06/11/2024 11:10
Thượng tá Trần Hòa Bình, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết: với vai trò là cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh, Công an tỉnh đề xuất, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện hàng năm với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh đôn đốc, nhắc nhở, phối hợp các sở, ngành, tỉnh, UBND cấp huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; chỉ đạo thành lập các Tổ công tác cấp huyện, cấp xã; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Công an tỉnh hiện đang tiếp tục tham mưu rà soát, chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật, nội dung phục vụ triển khai kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với phần mềm cấp phiếu lý lịch tư pháp phục vụ triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến; thường xuyên rà soát, khắc phục, xử lý bảo đảm công tác an ninh, an toàn thông tin các hệ thống có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tổ chức cấp căn cước theo quy định…
Đảng ủy Công an tỉnh đã ban hành nghị quyết và nhiều văn bản để chỉ đạo, thực hiện trong toàn lực lượng. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện Đề án 06, nhất là trong công tác cấp căn cước công dân (CCCD), thẻ Căn cước theo luật mới; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn công dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06, Công an tỉnh đang cung cấp 114 dịch vụ công trực tuyến (63 toàn trình, 51 toàn phần) trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an và Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến trên tổng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của lực lượng công an trên địa bàn tỉnh là 527.859/600.340 hồ sơ, đạt tỷ lệ trên 87%.
Tiếp tục tái cấu trúc quy trình tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; công an các đơn vị, địa phương đã triển khai, bố trí 02 luồng nộp hồ sơ “trực tuyến” và “trực tiếp”; đồng thời hướng dẫn cán bộ tích cực phân luồng, hỗ trợ người dân khi đến nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, cán bộ làm công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tiếp khi các hồ sơ không đủ điều kiện tiếp nhận trực tuyến.
Thực hiện, nhân rộng mô hình chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tiếp đối với một số lĩnh vực, công an cấp xã và thí điểm “Ngày ưu tiên tiếp nhận hồ sơ trực tuyến” tại công an các đơn vị, địa phương nhằm giúp người dân thay đổi nhận thức, thói quen nộp hồ sơ trực tiếp sang trực tuyến. Tập huấn, hướng dẫn thực hiện chuyên sâu về kỹ năng, thao tác trên phần mềm cho công an cấp huyện, cấp xã, nhất là cách thức tạo tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp; bảo đảm thực hiện thành thạo cách thức nộp hồ sơ, giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Công an các đơn vị, địa phương sử dụng hình thức tuyên truyền trên các trang mạng xã hội; nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tuyên truyền tập trung vào từng dịch vụ công cụ thể, bảo đảm nội dung hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu để người dân nắm bắt, đồng thuận, ủng hộ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Mở rộng điểm hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại công an các đơn vị, địa phương, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính có bố trí máy tính kết nối internet được cài đặt đầy đủ các tài liệu hướng dẫn người dân về việc nộp hồ sơ trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công an cơ sở trong việc tổ chức phân luồng giải quyết thủ tục hành chính; bố trí trang thiết bị, cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến, công tác tiếp nhận giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến…
Công an huyện Cầu Kè thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân.
Đến nay, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện và duy trì 11 dịch vụ công của ngành Công an trong tổng số 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến Đề án 06. Công an tỉnh thu nhận hơn 1.080.154 hồ sơ cấp CCCD, từ ngày 01/7/2024 tổ chức thu nhận được hơn 48.500 hồ sơ cấp thẻ căn cước; kích hoạt hơn 535.400 tài khoản định danh điện tử. Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác làm sạch dữ liệu dân cư, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, nhất là làm tốt vai trò tham mưu triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đề án 06 và hướng dẫn công dân tạo tài khoản định danh điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; quản lý và duy trì cập nhật, làm sạch thông tin, xử lý 298.301 hồ sơ dịch vụ công thiết yếu, như đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú và các thủ tục hành chính khác thuộc chức năng quản lý nhà nước của ngành Công an. Thực hiện đăng ký, cấp biển số xe mô-tô, xe gắn máy 2.747 hồ sơ; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình 6.031 hồ sơ.
Song song đó, thực hiện Đề án 06 cũng mang lại nhiều tiện ích trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương như: Bảo hiểm xã hội đã phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai hỗ trợ liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe. Đến nay, toàn tỉnh có 13 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện cấp hơn 18.386 hồ sơ khám sức khỏe lái xe, 04 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện cấp 120 hồ sơ giấy chứng tử, 11 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện cấp 12.151 hồ sơ giấy chứng sinh.
Bên cạnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã hướng dẫn trên 299.586 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cài đặt sử dụng ứng dụng VssID. Xác thực được trên 839.327 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn đang quản lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 98,76%. Các ngành, các cấp trong tỉnh thực hiện quyết liệt việc số hóa hồ sơ trong quá trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính cũng như số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trước đây.
Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện số hóa sổ hộ tịch bảo đảm tiến độ. Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng hoàn thành xây dựng kho dữ liệu dùng chung, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu sẵn sàng kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để định danh và xác thực điện tử phục vụ công dân số. Cục Thuế tỉnh triển khai thực hiện chuẩn hóa dữ liệu về mã số thuế thu nhập cá nhân, tiếp tục đẩy mạnh triển khai cài đặt ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile trên thiết bị thông minh cho người nộp thuế…
Việc triển khai, tích hợp dịch vụ công trực tuyến giúp người dân có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi mà không phải trực tiếp đến cơ quan nhà nước, cắt giảm giấy tờ, chi phí đi lại. Điển hình như: cấp hộ chiếu phổ thông trực tuyến; đăng ký, cấp biển số xe mô-tô tại cấp xã; cấp con dấu; đăng ký cư trú 100% trên Cổng dịch vụ công; sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh; gửi tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện; sử dụng thông tin các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, thông tin tiêm chủng tích hợp trên VNeID trong thực hiện giao dịch hành chính thay thế việc xuất trình giấy tờ vật lý; thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh triển khai trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chi trả an sinh xã hội…
Thời gian tới, Công an tỉnh Trà Vinh tiếp tục thực hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong Đề án 06; tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp để người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu và thực hiện hiệu quả Luật Căn cước năm 2023; đồng thời hiểu rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng, lợi ích của việc chuyển đổi số, lợi ích khi dùng thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử, tiện ích ứng dụng VNeID, việc giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến; thường xuyên tăng cường thực hiện công tác rà soát, làm sạch dữ liệu dân cư; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm sạch và xác thực thông tin công dân với cơ sở dữ liệu chuyên ngành; phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu được Bộ Công an, UBND tỉnh giao, hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Bài, ảnh: XUÂN THẢO
Sáng ngày 22/11, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 - Quân khu 9 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật năm 2024.