15/04/2022 07:46
Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông còn chưa nghiêm, vẫn cố tình vi phạm, đáng nói là tình trạng đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn còn xảy ra, số vụ va chạm, tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tỷ lệ cao.
Đêm 21/3/2022, trên Tỉnh lộ 915 đoạn thuộc ấp Đồng Điền, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia, làm 01 người chết.
Thời điểm trên, ông Ngô Thanh Duy (sinh năm 1978, ngụ Phường 4, thành phố Trà Vinh) điều khiển xe mô-tô hướng từ xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè đi về thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần. Khi đến đoạn nêu trên đã xảy ra va chạm với xe mô-tô do anh Phạm Hoàng Vui (sinh năm 1998, ngụ xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè) chở người ngồi sau là chị Trần Thị Hồng Anh (sinh năm 1999, ngụ cùng địa chỉ) lưu thông hướng ngược lại. Tai nạn xảy ra, ông Duy bị thương tích nặng và tử vong vào ngày hôm sau. Riêng Vui bị thương và đang được điều trị.
Cảnh sát giao thông Công an huyện Cầu Kè cho biết, kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của ông Duy là 0.76mg/lít khí thở, anh Vui là 0,49mg/lít khí thở. Vụ việc đang được Công an huyện Cầu Kè làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy rằng việc đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến TNGT rất cao và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho gia đình, xã hội. Người gây tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu liên quan đến rượu, bia sẽ được xem là tình tiết tăng nặng trong quá trình xét xử.
Về cơ chế tác động của rượu, bia đến cơ thể con người, nhất là khi đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Bác sĩ, Trung tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh cho biết: trong rượu, bia có chất cồn (ethanol), khi vào cơ thể sẽ hấp thụ vào máu, gây ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan trong cơ thể như dạ dày, gan, lách, thận, tim… đặc biệt là thần kinh. Uống rượu, bia say sẽ làm chậm hoạt động của tế bào thần kinh sử dụng để truyền tin, điều này làm thay đổi tâm trạng, khiến cho phản xạ của cơ thể chậm hơn và gây mất thăng bằng.
Khi đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông làm tăng nguy cơ gây tai nạn, do rượu bia làm giảm khả năng phản xạ, phản ứng, làm hạn chế sự phối hợp của các bộ phận trong cơ thể, làm giảm thị giác, gây buồn ngủ… theo nghiên cứu cho thấy người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu, bia thì tăng nguy cơ gây tai nạn cao gấp 40 lần so với người không sử dụng rượu, bia. Khi tai nạn xảy ra thì hậu quả để lại di chứng lâu dài, hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và sức khỏe của nạn nhân, nếu trường hợp nặng dẫn đến tử vong thì gây ra mất mát to lớn cho gia đình, người thân và xã hội.
Theo thống kê của Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, 03 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 06 vụ TNGT, làm chết 06 người, bị thương 02 người, thiệt hại tài sản khoảng 35 triệu đồng; trong đó, có 04 vụ TNGT liên quan đến lỗi đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chiếm 66,66%. Cảnh sát giao thông công an toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 1.112 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 1.112 phương tiện, ra quyết định xử phạt 637 trường hợp, với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 356 trường hợp. |
Với mục đích xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật, tạo thói quen “Đã uống rượu, bia - không lái xe” đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, phòng ngừa, kéo giảm tai nạn giao thông, Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp công tác bảo đảm TTATGT. Huy động lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra kiểm soát, thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức hoạt động, đảm bảo có mặt xuyên suốt trên các tuyến giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, trong đó tập trung vào các tuyến, địa bàn phức tạp, thường xuyên xảy ra TNGT, khu vực có nhiều quán ăn, nhà hàng bán thức uống có cồn…
Vào những ngày đầu tháng 4/2022, tham gia cùng các Tổ tuần tra Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh thực hiện nhiệm vụ vào khung giờ từ 18 giờ hôm trước đến 02 giờ sáng hôm sau, phóng viên ghi nhận tình trạng vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn còn nhiều và vi phạm ở mức cao, trung bình kiểm tra 05 phương tiện, đã phát hiện 04 phương tiện vi phạm.
Thượng tá Lý Văn Trổng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã sử dụng rượu, bia thường có xu hướng chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, không làm chủ được bản thân, tay lái… dễ dẫn đến va chạm, TNGT. Ngoài ra, một số trường hợp đã sử dụng rượu, bia có hành vi cản trở, lời lẽ, hành động gây bức xúc, lăng mạ lực lượng thực hiện nhiệm vụ.
Để thực hiện tốt, có hiệu quả kế hoạch xử lý người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia giao thông, trong thời gian tới cảnh sát giao thông công an toàn tỉnh tiếp tục tăng cường lực lượng tối đa, kể cả các thiết bị nghiệp vụ để tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là xử lý hành vi vi phạm đối với người điều khiển phương tiện trong hơi thở có nồng độ cồn tham gia giao thông.
Huy động lực lượng tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, thấy được hiểm họa tai nạn giao thông khi tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn, để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát tập trung vào các tuyến đường trọng điểm, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông và các tuyến đường thường xuyên có người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, để góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông.
Bài, ảnh: HỒ GIANG
Chiều 25/11, tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.