04/12/2022 09:14
Bài 1: Góp hụi và những biến tướng khó lường
Thiếu tướng Kiên Rịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu về nguyên nhân vỡ hụi tại hội nghị trực tuyến chuyên đề về “Thực trạng, nguyên nhân, giải pháp các vụ, việc về hụi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”, do Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức vào đầu tháng 11/2022.
Thiếu tướng Kiên Rịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: nguyên nhân của các vụ vỡ hụi chủ yếu là do các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về hụi trên địa bàn nên nhận thức pháp luật của người dân về tham gia góp hụi còn hạn chế;
Chế tài xử lý đối với các trường hợp chủ hụi không khai báo đến chính quyền cấp xã trong thời gian dài chưa có quy định cụ thể nên việc xử lý còn khó khăn. Một số người dân có vốn nhàn rỗi, không có nhu cầu kinh doanh, không muốn gửi ngân hàng nhưng muốn tiền sinh lãi suất cao;
Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong tiếp nhận, giải quyết các vụ việc có liên quan đến hụi từng lúc, từng nơi chưa chặt chẽ, chưa thống nhất còn gây phiền hà và bức xúc cho người dân. Công tác nắm tình hình tại một số địa phương chưa kịp thời, còn nhiều vụ việc vỡ hụi do người dân tự thương lượng, thỏa thuận, không trình báo cơ quan chức năng.
Đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh cho biết: công tác tổ chức thực hiện các quy định của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/02/2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường chưa thường xuyên, sâu sát, thiếu kiểm tra, đôn đốc, việc phân công giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, sâu rộng trong Nhân dân, dẫn đến hiệu quả chưa cao; công tác chỉ đạo, khảo sát, rà soát, nắm tình hình hoạt động về hụi từng lúc, từng nơi chưa sâu sát nên chưa quản lý được hết số chủ hụi, mức độ góp hụi, dấu hiệu vỡ hụi để có biện pháp, giải pháp phòng ngừa kịp thời, phù hợp.
Bên cạnh đó, tâm lý của người góp hụi còn mang tính chủ quan, ít quan tâm đến các quy định của pháp luật về hụi hoặc biết nhưng không yêu cầu chủ hụi thực hiện, thậm chí còn có tâm lý che dấu đối với người thân và cơ quan chức năng. Chế định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ hụi theo quy định tại Nghị định số 19 của Chính phủ chưa được địa phương vận dụng, thực hiện, tính răn đe chưa cao; chế định xử lý hình sự đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản còn nhiều kẻ hở để các đối tượng lợi dụng, né tránh việc xử lý của cơ quan chức năng; việc giải quyết dân sự, người bị thiệt hại khó thu hồi được tài sản do chủ hụi đã tẩu tán.
Đồng chí Đoàn Minh Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cho rằng: công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến hụi thời gian qua còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động hụi chưa chặt chẽ, chưa có giải pháp hiệu quả để yêu cầu người làm chủ hụi phải tự nguyện thông báo cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 19; chưa thống kê thông tin về hụi theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 19 trên địa bàn có nhiều chủ hụi, nhiều người tham gia thời gian dài, lừa lọc nhau nhưng không nắm để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Theo thống kê từ cơ quan chức năng, hiện nay chỉ có 246/4.000 dây hụi (chiếm tỷ lệ 6,15%) chủ hụi thông báo cho UBND cấp xã. UBND cấp xã chưa xử phạt vi phạm về hành vi không thông báo việc góp hụi theo quy định pháp luật. Việc quan tâm chỉ đạo thực hiện của Chủ tịch UBND cấp xã trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hụi nhiều nơi chưa sâu sát, cụ thể nhất là việc phân công cán bộ làm đầu mối tiếp nhận thông báo hụi của chủ hụi, hướng dẫn các loại giấy tờ khi tham gia góp hụi.
Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh, cơ quan cảnh sát điều tra các cấp tiếp nhận 16 tin báo, tố giác, đã khởi tố 07 vụ, 07 bị can; tài sản thiệt hại cho người dân khoảng 60 tỷ đồng. Viện Kiểm sát nhân dân 02 cấp truy tố 10 vụ/10 bị can, thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử 10 vụ/10 bị can có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức làm chủ hụi, chiếm đoạt số tiền 18 tỷ đồng của khoảng 1.500 gia đình hụi viên. Tòa án nhân dân 02 cấp xét xử hình sự 12 vụ án/12 bị cáo về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với 1.120 bị hại, thiệt hại số tiền trên 32,9 tỷ đồng. Tòa án nhân dân 02 cấp thụ lý 4.033 vụ, việc; giải quyết 3.812 vụ (hòa giải thành 182 vụ), còn 221 vụ việc. Cơ quan Thi hành án dân sự 02 cấp thụ lý 4.744 việc/42,826 tỷ đồng, đã thi hành xong 1.821 việc/5,973 tỷ đồng. Đơn cử các vụ việc: (1) Bà N.T.N.N, ấp An Thạnh, xã Tân Bình, huyện Càng Long, trong thời gian làm chủ hụi, bà N đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức hốt hụi và bán khống hụi, với số tiền hơn 07 tỷ đồng; (2) Bà T.T.T.H, ấp Ô Tre Nhỏ, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, trong thời gian làm chủ hụi, bà H đã thực hiện hành vi gian dối kê tên khống 262 phần hụi, đã hốt 227 phần (còn 35 phần), chiếm đoạt số tiền gần 4,5 tỷ đồng và tự ý lấy tên của hụi viên hốt 178 phần, chiếm đoạt gần 4,3 tỷ đồng. Tổng số tiền bà H đã chiếm đoạt của 238 hụi viên trên 8,8 tỷ đồng; (3) Bà L.T.T, Ấp 4A, xã An Trường, huyện Càng Long, trong thời gian làm chủ hụi (tháng 5/2014 đến tháng 6/2020) bà T đã thực hiện hành vi gian dối đặt tên khống nhiều phần hụi tự ý lấy tên các hụi viên để hốt hụi và bán một phần hụi khống, chiếm đoạt tiền của 132 hụi viên trong 67 dây hụi, với tổng số tiền trên 3,8 tỷ đồng. (4) Bà N.T.C.N, Khóm 8, Phường 7, thành phố Trà Vinh đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức góp hụi với số tiền trên 32 tỷ đồng của hơn 100 hụi viên bằng cách lập danh sách và tạo nhóm zalo để các hụi viên tham gia. |
Cùng với đó, việc chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia góp hụi chưa hiệu quả. Khi tham gia góp hụi, hụi viên chủ yếu thỏa thuận bằng lời nói, không ghi chép, đối chiếu, xác nhận rõ ràng, sổ hụi do chủ hụi tự ghi, tự viết, nhiều trường hợp tẩy xóa, không có người làm chứng, không có xác nhận hốt hụi, nên khi vỡ hụi thì hụi viên không có giấy tờ, sổ sách chứng minh số tiền đã đóng, do đó gặp khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm.
Người dân tham gia góp hụi ngày càng nhiều nhưng không nắm được quy định của pháp luật; chủ hụi khi tổ chức dây hụi không thông báo hay đăng ký với UBND cấp xã nơi cư trú biết. Từ đó, chính quyền địa phương không nắm được số lượng các chủ hụi trên địa bàn để có biện pháp quản lý và xử lý khi có vi phạm xảy ra.
Các hụi viên chỉ biết nhau qua danh sách, hụi bao nhiêu tiền, thậm chí có hụi viên không trực tiếp đi khui hụi mà chỉ liên lạc với chủ hụi qua điện thoại hoặc nhắn tin kêu hụi là điều kiện chủ hụi đặt tên khống nhiều phần hụi, tự ý lấy tên các hụi viên là người tham gia các dây hụi để hốt hụi và bán hụi khống để chiếm đoạt tiền của hụi viên.
Ngoài ra, chế định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ hụi theo quy định tại Nghị định số 19 của Chính phủ và Điều 16, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm quy định về họ, hụi, biêu, phường... chưa được địa phương vận dụng, thực hiện nghiêm túc nên tính năn đe chưa cao.
Trước khi vỡ hụi, chủ hụi kịp thời tẩu tán tài sản nên sau khi cơ quan chức năng giải quyết thì người bị thiệt hại khó thu hồi được tài sản. Đầu thảo và hụi viên tham gia nhiều dây hụi, khi bể hụi thì không có tiền đóng tạm ứng án phí, nên không khởi kiện hết các dây hụi, mà khởi kiện vài dây hụi để thăm dò, do đó việc khởi kiện và giải quyết của tòa án kéo dài. Tình trạng mua bán hụi, trừ cấn qua lại với nhau nhưng không giấy tờ, không tuân theo quy định của pháp luật về giao dịch dân sự nên khi tranh chấp rất phức tạp, khó xác định, do vậy một số vụ việc về hụi kéo dài.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Sáng ngày 22/11, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 - Quân khu 9 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật năm 2024.