21/11/2022 11:08
Thời gian gần đây, nhiều người sử dụng điện thoại di động phản ánh liên tục nhận được các tin nhắn giả mạo ngân hàng, yêu cầu truy cập vào đường link có sẵn để thực hiện các giao dịch hay các cuộc gọi mạo danh “Cục Cảnh sát giao thông” yêu cầu nộp phạt, “Bộ Thông tin và Truyền thông” thông báo thuê bao điện thoại của bạn sẽ bị khóa sau 02 giờ và yêu cầu liên hệ tổng đài để được hỗ trợ... Đáng nói, chính từ những tin nhắn, cuộc gọi như thế đã có nhiều nạn nhân “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo, tự chuyển tiền hoặc bị mất quyền kiểm soát SIM điện thoại, tài khoản ngân hàng, gây thiệt hại từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng.
Để chủ động phòng ngừa, không để trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo qua các dấu hiệu, như:
- Các cuộc gọi tự xưng là cán bộ công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, nhân viên ngân hàng... gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra… Bởi theo quy định của pháp luật hiện hành, để giải quyết các hành vi vi phạm, cơ quan chức năng phải làm việc trực tiếp với công dân. Đồng thời, cũng không có quy định cho phép cơ quan chức năng được yêu cầu công dân nộp tiền qua điện thoại.
- Các cuộc gọi có đầu số lạ: người sử dụng điện thoại nên cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế. Các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế đến sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc dãy số 00 ở đầu, hai số tiếp theo không phải là 84 (Mã nước Việt Nam), ví dụ như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226)… các cuộc gọi này được nháy máy từ thuê bao nước ngoài tới các số điện thoại di động trong nước nhằm mục đích lừa đảo để người sử dụng gọi lại và phát sinh cước viễn thông rất cao. Do đó, nên cân nhắc khi gọi lại các cuộc điện thoại có đầu số quốc tế nếu không phải từ người quen biết.
- Cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng: trên thực tế, đã có rất nhiều người bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại. Thủ đoạn lừa đảo thường là: thông báo thông tin giả về việc trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp mật khẩu OTP khách hàng hay lấy lý do nào đó yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ.
Khi phát hiện các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần bình tĩnh, tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của đối tượng. Nếu đối tượng có hành vi đe dọa cần thông báo ngay đến cơ quan công an để phối hợp xử lý.
Bên cạnh đó, để kịp thời quản lý, tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành đầu số 156 để người dân có thể chủ động nhắn tin, gọi điện về tổng đài để phản ánh các trường hợp nhận cuộc gọi, tin nhắn rác, có dấu hiệu lừa đảo.
Theo đó, từ ngày 01/11/2022, khi nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 để cung cấp thông tin về số điện thoại vừa gọi đến, trích dẫn một số nội dung liên quan theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, người dân cũng có thể gửi tin nhắn phản ánh cuộc gọi rác theo cú pháp V [Nguồn phát tán] [Nội dung cuộc gọi rác] gửi 156; phản ánh tin nhắn rác, soạn cú pháp S [Nguồn phát tán] [Nội dung phát tán] gửi 156; phản ánh về cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, soạn LD [Nguồn phát tán] [Nội dung cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo] gửi 156.
Trên cơ sở phản ánh của người dân, nhà mạng sẽ tiến hành sàng lọc, xác minh, phản hồi khách hàng; đồng thời tổng hợp, thông báo tới cơ quan có trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp xử lý.
Cụ thể, doanh nghiệp viễn thông sẽ xác minh thông tin thuê bao có hành vi phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, từ đó, yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không đúng, cụ thể là tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu không thực hiện và tiếp theo là thanh lý hợp đồng, chấm dứt dịch vụ viễn thông.
Các doanh nghiệp viễn thông cũng sẽ gửi các nội dung phản ánh tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để xác minh dấu hiệu lừa đảo, từ đó, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Cơ quan chức năng mong muốn người dân mạnh dạn nhắn tin, gọi điện đến tổng đài 156 (miễn cước phí) để cùng các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước xử lý có hiệu quả vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi rác hoặc có dấu hiệu lừa đảo hiện nay.
ĐẠT NHÂN
Sau gần 15 năm (2010 - 2024), triển khai thực hiện Chỉ thị số 590-CT/ĐUQSTW, ngày 04/10/2010 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong Quân đội (Chỉ thị số 590), cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, đảng viên, quân nhân trong toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Trà Vinh nhận thức tốt về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chế độ, nề nếp, chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng bảo đảm ổn định, tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và tổ chức, dân chủ ngày càng được mở rộng, kỷ luật, kỷ cương được giữ vững.