Đại tá Đỗ Hữu Lộc.
|
|
Hỏi: Xin đồng chí cho biết quan điểm của mình về tên gọi, khái niệm “biên phòng” và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam?
Đại tá Đỗ Hữu Lộc: Trước hết, tôi thống nhất cao với các giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của Luật là “Luật Biên phòng Việt Nam”, đã được xác định tại Nghị quyết số 33 - NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Khái niệm “biên phòng” đã được các cơ quan thẩm tra và soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, cụ thể: “Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”.
Theo tôi, khái niệm trên đã đảm bảo phù hợp quan điểm của Đảng và quy định của các luật khác.
Hỏi: Đại tá đánh giá thế nào về nội dung nhiệm vụ biên phòng (BP) và lực lượng thực thi nhiệm vụ BP được quy định trong dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam?
Đại tá Đỗ Hữu Lộc: Nhiệm vụ BP là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, theo Điều 6, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, ngoài các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân, hoạt động ở khu vực biên giới, cửa khẩu còn có “các cơ quan chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới cửa khẩu”, điều này là hoàn toàn phù hợp. Vì đây là cơ sở để quy định chế độ, chính sách cho từng lực lượng. Cá nhân tôi và lực lượng BĐBP Trà Vinh rất mong Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quan tâm có những chính sách đặc thù cho lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ BP, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, chiến sĩ BĐBP yên tâm hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Hỏi: Thưa Đại tá, có một số ý kiến khác về vai trò của lực lượng thực thi nhiệm vụ BP, trong đó có vấn đề đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Quan điểm của Đại tá về vấn đề này như thế nào?
Đại tá Đỗ Hữu Lộc: Tôi đề nghị giữ nguyên quy định “Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân” như trong dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, để thể hiện rõ tính chất đặc thù hoạt động của BĐBP trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Về mặt pháp lý, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định BĐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. BĐBP thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên từng lĩnh vực, phạm vi ở địa bàn xã, phường, thị trấn tiếp giáp với đường biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển và cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý đã được xác định trong các điều ước quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam. Như vậy là không chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng khác hoạt động ở khu vực biên giới và cửa khẩu.
Về mặt thực tiễn, hầt hết khu vực biên giới của nước ta đều có địa hình hiểm trở, điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp, khó khăn. Công tác duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực này có nét đặc thù khác so với các khu vực trong nội địa, phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Với một lực lượng chuyên trách có tính kỷ luật cao, thời gian qua, lực lượng BĐBP luôn đóng vai trò chủ công trong các hoạt động kiểm soát biên giới, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu thể hiện rõ nhất trong bối cảnh đại dịch covid-19 cũng như trong nhiệm vụ kiểm soát, phòng, chống các hoạt động tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là tội phạm ma túy, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn…
Với những lý do trên, việc giao cho BĐBP thực hiện vai trò nòng cốt, chuyên trách, chủ trì là hoàn toàn xác đáng.
Cuối cùng, tôi mong rằng các đại biểu Quốc hội thống nhất biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bộ đội Biên phòng dự kiến sẽ thông qua vào ngày 11/11 tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 10, khóa XI (diễn ra từ ngày 20/10, dự kiến bế mạc vào ngày 17/11), nhằm tạo điều kiện để các lực lượng thực thi nhiệm vụ BP thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia - nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
CÔNG DANH (thực hiện)