02/02/2021 05:20
Bảo quản vũ khí hàng tuần tại Xã Đội An Trường, huyện Càng Long, nơi có đông cán bộ, chiến sĩ dân quân là dân tộc Khmer.
Đại tá Lê Văn Thống, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cho biết: chúng tôi ưu tiên đào tạo những cán bộ dân tộc Khmer có đủ tiêu chuẩn chính trị, trình độ học vấn, phẩm chất đạo đức, sức khỏe. Từ năm 2015 - 2020, toàn tỉnh có 184 cán bộ quân sự cấp xã qua đào tạo (bao gồm đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học...), trong đó cán bộ dân tộc Khmer chiếm từ 20 - 25%. Trong thời gian đào tạo, học viên không chỉ được hưởng đầy đủ các chính sách, tiêu chuẩn chế độ như đào tạo sĩ quan cấp phân đội mà các địa phương còn hỗ trợ cho hàng trăm trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thông qua mô hình vận động, quyên góp hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, dự bị động viên gặp khó khăn về nhà ở, hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình… của Ban CHQS huyện Cầu Ngang, hoặc mô hình “Thùng từ thiện vì bệnh nhân nghèo” của Phòng Hậu cần, “Xây dựng nhà đồng đội” của Ban CHQS huyện Cầu Kè...
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được xem là vấn đề then chốt, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với nhiệm vụ quốc phòng quân sự địa phương. Bởi đó là điều kiện để các cán bộ phát huy hết vai trò và kiến thức đã học, tránh trường hợp bị chi phối bởi kinh tế gia đình dẫn đến việc từ bỏ hoặc thôi nhiệm. Do vậy, song song với công tác đào tạo, Bộ CHQS tỉnh cũng thực hiện chặt chẽ công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, đúng năng lực, sở trường của từng người. Năm 2006, anh Huỳnh Văn Cơ trúng tuyển Trung cấp Quân sự cơ sở khóa 3 (2006 - 2008). Do kinh tế gia đình khó khăn nên anh từng có ý định gián đoạn việc học. Hiểu được điều đó, Ban CHQS huyện Trà Cú đã hỗ trợ chi phí đi lại, cho mượn vốn nuôi bò để anh an tâm học tập. Sau khi tốt nghiệp, anh được bố trí giữ chức Phó Chỉ huy trưởng và là Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hàm Giang từ tháng 02/2015. Anh chia sẻ: khóa học không chỉ giúp tôi nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn vận dụng linh hoạt vào thực tế. Vì vậy, nhiều năm liền, xã là điểm sáng trong phong trào “Thi đua quyết thắng” của huyện. Đánh giá về năng lực làm việc của cán bộ quân sự cấp xã, Đại tá Lê Văn Thống nói: các anh em chưa qua đào tạo thì hoàn thành khoảng 60% công việc, còn được đào tạo rồi hoàn thành từ 90% khối lượng công việc trở lên. Các mặt huấn luyện, điều hành công việc cơ quan khá trôi chảy.
Từ năm 2015 đến nay, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh xây dựng đội ngũ cán bộ Khmer đạt 14,68%, biên chế phù hợp theo từng địa phương. Đồng thời, hàng năm ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đều chú trọng đến đội ngũ cán bộ cấp phân đội là dân tộc Khmer. Hiện nay, Bộ CHQS tỉnh có 84 cán bộ sĩ quan cấp phân đội người dân tộc Khmer, trong đó có 38 sĩ quan tham mưu, 18 sĩ quan chính trị, 05 sĩ quan hậu cần và 04 sĩ quan kỹ thuật; trên 80% có trình độ cao đẳng và đại học.
Đại tá Trương Thanh Phong, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nhận xét: đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc Khmer nói riêng trong lực lượng vũ trang tỉnh ngày càng được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu, gắn bó mật thiết với Nhân dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; phối hợp hướng dẫn, giúp đỡ người dân tham gia các phong trào XDNTM, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... các huyện có đông đồng bào Khmer như Trà Cú, Cầu Ngang, Càng Long, Tiểu Cần… đã lần lượt xóa “xã trắng” trong tuyển quân từ 10 năm trước. Những lá đơn tình nguyện nhập ngũ đạt trên 90%.
Bài, ảnh: KIỀU HÂN-HỮU HIỆP
Sáng ngày 22/11, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 - Quân khu 9 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật năm 2024.