09/11/2023 08:01
Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu thảo luận.
Tham gia thảo luận vào chiều ngày 08/11, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn đánh giá cao Ban soạn thảo đã chuẩn bị công phu hồ sơ trình Dự thảo Luật. Theo Đại biểu Trần Quốc Tuấn, kể từ khi Luật Đấu giá tài sản năm 2016 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực ngày 01/7/2017, đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá tài sản; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao; hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, được xã hội hóa một cách mạnh mẽ với các tổ chức đấu giá tài sản phát triển rộng khắp trên cả nước,… Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã đáp ứng yêu cầu xử lý tài sản của các tổ chức, cá nhân; các loại tài sản đấu giá ngày càng mở rộng, đa dạng với nhiều loại tài sản mới bắt buộc phải bán thông qua đấu giá như kho số viễn thông, tài nguyên Internet, nhiều số điện thoại đẹp, hay biển số đẹp của xe ô-tô đã được đấu giá thành công... điển hình là thực hiện thí điểm biển số xe ô-tô, phiên đấu giá ngày 15/9/2023, với 11 biển số xe ô-tô đã thu về trên 82 tỷ đồng; cá biệt có 01 biển số 51K-888.88 của Thành phố Hồ Chí Minh đã trúng đấu giá trên 32 tỷ đồng... Qua các phiên đấu giá này, đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công; giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, đóng góp vào việc thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, qua 05 năm thực hiện, một số quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, có khá nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoặc có những nội dung quy định chưa đầy đủ, chưa dự liệu hết những vấn đề phát sinh trong quá trình xã hội hóa hoạt động bán đấu giá.
Thống nhất với 05 nhóm hạn chế bất cập nêu ra trong nội dung báo cáo số 58 của Bộ Tư pháp về đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng pháp luật. Trong đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn quan tâm nhất về nội dung bất cập là: Một bộ phận đấu giá viên còn chưa qua đào tạo nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề còn hạn chế; vẫn còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến nhiều vụ việc bị hủy kết quả đấu giá do vi phạm về trình tự, thủ tục, thậm chí bị điều tra, truy tố, xét xử gây ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp và niềm tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Nội dung bất cập này được thể hiện qua 02 vấn đề liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản đang diễn ra, được nhiều cử tri quan tâm, bức xúc.
Thứ nhất, Thực tế đang xảy ra tình trạng trục lợi trong đấu giá tài sản, có những tài sản của người dân bị dìm giá, để bán đấu giá với giá thấp hơn giá trị thực, gây bức xúc trong dư luận hoặc có trường hợp tài sản công của nhà nước khi bán đấu giá thành công nhưng kết quả số tiền thu về thấp hơn số tiền người trúng đấu giá phải trả, do người trúng đấu giá còn phải trả thêm một khoản tiền phi chính thức cho một nhóm người khác, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Tình trạng này tồn tại là do Luật hiện hành không quy định rõ các nội dung liên quan. Có những trường hợp trong cùng một gia đình nhưng nhiều thành viên như cha, mẹ, anh, chị em, vợ, chồng... cùng đăng ký tham gia đấu giá để mua 01 tài sản đấu giá; hay có trường hợp một nhóm người tham gia đấu giá cùng ủy quyền cho 01 người khác tham gia cuộc đấu giá để mua một tài sản; hoặc những người tham gia đấu giá ủy quyền cho người khác tham gia cuộc đấu giá mà người này cũng là người tham gia cuộc đấu giá đó… Tình trạng này cần được nghiên cứu khắc phục bằng cách sửa đổi quy định của Luật.
Thứ hai, Một thực trạng khác cũng đang diễn ra và gây bức xúc trong dư luận, đó là vẫn còn có trường hợp các tổ chức, cá nhân khi đến mua hồ sơ để tham gia đấu giá tài sản thì nhân viên nói rằng đã bán hết hồ sơ rồi… nhưng thực tế là những hồ sơ đó đã được bán từ sớm, từ xa cho một nhóm người cố tình bắt tay thông đồng với nhau để không có người lạ tham gia vào cuộc đấu giá đó.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, tình trạng này diễn ra là do Luật Đấu giá tài sản 2016 không có quy định về thành phần hồ sơ tham gia đấu giá như thế nào, bán hồ sơ tại đâu; hay điều kiện tham gia đấu giá, hồ sơ thẩm định, thời gian và cơ quan, tổ chức thẩm định điều kiện tham gia như thế nào?... Nên từ đó, trong thực tế quá trình triển khai đã xảy ra tình trạng mỗi tổ chức đấu giá thực hiện một kiểu, đặc biệt là địa điểm tổ chức bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá không rõ ràng, dẫn đến việc người tham gia đấu giá muốn tiếp cận để mua hồ sơ đấu giá rất khó khăn, từ đó không thể tham gia đấu giá được.
Những bất cập nêu trên đã dẫn đến việc tổ chức đấu giá không đảm bảo tính khách quan, minh bạch, có thể xảy ra tình trạng thông đồng, dìm giá, thậm chí gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước khi đấu giá tài sản công hoặc làm thiệt hại giá trị tài sản của người dân.
Đây là vấn đề tồn tại, bất cập mà Dự thảo Luật sửa đổi lần này cần phải được khắc phục để góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá tài sản. Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho biết và đề nghị Luật cần sửa đổi theo hướng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung pháp lý, quy định về việc “Xây dựng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản rõ ràng, minh bạch, áp dụng thống nhất, khả thi, linh hoạt, tạo thuận lợi cho người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản khi thực hiện việc đấu giá tài sản. Đồng thời, đảm bảo nguồn thu cao nhất cho ngân sách nhà nước khi đấu giá tài sản công”. Bên cạnh đó, phải tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản.
Buổi thảo luận tổ chiều ngày 08/11.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn thể hiện quan điểm và góp ý kiến đối với 03 nội dung cụ thể trong Dự thảo Luật:
Một là: Cần sửa đổi, bổ sung nội dung khoản 4, Điều 38 của Luật đấu giá tài sản
Bổ sung các nhóm đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá vào khoản 4, Điều 38 về đăng ký tham gia đấu giá của Luật Đấu giá tài sản như "Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; các công ty mẹ, công ty con; các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản.”.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, việc bổ sung quy định nhóm đối tượng này không được tham gia đấu giá, để nhằm giảm bớt tiêu cực xã hội và để đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, minh bạch, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng đề nghị Luật cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc xử lý, xử phạt việc vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản. Có thể quy định số tiền đặt trước có mức thấp hơn, nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, nhưng số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ có mức cao hơn, như vậy sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường và lãng phí nguồn lực tổ chức cuộc đấu giá.
Đồng thời, Luật cần sửa đổi, bổ sung nội dung quy định chế tài cấm tham gia đấu giá trong một thời gian, có thể từ 01 đến 03 năm đối với một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về đấu giá tài sản ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đấu giá như cấm tham gia đấu giá tài sản đối với các tổ chức, cá nhân bị kết án về tội thông đồng, dìm giá, hoặc trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá dẫn đến phải hủy kết quả đấu giá... để nhằm minh bạch đối với hoạt động này, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Hai là, cần sửa đổi, bổ sung nội dung Khoản 1 Điều 52 Luật Đấu giá tài sản quy định về các trường hợp đấu giá không thành
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị, bổ sung vào khoản 1 Điều 52 Luật Đấu giá tài sản 2016 với nội dung "Đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều người tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá hoặc có nhiều người trả giá nhưng chỉ có một người trả giá hợp lệ trong trường hợp đấu giá tài sản quy định tại Điều 59 của Luật này"
Việc bổ sung như vậy sẽ góp phần vừa đảm bảo tính chặt chẻ, hạn chế được tình trạng thông đồng, dìm giá để tạo điều kiện cho người trong nhóm trúng đấu giá với mức giá thấp hơn giá trị thực, gây thiệt hại cho người dân và gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Việc bổ sung quy định như vậy cũng sẽ đảm bảo tính thống nhất với các nội dung được quy định trong Dự thảo Luật.
Ba là, Cần sửa đổi, bổ sung nội dung Khoản 1, khoản 2 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản.
Bên cạnh đề nghị đã nêu, Đại biểu Trần Quốc Tuấn góp ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định quan trọng vào Khoản 1, khoản 2 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản, nội dung là "Ngoài việc thông báo công khai trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và Cổng Đấu giá tài sản quốc gia quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức đấu giá tài sản thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá".
Việc đề nghị bổ sung nêu trên là do Luật Đấu giá tài sản 2016 chỉ quy định công khai trên báo in, báo hình. Nhưng hiện nay, hình thức thông báo công khai trên báo in, báo hình không còn phù hợp với thực tiễn. Tỷ lệ tiếp cận thông tin đấu giá từ báo in, báo hình không cao, một số tổ chức đấu giá tài sản còn lợi dụng quy định về báo in, báo hình để hạn chế thông tin đấu giá như đăng trên báo ít người đọc, phát sóng vào các khung giờ đêm hoặc 1-2 giờ sáng... gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đấu giá tài sản. Hiện nay, việc đăng thông tin cuộc đấu giá trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản đang phát huy hiệu quả tích cực, đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ theo dõi, tiếp cận thông tin. Như vậy sẽ nâng cao hiêu quả hoạt động đấu giá tài sản trong thời gian tới.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.