04/09/2024 08:57
“Ngôi nhà tiết kiệm” để hỗ trợ phụ nữ yếu thế và học sinh nghèo của đồng chí Trần Thị Huyền Châm (bên phải), Chủ tịch Hội Liêp hiệp phụ nữ xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long, đảng viên Chi bộ ấp Dừa Đỏ.
Đưa chúng tôi đến xem “Ngôi nhà tiết kiệm” tại ấp Thạnh Hiệp, 01 trong 03 “Ngôi nhà tiết kiệm” được xây dựng trong năm 2024, đồng chí Trần Thị Huyền Châm vui vẻ cho biết: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, đầu năm 2024, tôi đăng ký thực hiện mô hình “Ngôi nhà tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ yếu thế và học sinh nghèo”. Khi mô hình đưa vào thực hiện nhận được sự đồng tình, ủng hộ nhiệt tình của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân trong xã, tôi cảm thấy rất vui!”.
Các “Ngôi nhà tiết kiệm” của đồng chí Trần Thị Huyền Châm ngang 1,5m, dài 02m, chiều cao 1,5m được bao bọc xung quanh bằng lưới B40, kinh phí xây dựng từ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân với hơn 01 triệu đồng/ngôi nhà. Ngôi nhà này được giao Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Hiệp quản lý.
Hàng ngày, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp có nhiệm vụ tuyên truyền đến tất cả người dân trên địa bàn ấp, xã khi có phế liệu như chai nước suối, lon nước ngọt, lon bia… đem đến bỏ vào “Ngôi nhà tiết kiệm” được đặt nơi cố định trên địa bàn ấp. Định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng chi hội phụ nữ ấp tiến hành thu gom và bán phế liệu 01 lần, số tiền thu được sẽ gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo, hỗ trợ phụ nữ yếu thế. Việc làm này vừa tạo cho người dân ý thức bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, vừa thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tính nhân văn sâu sắc khi tiết kiệm được một khoản tiền để hỗ trợ cho học sinh nghèo và phụ nữ yếu thế trên địa bàn xã.
Đồng chí Trần Thị Huyền Châm cho biết: “xác định chợ là nơi đông dân cư, tập trung nhiều tiểu thương kinh doanh và nhiều hộ dân tập trung mua sắm, có số lượng rác thải nhiều, đặc biệt là rác thải nhựa, nên tôi chọn đặt “Ngôi nhà tiết kiệm” đầu tiên tại chợ Đình Đôi của ấp Hiệp Phú để thu gom phế liệu. Qua một thời gian thực hiện, nhận thấy mô hình có hiệu quả nên tôi nhân rộng ra thêm 02 ấp Thạnh Hiệp và Dừa Đỏ 3”.
Chị Phùng Thị Đào, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Hiệp tâm đắc: Đồng chí Huyền Châm giao cho tôi quản lý “Ngôi nhà tiết kiệm” được đặt tại Trụ sở Ban Nhân dân ấp Thạnh Hiệp. Hàng ngày, tôi cùng với đồng chí chi hội phó chi hội phụ nữ ấp và các tổ trưởng tổ phụ nữ ấp tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thu gom, mang các loại rác nhựa đến tập kết vào “Ngôi nhà tiết kiệm” của ấp.
Nhờ được sự đồng tình, ủng hộ nhiệt tình của chị em hội viên phụ nữ và người dân, nên công tác tuyên truyền, vận động thu gom rác thải có nhiều thuận lợi. Hàng ngày, vào buổi sáng chị em phụ nữ đi tập thể dục hoặc hàng tháng hội viên phụ nữ đi họp thường lệ rủ nhau thu gom rác, hễ thấy rác thải nhựa vứt bừa bãi trên đường là cùng nhau thu gom tập kết về “Ngôi nhà tiết kiệm”.
Không chỉ vậy, khi mô hình được lan tỏa ra cộng đồng, Nhân dân trong ấp cũng tích cực hưởng ứng theo. Những gia đình trong ấp có đám tiệc, sau khi thu gom rác thải nhựa như chai nước suối, lon nước ngọt, lon bia cũng tập kết về “Ngôi nhà tiết kiệm” của ấp. Hàng tuần, hàng tháng chúng tôi đều kiểm tra, theo dõi, nếu ngôi nhà đầy rác thải thì bán, có ghi vào sổ sách đầy đủ số rác thu gom, số tiền bán được, báo cáo với đồng chí Huyền Châm và công khai minh bạch tại cuộc họp chi hội phụ nữ hàng tháng để chị em hội viên nắm, biết.
Mô hình “Ngôi nhà tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ yếu thế và học sinh nghèo” của đồng chí Trần Thị Huyền Châm góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên phụ nữ, người dân trong việc phân loại, tái chế rác thải nhựa, hạn chế việc xã thải ra môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ngày một tốt hơn. Cùng với đó, xây dựng được nguồn kinh phí để tặng học bổng cho học sinh nghèo, học sinh hoàn cảnh khó khăn và hội viên yếu thế, bệnh tật. Qua gần 01 năm thực mô hình, số tiền thu được từ việc bán phế liệu trên 05 triệu đồng, đã trao tặng 14 suất học bổng và nhiều dụng cụ học tập khác cho học sinh nghèo, đồng thời thăm, tặng quà 02 phụ nữ yếu thế, khuyết tật trên địa bàn xã.
|
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhi, hội viên phụ nữ ấp Thạnh Hiệp cho biết: tôi thấy mô hình “Ngôi nhà tiết kiệm” để hỗ trợ phụ nữ yếu thế và học sinh nghèo của chị Huyền Châm rất có ý nghĩa. Vừa góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa trên địa bàn của ấp, của xã để cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp và an toàn, vừa có được nguồn kinh phí giúp đỡ, hỗ trợ cho học sinh nghèo, phụ nữ yếu thế. Tôi thấy, khi mô hình được triển khai tại ấp nhận được sự đồng tình của đông đảo chị em phụ nữ và người dân trong ấp, trong đó có tôi và những người thân trong gia đình tôi hưởng ứng nhiệt tình. Tôi mong mô hình này tiếp tục được nhân rộng, thu gom được thật nhiều phế liệu để vừa bảo vệ tốt môi trường sống, vừa có nhiều học sinh nghèo, phụ nữ yếu thế được giúp đỡ hơn.
Đồng chí Trần Thị Huyền Châm cho biết thêm: Từ khi có “Ngôi nhà tiết kiệm”, ý thức tiết kiệm cũng như bảo vệ môi trường của người dân trong các ấp nói riêng, xã Nhị Long Phú nói chung được nâng cao hơn. Hễ nhìn thấy bất cứ ở đâu có rác thải nhựa, hội viên phụ nữ nói riêng, người dân trên địa bàn xã nói chung đều nghĩ ngay đến “Ngôi nhà tiết kiệm”. Các tuyến đường nông thôn trên địa bàn xã Nhị Long Phú bây giờ rất hiếm thấy rác thải vứt bừa bãi. Việc xây dựng môi trường sống trong lành, xanh - sạch - đẹp và học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ yếu thế được quan tâm, chăm lo, Nhân dân ai nấy đều đồng tình, phấn khởi.
Mô hình được triển khai thực hiện đến nay chưa tròn 01 năm, song, đã phát huy hiệu quả tích cực. Hướng tới, tôi sẽ tiếp tục sẽ phát động 04/07 chi hội phụ nữ ấp còn lại tùy vào tình hình thực tế của địa phương triển khai và nhân rộng mô hình một cách phù hợp, hiệu quả nhất, nhằm góp phần thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường và đặc biệt là công tác an sinh xã hội trên địa bàn xã.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.