29/10/2024 16:43
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, chiều ngày 29/10 Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tổ chiều ngày 29/10/2024.
Tham gia góp ý kiến cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh đã phát biểu đồng tình với nội dung dự thảo luật, nhưng tập trung góp ý vào nội dung sửa đổi bổ sung đối với Luật NSNN.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng việc sửa đổi Luật NSNN với các nội dung Chính phủ trình là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay, nhất là các nội dung cấp thiết, phát sinh từ thực tiễn đã được các địa phương phản ánh, được Chính phủ tiếp thu để trình Quốc hội xem xét ban hành các Nghị quyết đặc thù trong thời gian gần đây.
Điển hình như, cuối năm 2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết “Thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ”. Trong đó có chính sách đặc thù là “cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương này để hỗ trợ địa phương khác đầu tư xây dựng dự án, công trình trọng điểm, liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quan trọng khác…”.
Từ cơ chế, chính sách đặc thù này, đã tháo gỡ được những điểm nghẽn lớn triển khai xây dựng các dự án, công trình giao thông trọng điểm của cả nước, trong đó có Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên II nối liền 02 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre, để kết nối “toàn tuyến đường bộ ven biển” của 07 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nếu như không có cơ chế chính sách đặc thù, sẽ không thể triển khai thực hiện hàng loạt dự án giao thông đường bộ trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, thời gian thí điểm chính sách đặc thù này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2025, trong khi cả nước đang còn rất nhiều công trình, dự án trọng điểm có tính chất tương tự, nên rất cần tiếp tục áp dụng thực hiện chính sách đó.
Từ lý do nêu trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn đồng tình và thống nhất cao việc Chính phủ đưa nội dung này vào để sửa đổi Luật NSNN, vì đây là điều đang được mong đợi và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn phát triển của các địa phương trên cả nước hiện nay.
Để hoàn chỉnh dự thảo luật, và cũng từ thực tiễn phát sinh của địa phương, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị và đề xuất Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xem xét, nghiên cứu bổ sung nội dung “điểm e” vào khoản 2, Điều 35 Luật NSNN năm 2015, về các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Cụ thể, điểm e: “Thuế xuất nhập khẩu phát sinh hằng năm trên địa bàn của các địa phương chưa tự đảm bảo cân đối ngân sách”. Đồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành, theo hướng “Thuế xuất nhập khẩu phát sinh hằng năm trên địa bàn các địa phương chưa tự đảm bảo cân đối ngân sách, được phân chia ngân sách trung ương hưởng 50% và ngân sách địa phương 50% để chi cho đầu tư phát triển”.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn góp ý vào nội dung sửa đổi bổ sung đối với Luật NSNN.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, lý do đề xuất nội dung trên là vì hiện nay trên cả nước có một vài địa phương có tính chất đặc thù như tỉnh Trà Vinh, đây là địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, nhưng hằng năm phải nộp về cho ngân sách Trung ương toàn bộ số tiền thu được từ nguồn thu thuế xuất nhập khẩu phát sinh trên địa bàn, theo quy định hiện hành của Luật NSNN.
Cụ thể là, hằng năm tỉnh Trà Vinh phải nộp về cho Trung ương toàn bộ số tiền trên 1.200 tỷ đồng từ nguồn thu thuế xuất nhập khẩu phát sinh trên địa bàn tỉnh, từ Chi cục Hải quan tỉnh Trà Vinh.
Muốn có nguồn thu khoảng 1.200 tỷ để nộp về cho Trung ương hằng năm, thì mặc dù nguồn lực rất khiêm tốn, nhưng tỉnh Trà Vinh cũng phải nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách “phải bố trí, sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện tốt các hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn như: hỗ trợ máy móc, thiết bị; sửa chữa tài sản, trụ sở, công trình giao thông kết nối ra vào Cảng...”. Ngoài ra, tỉnh phải thực hiện xây dựng, gia cố các đê kè, chống sạt lở, chống xâm nhập mặn… vì đây là địa phương nằm sát biển nên phải chịu ảnh hưởng rất lớn về biến đổi khí hậu.
Thực tế hiện nay, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Trà Vinh giai đoạn 05 năm 2021 - 2025, bình quân hằng năm chỉ khoảng 1.350 tỷ đồng (gồm cả 02 nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển và chống sạt lở đê, kè, chống hạn mặn) số tiền không khác gì nhiều, hay chênh lệch nhiều so với các địa phương khác, thậm chí có những năm tỉnh Trà Vinh còn được hỗ trợ ít hơn. Điều này là chưa thật sự hợp lý và thiệt thòi cho tỉnh.
Vì các lý do nêu trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị và đề xuất Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét sửa đổi Luật NSNN năm 2015 như nội dung nêu trên, điều này đồng nghĩa khi nguồn thu thuế xuất nhập khẩu phát sinh trên địa bàn tỉnh, tại chi Cục Hải quan Trà Vinh khoảng 1.200 tỷ đồng/năm thì Trung ương phân chia 50% khoản thu này, tương đương 600 tỷ đồng/năm để giúp cho Trà Vinh vừa có thêm nguồn lực ngân sách phục vụ cho đầu tư phát triển, nhưng cũng vừa nuôi dưỡng được nguồn thu nộp về cho Trung ương hằng năm.
Báo Trà Vinh Online
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.