18/12/2021 09:17
Trò chuyện với chị Đ, học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh.
Chị Đ (ngụ huyện Càng Long) là một trong những học viên cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở. Thực hiện quyết định cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân huyện Càng Long vào tháng 10/2020, đến nay chị Đ là một trong 02 học viên nữ có biểu hiện tích cực trong công tác cai nghiện nên được Ban Giám đốc Cơ sở giải quyết cho phục vụ bếp ăn. Còn một nửa chặng đường theo quyết định của Tòa án, chị sẽ được trở về tái hòa nhập với cộng đồng nhưng tương lai với chị còn khá mờ mịt.
Cũng như hầu hết những người phụ nữ bước vào độ tuổi 30 hơn, chị đã có gia đình với 02 đứa con đủ “nếp, tẻ” nhưng chỉ vì ma túy mà gia đình chị không còn là một tổ ấm đúng nghĩa. Năm 2008, chị Đ tìm được việc làm ở Thành phố Hồ Chí Minh và từ đó cũng bắt đầu vướng vào con đường ma túy. Năm 2015, chị được đưa đi cai nghiện bắt buộc tại tỉnh Bình Phước 12 tháng. Sau đó, chị trở về quê, cứ tưởng sẽ bắt đầu lại cuộc sống mới, nhưng vẫn không dứt ra được.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh với quy mô tiếp nhận hiện tại khoảng 250 học viên. Từ đầu tháng 7 đến nay, Cơ sở quản lý 131 học viên, hầu hết đều là các trường hợp cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án. Khi vào Cơ sở cai nghiện, học viên sẽ được điều trị qua 05 giai đoạn. Giai đoạn 1 : tiếp nhận và phân loại. Giai đoạn 2 : điều trị cắt cơn, giải độc và điều trị các bệnh nhiễm trùng, cơ hội. Giai đoạn 3 : giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi nhân cách. Giai đoạn 4 : lao động, trị liệu và học nghề. Giai đoạn 5 : phòng, chống tái nghiện và chuẩn bị hòa nhập cộng đồng. Ở mỗi giai đoạn, Cơ sở sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp để giúp học viên từng bước cai nghiện với chất ma túy, thay đổi nhận thức và hành vi theo hướng tích cực hơn, giúp học viên hòa nhập với cộng đồng. |
Chị tâm sự, cứ mỗi khi có chuyện buồn chị lại nhớ đến loại bột trắng gây chết người đó, để rồi bây giờ rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười” khi bản thân đi cai, chồng đi tù, con thì không biết lưu lạc nơi nào vì trước đó cháu sống cùng ông, bà nội ở Thành phố Hồ Chí Minh, nghe đâu bà nội đã mất vì Covid-19 và giờ không biết cả nhà trôi dạt về đâu. Mẹ ruột thì bỏ mặc không thăm nom kể từ khi chị vào Cơ sở cai nghiện cho đến nay. Điều chị ray rứt nhất là đã đối xử quá tệ với người đã sinh thành ra mình và với 02 đứa con mà chị rứt ruột sinh ra. Không lo lắng được cho mẹ lại còn trở thành gánh nặng cho bà, trước đây để có tiền sử dụng ma túy, chị nhiều lần xin tiền, bán đồ đạc trong nhà khiến mẹ chị vô cùng đau lòng và mặc cảm với hàng xóm. Và, điều chị suy nghĩ nhiều nhất hiện giờ là sự bình an của đứa con gái mới 09 tuổi. Đó cũng là hy vọng còn lại để chị bấu víu vào mà làm lại cuộc đời.
Từng câu, từng lời trong câu chuyện của chị Đ đều chất chứa sự cay đắng với những gì đã trải qua. Bi kịch xảy đến với cuộc đời chị vì đã không vượt qua được cạm bẫy từ ma túy. Hy vọng rằng với sự tư vấn, giáo dục của cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy trong thời gian gần 01 năm còn lại và sự quyết tâm của bản thân, chị Đ sẽ tìm được hướng đi đúng đắn cho tương lai của mình, đoạn tuyệt với ma túy tìm lại tình mẫu tử.
Tác hại của ma túy đã quá rõ, nỗi đau từ ma túy không còn là những câu chuyện mới mẽ nhưng vì sự tò mò, nhiều thanh niên đã bị lôi kéo, dẫn dụ đến với con đường ma túy. Thử rồi bị lệ thuộc. Họ vật vã đau đớn vì “đói” thuốc và tìm mọi cách để thỏa mãn cơn nghiện. Mỗi trường hợp tại Cơ sở cai nghiện là một câu chuyện khác nhau nhưng bi kịch của mỗi người đều bắt nguồn từ ma túy.
Nghiện ma túy hơn 10 năm nay, chơi “hàng đá”, rồi chích heroin, anh T không biết mình đã vướng “H” từ lúc nào, chỉ nhớ thời điểm phát hiện bệnh là từ năm 2017 khi khám sàng lọc để vào Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo quyết định của Tòa án. Suy sụp gần như gục ngã, anh T cũng chẳng nhớ mình mắc bệnh trong trường hợp nào vì anh cùng nhóm bạn nhiều lần sử dụng cùng kim tiêm.
Giờ đây, nỗi canh cánh trong lòng anh T là không biết mình có vô tình lây nhiễm cho vợ, con hay không và không biết mình còn lại bao nhiêu thời gian để có thể bắt đầu lại. Nhìn cảnh mẹ già phải chạy xe hàng chục cây số đến thăm anh, anh lại càng hận bản thân mình đã không đủ nghị lực để từ bỏ ma túy, anh hận bản thân mình đã không đủ cương quyết để từ chối sự rủ rê của bạn bè. Cai nghiện rồi tái nghiện. Đây là lần thứ 3 anh vào Cơ sở cai nghiện. Nhiều lúc anh muốn phó thác cho số phận. Nhưng rồi, nghĩ tới mẹ già, nghĩ tới vợ và 02 đứa con nhỏ, anh lại muốn tìm thấy chút “ánh sáng” ở con đường phía trước, muốn được có thêm nhiều thời gian bên vợ, con, là chỗ dựa cho gia đình và thèm lắm tiếng gọi “ba ơi” của 02 đứa con thơ dại.
Cai nghiện ma túy là một hành trình không hề dễ dàng, bản thân người nghiện cần phải có quyết tâm và kiên trì thực hiện quyết tâm ấy. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp tái nghiện sau khi trở về cộng đồng nhưng cũng có nhiều trường hợp thoát ra được, đoạn tuyệt hẳn với ma túy, làm lại cuộc đời.
Học viên C (30 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) đã từng cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh 14 tháng vào năm 2018. Sau khi trở về địa phương, C lại tiếp tục tái nghiện và quay trở lại Cơ sở cai nghiện từ tháng 5/2020 theo quyết định của Tòa án. Con đường nghiện ngập cũng do sự hiếu kỳ của thanh niên mới lớn khi đi làm công tại Thành phố Hồ Chí Minh. C cho biết trong một lần vô tình thấy bạn hút ma túy rồi xin thử và nghiện.
Những ngày sinh hoạt tại Cơ sở cai nghiện, C đã dần nhận ra chỉ có sự cương quyết của bản thân mới có thể giúp mình làm lại cuộc đời, làm lại một con người đúng nghĩa. C cũng khao khát có được một gia đình đầm ấm như bao người khác, có sự quan tâm dịu dàng của người vợ, có tiếng khóc, tiếng cười của trẻ thơ và hơn hết là sự an lòng của người mẹ đã bao năm tảo tần chăm sóc, lo lắng cho chị, em C khi cha mất sớm. Nghĩ rồi lên kế hoạch cho cuộc đời mình, C tâm sự sau khi hết thời gian cai nghiện, C sẽ về nuôi bò và dành dụm tiền cưới vợ. C cho biết thêm, người bạn trước đây đưa C vào con đường ma túy cũng đã cai được hơn 04 năm nay và đang có công việc ổn định tại tỉnh Bến Tre. Đó cũng là động lực để C càng thêm vững vàng với kế hoạch tương lai của mình. Mong rằng tương lai tốt đẹp sẽ đến với những ai biết vượt qua bằng nghị lực của chính bản thân mình, để không còn những câu giá như khi chuyện đáng tiếc đã xảy ra.
Ông Phan Văn Bé Tám, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh cho biết: phần lớn học viên mới vào Cơ sở khoảng 03 tháng đầu, tâm lý chưa ổn định, chưa quen với môi trường, điều kiện sống, dễ bị kích động, vì bị quản lý chặt chẽ nhưng thông qua việc hỗ trợ, tư vấn, giáo dục, vui chơi, giải trí, dần dần thay đổi được hành vi nên học viên an tâm, ổn định, cai nghiện tốt. Việc phòng ngừa, quản lý sau cai nghiện được thực hiện theo Nghị định số 94/2009/NĐ-CP của Chính phủ”.
Bài, ảnh: MỘNG TUYỀN
Sau gần 15 năm (2010 - 2024), triển khai thực hiện Chỉ thị số 590-CT/ĐUQSTW, ngày 04/10/2010 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong Quân đội (Chỉ thị số 590), cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, đảng viên, quân nhân trong toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Trà Vinh nhận thức tốt về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chế độ, nề nếp, chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng bảo đảm ổn định, tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và tổ chức, dân chủ ngày càng được mở rộng, kỷ luật, kỷ cương được giữ vững.