12/10/2020 07:44
Từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản. Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14 - 31/10/1930, tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và các án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế.
Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất chỉ rõ: "Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động". Từ tháng 10/1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước”.
Chặng đường 90 năm công tác dân vận của Đảng trải qua các giai đoạn: công tác dân vận trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945); công tác dân vận trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975); công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (từ 1975 đến nay).
Thực hiện các Nghị quyết từ Đại hội VII đến Đại hội XI của Đảng, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác dân vận. Đặc biệt, trên cơ sở đánh giá tình hình, làm rõ các thách thức đối với công tác dân vận trong Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định và làm sâu sắc thêm 05 quan điểm, 07 nhiệm vụ nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Đồng thời, nhiều văn bản của Đảng liên quan đến công tác dân vận được ban hành nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016) đã nhấn mạnh nội dung phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân và công tác dân vận trong xây dựng đảng,yêu cầu tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; giải quyết bức xúc, kiến nghị chính đáng của Nhân dân; kịp thời thể chế đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Phát huy truyền thống 90 năm, tiếp tục làm tốt công tác dân vận của Đảng trong giai đoạn mới
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận gắn với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức đã được tăng cường, tiếp tục đổi mới và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước đạt được kết quả tích cực; ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nâng cao đời sống, giải quyết có hiệu quả nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Những kết quả quan trọng đó đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, công tác dân vận chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, nhận thức về công tác dân vận, công tác nắm tình hình nhân dân, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên; việc thể chế đường lối, chủ trương của Đảng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác vận động, tuyên truyền, giải quyết khiếu kiện phức tạp, đông người kéo dài... còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu đó là, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở còn hạn chế; một số nơi vai trò tiên phong, nòng cốt của cán bộ, đảng viên còn mờ nhạt; một số chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội còn chậm và chưa hiệu quả, cá biệt có chủ trương, chính sách chưa được sự đồng thuận cao của nhân dân; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.
Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra; trình độ dân trí ngày càng cao; vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng; các phương tiện thông tin trực tiếp tác động ngày càng đa dạng, đa chiều; các thế lực thù địch, phần tử xấu chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt... để tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; đổi mới cách thức tuyên truyền về công tác dân vận, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
2. Tập trung làm tốt công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp, trọng tâm là:
- Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân, giữa các vùng, miền, quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nâng cao chất lượng, khắc phục tính hình thức trong hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân.
- Tiếp tục hoàn thiện và thực thi quy định về đạo đức công vụ kết hợp với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công tác dân vận; phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trực tiếp giao tiếp với nhân dân. Chống các khuynh hướng mị dân, kích động dân trước những hiện tượng tiêu cực. Kiên quyết phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với biểu hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân...
- Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; sớm khắc phục tình trạng chậm hoặc không nắm được tình hình Nhân dân. Tập trung xử lý khẩn trương, dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, tránh để hình thành và lan rộng các điểm nóng về an ninh, trật tự xã hội.
3. Phát huy vai trò, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng có trọng tâm, thực chất, hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể. Quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận, đoàn thể; kiên quyết không bố trí cán bộ thiếu gương mẫu, đạo đức kém, vi phạm kỷ luật làm công tác dân vận.
Thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật, Nhà nước chỉ cấp kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao đối với các hội quần chúng.
4. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận.
5. Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, nâng cao vai trò trách nhiệm và tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái.
6. Tăng cường phối hợp, thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận.
TÒA SOẠN
(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương)
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã trao đổi sâu rộng về các định hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác và nâng tầm quan hệ trong thời gian tới.