29/07/2022 14:45
Rải tờ rơi quảng cáo cho vay bằng hình thức “tín dụng đen” trên các tuyến đường. (Ảnh chụp vào sáng ngày 25/7/2022).
Khi người vay chậm trả nợ hoặc không còn khả năng trả nợ thì không chỉ bản thân người vay bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ theo kiểu “khủng bố” tinh thần mà các đối tượng cho vay còn thuê các đối tượng có tiền án, tiền sự gây sức ép với người thân, bạn bè, đồng nghiệp hoặc thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, hủy hoại tài sản của người vay gây ra nhiều lo lắng, bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Hình thức cho vay tiền chủ yếu là lập hợp đồng mua bán hàng trả góp, cho thuê xe, lập hợp đồng cho vay nhưng không ghi lãi suất; làm giả hợp đồng của một số ngân hàng, công ty tài chính để cho vay; mua nợ xấu của các công ty tài chính, sau đó tiến hành đòi nợ.
Thành phần người vay cũng rất đa dạng, nhưng chủ yếu là người kinh doanh, buôn bán nhỏ, người lao động, đối tượng cờ bạc... Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng cần vay tiền với thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay, một số đối tượng xấu lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để cho vay tiền theo hình thức “tín dụng đen” lãi suất cao. Nhiều người dân do nhu cầu cần tiền nhanh nên đã “mắc bẫy” bọn lừa đảo, với nhiều hình thức khác nhau.
Các đối tượng xấu thường tiếp cận cho vay bằng phát tờ rơi tại nơi công cộng, nhắn trực tiếp bằng tin nhắn qua điện thoại, trang mạng xã hội; dán quảng cáo trên các cây xanh, cột điện… với nhiều nội dung như: “cho vay nhanh không cần thế chấp”, “cho vay trả góp, không cần thế chấp”, “hỗ trợ vay vốn, tiêu dùng trả góp, lãi suất thấp, giải ngân trong ngày, ưu tiên hộ kinh doanh nhỏ lẻ”… Đa phần việc cho vay được thực hiện rất nhanh gọn, thủ tục đơn giản, chỉ cần pho-to căn cước công dân, cà vẹt xe hoặc giấy phép lái xe…
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các đối tượng cho vay thường rải tờ rơi tại các tuyến đường đal, đường nhựa nông thôn, thời gian các đối tượng thực hiện tầm 03 - 04 giờ sáng, thường có 01 người chạy xe gắn máy, chở thêm người ngồi sau rải tờ rơi mời chào cho vay bằng nhiều hình thức khác nhau. Lãi suất cho vay rất cao (từ 145 - 450%/năm), nhưng do tính tiện lợi, nhanh chóng, nhận tiền ngay, nên khi cần tiền gấp để giải quyết công việc, làm ăn... nhiều người vẫn chấp nhận vay. Nhiều trường hợp sau khi vay không có khả năng trả nợ, bị các đối tượng cho vay xúc phạm, đe dọa, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản... phải cầu cứu cơ quan công an hoặc bỏ trốn khỏi địa phương.
Chị N.T.H (ngụ Phường 8, thành phố Trà Vinh) cho biết: “tôi vay 20 triệu để kinh doanh nhỏ tại nhà, nhưng họ chỉ đưa tôi có 18,5 triệu, vì nói số tiền 1,5 triệu đồng là tiền đóng bảo hiểm. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó, ngoài việc phải trả lãi suất theo thỏa thuận, tôi còn phải trả nhiều khoản khác không rõ lý do khiến số tiền thực tế phải trả cao gấp 2 - 3 lần số tiền đã vay. Từ số tiền vay ban đầu, sau 24 tháng tôi phải trả trên 40 triệu đồng, mặt khác chúng thường gọi điện thoại hăm dọa, khủng bố tinh thần nếu tôi chậm nộp tiền, có nhiều ngày đối tượng đến tận chỗ kinh doanh để đòi tiền”.
Còn chị T.T.M (ngụ xã Lương Hòa, huyện Châu Thành) cho biết: “cho vay theo kiểu “tín dụng đen” rất đáng sợ, lúc đầu thì mời chào ngon ngọt, thủ tục nhanh gọn, thậm chí tôi có thuộc diện nợ xấu họ vẫn cho vay. Nhưng sau đó, người vay như tôi lại trở thành nạn nhân của chúng, lãi suất thì với giá cắt cổ, cứ tăng theo từng ngày, nào là tiền phạt chậm trả lãi, tiền lãi cộng dồn… nếu trễ hẹn vài ngày là chúng nhắn tin đe dọa, điện thoại chửi bới”.
Hiện nay, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” có dấu hiệu phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây ra nhiều hệ lụy. Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản thế chấp, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các ngân hàng, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phương thức, thủ đoạn hoạt động, hậu quả, tác hại của “tín dụng đen” chưa đi vào chiều sâu; nhận thức và ý thức của người dân về phòng, chống hoạt động “tín dụng đen” còn hạn chế; quy định của pháp luật còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Với những thủ đoạn như trên, lực lượng chức năng khuyến cáo đến người dân có nhu cầu vay tiền cần hết sức cẩn trọng, không nên vay mượn tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền, các tổ chức tài chính núp bóng hoạt động “tín dụng đen”... nhằm tránh trường hợp vay dễ nhưng khó trả, khiến nợ chồng nợ và bị các đối tượng cho vay đe dọa, khủng bố về tinh thần, tạo áp lực về trả nợ.
Nếu có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến ngân hàng, các đơn vị có uy tín để làm thủ tục vay theo đúng các quy định của pháp luật. Lực lượng công an tăng cường thực hiện các biện pháp công tác trong nắm tình hình, kiên quyết không để đối tượng hoạt động “tín dụng đen” gây mất an ninh trật tự; tiến hành điều tra làm rõ, xử lý các đối tượng cho vay lãi nặng trong các giao dịch dân sự và các tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” để răn đe, phòng ngừa.
Cùng với đó, phát động phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đến tận cơ sở; thông báo công khai phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa và mạnh dạn tố giác hành vi vi phạm của các đối tượng.
Bài, ảnh: PHẠM HƠN
Chiều 25/11, tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.