02/12/2022 08:17
Bài 1: Góp hụi và những biến tướng khó lường
Pháp luật quy định, góp hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của những người tham gia được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc góp hụi nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, thể hiện tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tạo điều kiện cho nhiều người vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, góp phần phục vụ sản xuất, kinh doanh và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đây cũng chính là “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng, nhất là chủ hụi phát sinh lòng tham, thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác, gây bức xúc trong Nhân dân.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến chuyên đề về “Thực trạng, nguyên nhân, giải pháp các vụ, việc về hụi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”, do Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức vào đầu tháng 11/2022.
Trên địa bàn tỉnh, hoạt động hụi diễn ra rất phổ biến, có hầu hết tại các địa phương, số lượng người và số tiền tham gia ngày càng quy mô. Theo số liệu từ cơ quan chức năng, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 dây hụi, với khoảng 1.334 chủ hụi, tổng số tiền góp hụi khoảng 845 tỷ đồng. Hình thức góp hụi phổ biến là hụi tuần, hụi tháng, hụi mùa, những người tham gia hụi thường mang tính tự phát, trên cơ sở thỏa thuận giữa tất cả các thành viên, đa số các dây hụi đều không được thông báo đến chính quyền địa phương trước khi mở hụi.
Đồng chí Nguyễn Văn Triều, Phó Chủ tịch UBND huyện Càng Long cho biết: thời gian qua hoạt động góp hụi trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, đã xảy ra nhiều vụ vỡ hụi gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế gia đình của người dân, chủ yếu ở những dây hụi có được lợi nhuận, lợi dụng việc góp hụi, một số đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội, chủ yếu là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Qua rà soát, trên địa bàn huyện Càng Long hiện có khoảng 450 người làm chủ hụi, mở trên 1.670 dây hụi (hụi tuần, hụi tháng, hụi mùa), có hơn 42.060 hụi viên tham gia, tổng số tiền huy động trên 79,8 tỷ đồng. Thành phần tham gia chơi hụi rất đa dạng, từ cán bộ, công chức, nông dân, công nhân, người lao động tự do, sinh viên, các chủ cửa hàng kinh doanh... đều có thể tham gia góp hụi.
Từ tháng 01/2021 đến tháng 9/2022, trên địa bàn huyện xảy ra 02 vụ vỡ hụi, với số tiền khoản 03 tỷ đồng, sau khi tiếp nhận tin báo và xác minh sơ bộ ban đầu, Công an huyện Càng Long chuyển toàn bộ hồ sơ 02 vụ việc đến Công an tỉnh xử lý theo thẩm quyền. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ mà người bị hại không trình báo, điều này cho thấy, việc tuân thủ pháp luật về hụi chưa được quan tâm, chưa được thực hiện nghiêm minh.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Triều, phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng chủ yếu là lợi dụng sự hám lợi, cả tin của người chơi hụi để lập các dây hụi nhằm huy động tiền với số lượng lớn của người bị hại. Thời gian đầu, đối tượng phạm tội thực hiện rất tốt nghĩa vụ của chủ hụi (hay còn gọi là đầu thảo), như: thực hiện đúng và đầy đủ việc thu tiền đóng hụi, giao tiền hốt hụi cho bị hại, khi đã tạo được lòng tin đáng kể, đối tượng bắt đầu lập các dây hụi khống hoặc tự lấy tên của hụi viên tham gia chơi hụi để hốt hụi và chiếm đoạt số tiền đóng hụi. Bằng thủ đoạn này, đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người trong thời gian dài, nhưng do cả tin và không kiểm tra (không đi khui hụi) nên người bị hại không hề biết mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó, đối tượng phạm tội tuyên bố vỡ hụi hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, còn một số trường hợp hụi viên sau khi hốt được nhiều phần hụi thì bỏ trốn hoặc trì hoãn, kéo dài nghĩa vụ đóng hụi “chết” để chiếm đoạt tiền hốt hụi.
Tại thành phố Trà Vinh, đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh cho biết, qua khảo sát, hiện trên địa bàn thành phố Trà Vinh có 50 chủ hụi, 162 dây hụi, với khoảng 3.564 lượt hụi viên, tổng số tiền góp hụi trên 107,344 tỷ đồng. Trong đó, có 39 chủ hụi thực hiện theo quy định của pháp luật thông báo cho UBND phường, xã nơi cư trú (chưa có chủ hụi vỡ hụi). Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố Trà Vinh xảy ra 139 trường hợp vỡ hụi, Tòa án nhân dân thành phố Trà Vinh đã đình chỉ 30 vụ, hòa giải thành 105 vụ và đưa ra xét xử 04 vụ, đặc biệt đã xảy ra 01 vụ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại trên 50 tỷ đồng.
Thực tế, việc góp hụi đã tồn tại rất lâu trong người dân và phần nhiều do phụ nữ tham gia, thực hiện. Đồng chí Huỳnh Thị Sô Phia, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: thời gian qua, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, số lượng người tham gia góp hụi rất nhiều, đa phần là phụ nữ. Một chủ hụi mở nhiều dây hụi, số lượng hội viên tham gia rất đông và theo nhận định chung cho thấy: đối với người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng, những ai có thu nhập tự chủ hàng ngày ổn định thì đa số đều có ý muốn tham gia vào góp hụi, với lý do, tham gia góp hụi có lợi nhuận, tạo thêm nguồn thu nhập, tiết kiệm để tích lũy, phát triển kinh tế gia đình hoặc nếu khi gia đình cần một khoản tiền lớn để phát triển kinh tế thì có thể không cần vay vốn từ ngân hàng hoặc vay vốn bên ngoài.
Việc tổ chức hụi, góp hụi cũng là hình thức huy động vốn nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau, chủ yếu dựa vào uy tín và sự thân quen, tin tưởng lẫn nhau nên chỉ giao kết bằng miệng hoặc ghi chép đơn giản. Tuy nhiên, các chủ hụi mở nhiều dây hụi không thực hiện việc thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú, không lập thỏa thuận về dây hụi nên hình thức góp hụi này rủi ro rất cao. Khi không thực hiện đúng cam kết, thỏa thuận theo quy định của pháp luật, dẫn đến phát sinh tranh chấp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản. Việc vỡ hụi xảy ra nhiều nơi, khiến cho không ít gia đình rơi vào cảnh lao đao, trong đó, có gia đình chị em hội viên phụ nữ.
Điều 471, Bộ luật Dân sự (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24/11/2015) quy định về họ, hụi, biêu, phường, như sau: (1) Họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên; (2) Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong Nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật; (3) Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này; (4) Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi. Điều 3, Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/02/2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ), như sau: (1) Việc tổ chức họ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự; (2) Việc tổ chức họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ; (3) Không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều 14, Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/02/2019 của Chính phủ quy định thông báo về việc tổ chức dây họ, như sau: (1) Chủ họ phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây họ khi thuộc một trong các trường hợp, sau: tổ chức dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ 02 dây họ trở lên; (2) Nội dung văn bản thông báo: họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc số Căn cước công dân hoặc số Hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ họ; thời gian bắt đầu và kết thúc dây họ; tổng giá trị các phần họ tại kỳ mở họ; tổng số thành viên; (3) Trường hợp thông tin về dây họ đã được thông báo theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà có sự thay đổi thì chủ họ phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó. (4) Chủ họ không thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. |
Bài, ảnh: KIM LOAN
Sáng ngày 22/11, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 - Quân khu 9 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật năm 2024.