và Võ Quốc Hào, sinh năm 2017, nhưng vẫn yên ắng tiếng nói cười của trẻ thơ. Bởi cả 02 cháu Quốc Kiệt và Quốc Hào đến nay vẫn chưa biết nói, trong khi bệnh tật thì thường xuyên. Không nghề nghiệp, không biết chữ, hàng ngày vợ chồng anh Sang đi khắp làng trên, xóm dưới lụm ve chai đổi tiền mua gạo nuôi con. Mỗi khi cha mẹ đi nhặt ve chai, thì 02 anh em Quốc Kiệt và Quốc Hào ở nhà xúm xít bên ông bà nội cùng chơi đùa quanh các ngôi mộ.
Không tiền mua thuốc và cũng không dám đưa con đi bệnh viện điều trị mỗi khi ốm đau, chị Kiều thường hay ra chợ Càng Long xin thuốc về cho con uống. Điều đặc biệt nữa là đến nay cả 02 anh em Quốc Kiệt và Quốc Hào đều chưa có giấy khai sinh, khi hỏi ra chúng tôi mới biết vợ chồng anh Sang, chị Kiều cũng chưa từng làm giấy kết hôn…
Động thái từ ngành chức năng và chính quyền địa phương
Mang câu chuyện đau lòng của gia đình này, nhất là trường hợp của 02 cháu nhỏ Quốc Kiệt và Quốc Hào đến với lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở tiếp nhận kịp thời. Ngay khi nắm bắt thông tin, ông Nguyễn Văn Khiêm đã chỉ đạo phòng chuyên môn rà soát, xác minh, đồng thời phối hợp chính quyền địa phương vào cuộc.
Riêng ở góc độ địa phương, qua tiếp xúc với gia đình này ngày 05/6, ông Hồ Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Càng Long cho biết, vào năm 2017 gia đình ông Võ Văn Bàng di chuyển từ ấp Số 8, xã Mỹ Cẩm đến tạm trú tại khu nghĩa địa Khóm 3. Khi đó cán bộ thị trấn có tiếp cận gia đình, nhưng do sau khi sinh, ông bà ngoại của Quốc Kiệt và Quốc Hào mang giấy chứng sinh về xã Mỹ Long Bắc làm khai sinh cho cháu. Sau đó, ông bà ngoại của 02 cháu nhỏ cũng để lạc mất giấy chứng sinh, không thể khai sinh cho cháu. Trong khi đó, tại thị trấn Càng Long, cả chị Mai Thúy Kiều và anh Võ Ngọc Sang đều chưa nhập hộ khẩu, nên không thể làm giấy khai sinh kể cả việc cấp bảo hiểm y tế cho trẻ em cũng không thực hiện được - ông Hồ Đình Trọng giải thích.
Tuy nhiên, trước sự việc đang được dư luận quan tâm, chính quyền thị trấn Càng Long đang vận động gia đình anh Sang làm thủ tục cắt chuyển hộ khẩu về Khóm 3. Cùng với động thái này, ông Hồ Đình Trọng cho biết cũng đang kiến nghị các ngành có liên quan xem xét sớm hỗ trợ cho gia đình anh Sang căn nhà, vì hiện nay căn nhà đang ở rất hẹp, lại đang xuống cấp nhanh.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết, sẵn sàng tiếp nhận 02 cháu Quốc Kiệt và Quốc Hào về Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh để chăm sóc, giáo dục. Mặt khác, ngày 09/6/2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh có Văn bản số 1068/SLĐTBXH-BTXHTEBĐG gửi UBND huyện Càng Long yêu cầu địa phương này tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em trên địa bàn huyện; đồng thời có văn bản chỉ đạo UBND cấp xã rà soát những trường hợp trẻ em chưa có giấy khai sinh và bảo hiểm y tế; có biện pháp giải quyết kịp thời để tránh dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến việc quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em tại địa phương.
Tháng Hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Xem ra đây là một trong những trường hợp cần kịp thời được quan tâm. Và những động thái dù có muộn của ngành chuyên môn cũng như của chính quyền địa phương cũng đáng được dư luận xã hội phát huy.
Bài, ảnh: BÁ THI
Trong hành trình dựng xây quê hương Trà Vinh ngày càng phát triển, không thể không nhắc đến sự đóng góp âm thầm mà sâu sắc của lực lượng Cựu chiến binh (CCB). Những người lính năm xưa, nay vẫn luôn là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền và Nhân dân, tiếp tục phát huy phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình.