13/11/2022 13:46
Theo đánh giá của cơ quan công an, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là đặt máy chủ ở nước ngoài, thuê điểm mở văn phòng hoạt động tại Việt Nam (nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng), lấy tên trang web, apps gần giống với tên của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Riêng đối với các đối tượng đặt máy chủ ở trong nước thường không có địa chỉ rõ ràng hoặc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, người đại diện theo pháp luật thường được thuê. Để tạo lòng tin với “khách hàng”, các đối tượng thường tổ chức rất nhiều hội thảo, họp nhóm, tư vấn... Tuy nhiên, sau khi thu được một lượng tiền nhất định thì các đối tượng sẽ khóa, đánh sập các trang web, apps, người tham gia không truy cập được, khi đó mới biết mình đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và trình báo cơ quan chức năng.
Mới đây, Bộ Công an có thông báo về thủ đoạn hoạt động của mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp có tên “Skyway”. Theo đó, Skyway được giới thiệu là tập đoàn thực hiện các dự án công nghệ vận tải trên không, được thành lập ở Belarus, hoạt động theo hình thức huy động vốn từ nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân qua hình thức mua các gói cổ phần. Mọi người có thể mua cổ phiếu của Skyway để trở thành nhà đầu tư, gói đầu tư cao nhất là 150.000 USD. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng đây là hành vi huy động vốn trái phép, bởi Skyway chưa được Bộ Công thương cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thông qua việc giới thiệu thêm thành viên vào hệ thống, giới thiệu được nhiều thành viên thì nhận được nhiều hoa hồng. Đây là dấu hiệu của hành vi kinh doanh đa cấp trái phép thông qua hình thức đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử... Tại Việt Nam, Skyway được cho là có hoạt động ở một số địa phương như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang. Trên thế giới, một số quốc gia như Estonia, Bỉ... đã có cảnh báo về hoạt động huy động vốn của Skyway là trái pháp luật, có đặc điểm lừa đảo giống mô hình kim tự tháp.
Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư và tự gọi là “chơi Forex”. Forex là viết tắt của cụm từ Foreign Exchange, nghĩa là trao đổi tiền tệ quốc tế. Trong đó, thị trường Forex hay thị trường ngoại hối là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi tiền tệ của các quốc gia thông qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh trao đổi tiền tệ trong thị trường Forex được thực hiện bằng cách mua, bán, trao đổi loại tiền tệ này với loại tiền tệ khác. Lợi nhuận của giao dịch sẽ tính theo phần chênh lệch giữa việc mua vào, bán ra.
Hiện nay, Nhà nước chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh hình thức sàn ngoại hối (Forex). Do đó, mọi hình thức tổ chức kinh doanh, giao dịch sàn Forex đều là phạm pháp và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Gần đây nhất, Công an thành phố Hải Phòng phối hợp các đơn vị nghiệp vụ triệt phá 16 sàn ngoại hối, tiền ảo theo phương thức đa cấp lừa đảo. Qua công tác đấu tranh, các đối tượng khai nhận, từ tháng 6/2020, Nguyễn Thế Dương (sinh năm 1996) là Giám đốc Công ty TNHH MTV ANT Group nhờ Nguyễn Văn Quyền (sinh năm 1983) thiết lập sàn giao dịch ngoại hối Hitoption.net. Sàn giao dịch này sử dụng chế độ BOT (chơi tự động) để đặt lệnh thay cho việc khách hàng tự giao dịch, đồng thời có thể can thiệp vào việc đặt lệnh làm cho khách hàng thắng hoặc thua theo ý muốn của người điều hành. Phương thức tham gia là nhà đầu tư tham gia đặt cược theo tỷ giá lên (xanh), xuống (đỏ) của các cặp tiền điện tử trong khoảng thời gian 30 giây. Nếu dự đoán đúng thì được hưởng 95% tiền đặt cược, còn dự đoán sai sẽ mất toàn bộ số tiền (tương tự như trò chơi tài xỉu).
Riêng tại Hải Phòng, cơ quan công an làm rõ có hơn 30 người đã đầu tư tổng cộng số tiền 16,1 tỷ đồng trên sàn Hitoption.net theo cách mua chế độ BOT với lợi nhuận cam kết là 06 đến 15%/tháng, trong vòng 100 ngày thì người chơi sẽ được rút vốn và lãi. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng còn phát hiện các đối tượng này quản trị 16 sàn giao dịch điện tử khác. Cơ quan công an xác định có 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỷ đồng. Tổng số tiền đã rút ra là 611 tỷ đồng.
Có thể thấy, bản chất của việc giao dịch ngoại hối là sự tương tác giữa người đầu tư và chủ sàn diễn ra hoàn toàn trên không gian mạng, nên tiềm ẩn rủi ro rất lớn về tài chính cho người tham gia. Đồng thời, người tham gia “chơi Forex” được xem là tiếp tay cho hoạt động phi pháp. Công an tỉnh Trà Vinh khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không tham gia các sàn Forex trái phép. Bên cạnh đó, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là bất hợp pháp, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân khi thực hiện đầu tư bằng hình thức tiền ảo. Đặc biệt, tuyệt đối không chuyển tiền, tham gia các hội nhóm liên quan đến sàn giao dịch tiền ảo, không vì lợi nhuận cao mà tham gia huy động tài chính đa cấp để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu nghi vấn cần liên hệ cơ quan công an nơi gần nhất để cung cấp thông tin và có biện pháp xử lý phù hợp.
ĐẠT NHÂN
Sau gần 15 năm (2010 - 2024), triển khai thực hiện Chỉ thị số 590-CT/ĐUQSTW, ngày 04/10/2010 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong Quân đội (Chỉ thị số 590), cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, đảng viên, quân nhân trong toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Trà Vinh nhận thức tốt về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chế độ, nề nếp, chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng bảo đảm ổn định, tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và tổ chức, dân chủ ngày càng được mở rộng, kỷ luật, kỷ cương được giữ vững.