19/01/2023 08:07
Chiến sĩ Đại đội Thông tin góp vốn từ tiền phụ cấp hàng tháng.
Đại đội Thông tin là đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, với chức năng, nhiệm vụ là bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt từ tỉnh đến Quân khu và các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh. Ngoài ra, đơn vị tổ chức xây dựng nề nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật và tham gia các nhiệm vụ khác do cấp trên giao. Trước đây, khi đơn vị chưa thực hiện mô hình dân vận khéo này, một số chiến sĩ tuổi đời còn trẻ, tiêu xài cá nhân còn hoang phí, dẫn đến tình trạng không đủ chi tiêu phải mượn tiền của đồng đội. Từ khi thực hiện mô hình tiết kiệm phụ cấp thì các chiến sĩ có tinh thần trách nhiệm hơn, tự ý thức vai trò của mình và tiết kiệm chi tiêu hàng tháng.
Đại úy Danh Lâm Diên, Chính trị viên Đại đội Thông tin nói: hầu hết các đồng chí xuất thân từ gia đình nông dân, hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn, thậm chí có đồng chí trước khi nhập ngũ là trụ cột chính của gia đình. Vì vậy các đồng chí này rất có ý thức trong việc tiết kiệm tiền gửi về phụ giúp gia đình.
Qua tìm hiểu thực tế mô hình “Tiết kiệm phụ cấp giúp gia đình và vì ngày mai tươi sáng”: ngay từ khi các thanh niên nhập ngũ, đơn vị tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng để chiến sĩ tự nguyện tham gia phong trào dân vận khéo tiết kiệm chi tiêu để tích góp gửi về cho gia đình.
Theo quy định của Bộ Quốc phòng về chế độ tiêu chuẩn đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nhập ngũ thì chiến sĩ được bảo đảm đầy đủ về ăn, mặc, ở,... Ngoài ra, chiến sĩ còn được bảo đảm tiền phụ cấp tùy theo cấp bậc của chiến sĩ đó. Sau khi trừ các khoản, đối với Trung sỹ được lãnh 1.042.000 đồng/tháng, binh nhất 781.000 đồng/tháng...
Ngoài các tiêu chuẩn mà quân nhân được hưởng, đơn vị còn trích tiền tăng gia sản xuất hỗ trợ thêm trong quá trình chi cho cá nhân. Từ đó, hàng tháng hạ sĩ quan, chiến sĩ dư tiền phụ cấp trong quá trình chi cho cá nhân. Để thực hiện hiệu quả mô hình “Tiết kiệm phụ cấp giúp gia đình và vì ngày mai tươi sáng”, hàng tháng chiến sĩ sẽ tiết kiệm tiền phụ cấp tối thiểu là 300.000 đồng trở lên, gởi lại cho chỉ huy đơn vị giữ.
Khi chiến sĩ xuất ngũ hoặc gia đình có việc khó khăn đột xuất, đơn vị sẽ gởi lại tiền tích góp cho chiến sĩ. Theo đó, đơn vị có sổ ghi chép cụ thể, có ký nhận rõ ràng giữa bên giao và nhận và công khai đến mọi chiến sĩ nắm. Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị có có 21 chiến sĩ tham gia mô hình, số tiền tiết kiệm được 75,6 triệu đồng - trung bình mỗi chiến sĩ tiết kiệm được 3,6 triệu đồng/năm.
Chiến sĩ Thạch Nhật Huy, Đại đội Thông tin bày tỏ: bản thân tôi thấy mô hình “Dân vận khéo” này rất hiệu quả, giúp và các chiến sĩ nhận thấy khả năng tiêu xài còn hoang phí, còn phụ thuộc tài chính của gia đình hàng tháng, sau khi được triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo tiết kiệm phụ cấp giúp gia đình và vì tương lai tươi sáng thì nhận thức của chúng tôi đầy đủ hơn về tiết kiệm, đặc biệt biết sử dụng tiền có hiệu quả, sau đó sẽ phụ giúp gia đình phần nào để giảm bớt khó khăn, tôi là chiến sĩ sắp hoàn thành nghĩa vu quân sự nhưng tôi vẫn tiếp tục thực hiện mô hình này và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Trao đổi với chúng tôi, chiến sĩ Lê Minh Nhựt, Đại đội Thông tin nói: bản thân hoàn toàn đồng thuận và nhất trí với mô hinh này và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, mô hình này rất hiệu quả và thiết thực trong đời sống, giúp cho bản thân tôi nhận thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình và đơn vị. Đây là mô hình giúp bản thân tôi giải quyết được khó khă cho gia đình, giải quyết được chi phí sinh hoạt cũng như là giúp cho đơn vị thực hiện các biện pháp rèn luyện quân nhân một cách tốt nhất; thực hiện nề nếp chính quy, phát huy dân chủ và làm tốt cuộc vận động “Phát huy truyền thống cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Đại úy Danh Lâm Diên, Chính trị viên Đại đội Thông tin cho biết: hình thức tiết kiệm phụ cấp của chiến sĩ ở đơn vị không chỉ tạo ý thức tự giác trong thực hành tiết kiệm mà còn là biện pháp giúp đơn vị quản lý quân nhân hiệu quả. Từ phương thức này, nếu tính từ lúc thực hiện đến khi kết thúc 02 năm nhập ngũ, bình quân mỗi chiến sĩ tiết kiệm được hơn 07 triệu đồng, cộng với số tiền chiến sĩ được nhận sau khi xuất ngũ là 26 triệu đồng. Qua đó, giúp cho chiến sĩ có số vốn nhỏ phụ giúp gia đình và lập thân, lập nghiệp.
Để thực hiện tốt mô hình, ngay từ đầu năm, Cấp ủy, Ban Chỉ huy đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện chặt chẽ, đồng thời quán triệt, triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Chỉ đạo, hướng dẫn cho chi đoàn mà trực tiếp là đồng chí Bí thư trong tổ chức thực hiện; phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác và ý thức của từng chiến sĩ để thực hiện hiệu quả. Ngoài việc tiết kiệm phụ cấp, chiến sĩ còn tự nguyện tăng gia sản xuất, trồng rau màu, nuôi cá, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chấp hành nghiêm quy định của đơn vị.
Trong quá trình thực hiện mô hình “Dân vận khéo” luôn gắn với các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, quân đội. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy thực hiện mô hình đi vào chiều sâu và đạt được hiệu quả “kép” một cách thiết thực đó là vừa giúp chiến sĩ rèn luyện tính tiết kiệm, nề nếp vừa có trách nhiệm với gia đình, xã hội.
Thực tế, việc tiết kiệm phụ cấp của chiến sĩ chính là một hình thức giáo dục, rèn luyện phù hợp; đồng thời, góp phần giúp họ thêm vững tin lập nghiệp khi rời quân ngũ. Riêng, đối với những chiến sĩ trẻ còn tiếp tục gắn bó với màu áo xanh xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” sẽ trở thành “bệ phóng” vững chắc, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, cống hiến tâm sức, trí lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài, ảnh: MINH THÙY
Sau gần 15 năm (2010 - 2024), triển khai thực hiện Chỉ thị số 590-CT/ĐUQSTW, ngày 04/10/2010 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong Quân đội (Chỉ thị số 590), cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, đảng viên, quân nhân trong toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Trà Vinh nhận thức tốt về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chế độ, nề nếp, chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng bảo đảm ổn định, tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và tổ chức, dân chủ ngày càng được mở rộng, kỷ luật, kỷ cương được giữ vững.