14/03/2024 08:24
Thủ đoạn của các đối tượng là đóng vai luật sư, nhân viên ngân hàng, kỹ sư công nghệ thông tin, lập ra nhiều hội, nhóm sử dụng phần mềm phát tán các tin nhắn do chính chúng tạo ra, bình luận về các vụ thu hồi tiền bị lừa đã được giải quyết để tạo lòng tin cho các nạn nhân khi truy cập vào, tiếp đó dẫn dụ họ lạc vào “mê cung” của nhiều màn kịch lừa đảo khác nhau.
Chỉ cần gõ cụm từ “hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo” trên thanh tìm kiếm của facebook, hàng chục hội, nhóm, fanpage liên quan với vài chục nghìn thành viên sẽ hiện ra. Những hội, nhóm này công khai quảng cáo giúp lấy lại tiền đã bị lừa bằng các hình thức phổ biến trên không gian mạng.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng sẽ mạo danh là luật sư, kiểm sát viên hay nhân viên bộ phận tài vụ của một ngân hàng lớn... Sau đó, chúng sẽ sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân trong việc “mất tiền nhưng có thể lấy lại tiền”. Thông qua những lời dụ dỗ về việc “đặt cọc” hay “tạo lỗ hở hệ thống” để lấy lại tiền, các đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng một khoản tiền dựa trên phần trăm số tiền bị lừa đảo trước đó.
Ví dụ, bị lừa 100 triệu đồng thì cần phải gửi 10 - 20% của số tiền, tức là 10 - 20 triệu đồng. Vì đây chỉ là một phần nhỏ so với số tiền bị mất nên nhiều người đã nhẹ dạ cả tin chuyển tiền. Tuy nhiên, sau khi chuyển thì nạn nhân bị khóa chặn liên lạc, số tiền bị mất lần một chẳng những không lấy lại được mà số tiền chuyển cho các đối tượng nhờ lấy lại tiền cũng mất.
Ngoài ra, khi nạn nhân liên lạc để được hỗ trợ thì các đối tượng cũng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, gồm: Số tiền đã bị treo; số tài khoản ngân hàng; số Căn cước công dân; họ và tên... Từ đây, các đối tượng lừa đảo thu thập được nhiều thông tin cá nhân của nạn nhân để chúng thực hiện các hành vi lừa đảo tiếp theo.
Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, tuy nhiên, với bản chất tinh vi, liều lĩnh và manh động, các đối tượng phạm tội thường xuyên thay đổi các “chiêu trò” nhằm thực hiện hành vi lừa đảo bằng mọi cách. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2023, cơ quan này đã nhận được gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng internet, trong đó, có 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng-tài chính.
Riêng, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, trong năm 2023, đã xảy ra 10 vụ tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại hơn 03 tỷ đồng, với thủ đoạn như: giả danh cơ quan thực thi pháp luật (Cảnh sát giao thông, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát...) yêu cầu người dân phải nộp tiền đóng phạt; chiếm quyền, giả danh điều khiển mạng xã hội của người dùng sau đó nhắn tin cho những người trong danh sách bạn bè của tài khoản đó để nhờ chuyển tiền dùm cho người thân (qua số tài khoản đối tượng cung cấp) để chiếm đoạt tài sản; kêu gọi các cá nhân tham gia làm cộng tác viên thanh toán các hóa đơn trên Shopee, Lazada, Tiki... để hưởng hoa hồng từ 10 - 20%, sau khi các bị hại nạp tiền thanh toán hóa đơn thì các đối tượng khóa trang mạng của mình, bỏ số điện thoại liên lạc để xóa dấu vết, thậm chí có trường hợp xúc phạm bị hại...
Để không là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ thói quen luôn kiểm tra mọi thông tin, yêu cầu, nhất là liên quan đến tiền bạc; kịp thời tìm hiểu, nắm bắt các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới qua các kênh thông tin chính thống. Khi là nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần phải giữ bình tĩnh, tuyệt đối không nghe và làm theo lời dụ dỗ lấy lại tiền bị lừa của các đối tượng xấu. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì thông báo ngay đến cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
ĐẠT NHÂN
Sáng ngày 22/11, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 - Quân khu 9 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật năm 2024.