22/09/2023 05:16
Ngày 14/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, UBND thị xã Duyên Hải phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch tiến hành khảo sát thực địa các mô hình, điểm đến tiềm năng để đánh giá và thống nhất phương án phát triển du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng địa phương và triển khai Dự án Du lịch canh nông lấy địa bàn canh tác rau màu tại thị xã Duyên Hải (trong ảnh: Mô hình trồng củ sắn của nông dân xã Trường Long Hòa). Ảnh: BTV
Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện Duyên Hải có gần 25.000 lượt hộ nông dân được bình xét đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKD) các cấp; trong đó, có 88 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp Trung ương. Thu nhập trung bình các hộ nông dân SXKD giỏi tăng từ 371 triệu đồng/năm, lên 472 triệu đồng/năm. Đặc biệt, có một hội viên nông dân 02 năm liền (2022, 2023), được Ban Tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn nông dân tiêu biểu toàn quốc. Đó là ông Ngô Văn Đệ, hội viên nông dân xã Long Khánh, huyện Duyên Hải. Ông là nông dân có doanh thu đứng đầu trong tốp 100 nông dân tiêu biểu toàn quốc năm 2023, với hơn 140 tỷ đồng/năm bằng nghề nuôi trồng thủy sản.
Xác định phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp là một giải pháp động lực thúc đẩy XDNTM bền vững. Đồng thời, NTM là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của kinh tế nông nghiệp. Nên ngay từ khi bắt tay vào XDNTM, huyện Duyên Hải đã tập trung rà soát các tiêu chí nông thôn. Đặc biệt, tập trung vào công tác quy hoạch và phê duyệt quy hoạch NTM của các xã, thị trấn, từ đó, có kế hoạch huy động nguồn vốn. Trong này, ưu tiên các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời tổ chức lại sản xuất.
Với diện tích nông nghiệp 22.000ha, trong đó, có 5.000ha là đất rừng, huyện Duyên Hải hình thành nên 04 tiểu vùng sản xuất phân theo vùng sinh thái, như: tiểu vùng sản xuất lúa; tiểu vùng trồng cây ăn trái, hoa màu và cây công nghiệp; tiểu vùng trồng rừng và nuôi trông thủy sản; tiểu vùng sản xuất muối.
Tương ứng với mỗi tiểu vùng sản xuất, huyện xác định cây trồng, vật nuôi và thủy sản chủ lực để tập trung các giải pháp chỉ đạo phát triển phù hợp. Đến nay, sản xuất nông, ngư, lâm nghiệp của huyện phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Năm 2022, giá trị sản xuất đất nuôi tôm trên địa bàn huyện đạt trên 330 triệu đồng/ha, Giá trị sản xuất bình quân trên đất trồng trọt 133 triệu đồng/ha/năm, tăng 36 triệu đồng/ha so với năm 2020.
Trong XDNTM, tiêu chí 13, về hình thức tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương, làm nền tảng để hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Huyện Duyên Hải đã tập trung hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX kiểu mới. Công tác tổ chức lại HTX gắn với chuyển đổi mô hình hoạt động kiểu mới được thực hiện tốt, nhất là đối với các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2015, chưa có xã có HTX nông nghiệp, đến nay, trên địa bàn huyện Duyên Hải có 12 HTX nông nghiệp, với 681 thành viên, vốn điều lệ 12 tỷ đồng; 178 tổ hợp tác, với 2.300 tổ viên. Qua củng cố, phần lớn HTX và tổ hợp tác đều có chất lượng hoạt động khá tốt.
Điển hình như HTX nông nghiệp hữu cơ xã Ngũ Lạc, thành lập vào năm 2018, có 56 thành viên tham gia hoạt động, với tổng vốn góp 498 triệu đồng. Ông Lâm Thành Cảnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ xã Ngũ Lạc cho biết: được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về các chính sách đối với HTX về ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng nông sản, HTX chủ động liên kết với 03 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trực tiếp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản của HTX và của người dân trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ nông dân, thành viên HTX tiêu thụ nông sản; hướng dẫn chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, nâng cao giá trị nông sản; giúp nông dân, thành viên HTX có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho nông dân. Nhờ vậy, dù trong điều kiện giá cả thị trường của mặt hàng nông sản luôn biến động như hiện nay, thì HTX Nông nghiệp hữu cơ xã Ngũ Lạc luôn bảo đảm cho nông dân và thành viên HTX tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Duyên Hải, hiện tại, địa phương có 02 HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, với các cây trồng chủ lực, là: ớt, đậu phộng và rau màu các loại. Lĩnh vực nuôi tôm thì đang hình thành liên kết chuỗi ngành hàng tôm sú đạt chuẩn hữu cơ. Các ngành chức năng huyện Duyên Hải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tôm sú chuẩn hữu cơ và mở rộng ngành hàng nông sản liên kết theo chuỗi giá trị đã được phê duyệt, nhất là xây dựng sản phẩm OCOP.
Trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, huyện Duyên Hải đề ra mục tiêu là xây dựng huyện Duyên Hải đạt chuẩn NTM đến năm 2022 và giữ vững huyện NTM đến năm 2025. Xây dựng nông thôn huyện Duyên Hải có kinh tế nông nghiệp phát triển cân đối, toàn diện và đi vào chiều sâu; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngang bằng với cư dân đô thị; nông thôn dân chủ ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; tiềm năng du lịch được phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững.
Đặc biệt, tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Huyện ủy Duyên Hải đã cụ thể hóa và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và người dân nông thôn tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ kỹ thuật, liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tham gia các chuỗi giá trị. Đổi mới toàn diện hình thức tổ chức, nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch của tỉnh gắn với xây dựng các chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và thị trường.
Song song đó, ưu tiên triển khai các đề tài, dự án có tính ứng dụng cao, thiết thực, phù hợp với quy trình canh tác và thích ứng biến đổi khí hậu để chuyển giao sản xuất. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn; triển khai thực hiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cơ cấu lại đầu tư công hợp lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay và hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; có chính sách đủ mạnh để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ.
Tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Có chính sách, giải pháp hỗ trợ thành lập các vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy các mô hình liên kết giữa các viện, trường, doanh nghiệp, HTX và nông dân. Đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề trong nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nước gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch từ khâu lựa chọn giống, sản xuất, chế biến, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm. Từng bước hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Trước mắt, huyện Duyên Hải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện XDNTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Đặc biệt, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua XDNTM, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân để cùng với cả tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Trà Vinh xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trước năm 2025.
DƯƠNG MINH ĐÔNG
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.