26/07/2024 07:28
Mô hình được vận hành với hình thức khi người dân phát hiện trường hợp đã sử dụng rượu, bia đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì gọi vào số điện thoại “đường dây nóng” của Giám đốc Công an tỉnh qua số 084.345.8484. Thông tin tiếp nhận sẽ được chuyển đến lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) qua bộ đàm. Sau đó, CSGT đang thực hiện nhiệm vụ trên tuyến có người vi phạm nồng độ cồn đang di chuyển sẽ triển khai lực lượng tiến hành kiểm tra để xử lý theo quy định. Ngày 26/3/2024, CSGT Công an toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân triển khai thực hiện mô hình.
Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã quán triệt đến lực lượng Công an toàn tỉnh về mục đích, ý nghĩa của mô hình, trong đó, chỉ đạo lãnh đạo, chỉ huy CSGT Công an tỉnh và công an các huyện phải gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được phân công. Trọng tâm là thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền, phổ biến về mô hình để người dân nắm, đồng thời, bố trí lực lượng ứng trực, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý kịp thời khi có tin báo của người dân qua số điện thoại “đường dây nóng” của Giám đốc Công an tỉnh.
Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua, CSGT công an toàn tỉnh đã tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức về mục đích, ý nghĩa của mô hình, tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Ngoài ra, CSGT còn phối hợp tổ chức tuyên truyền trực tiếp trong Nhân dân, vận động, phối hợp với các cơ sở kinh doanh ăn uống, giải trí để tiến hành lắp đặt các pa-nô tuyên truyền “đã uống rượu, bia không lái xe” cùng số điện thoại của các phương tiện công cộng tiện ích.
Bên cạnh, công an cấp xã còn tích cực tuyên truyền để người dân tiếp cận số điện thoại “đường dây nóng” của Giám đốc Công an tỉnh cũng như cách thức tố giác các hành vi vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Theo đánh giá của Công an tỉnh, qua 03 tháng triển khai thực hiện (từ ngày 26/3 đến ngày 26/6/2024), mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo được sự lan tỏa, được cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân đồng thuận, đánh giá cao, góp phần tích cực vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn.
Đội CSGT, trật tự Công an huyện Duyên Hải và Công an xã Ngũ Lạc tuyên truyền số điện thoại “đường dây nóng” của Giám đốc Công an tỉnh.
Qua 03 tháng triển khai thực hiện, CSGT công an toàn tỉnh đã tiếp nhận, triển khai lực lượng kịp thời xử lý 53 tin tố giác về hành vi vi phạm nồng độ cồn của Nhân dân qua số điện thoại “đường dây nóng” của Giám đốc Công an tỉnh. Theo đánh giá của CSGT, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông thì tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn đã giảm đáng kể so với thời gian liền kề (giảm 958 trường hợp vi phạm), đa phần người dân khi đã sử dụng rượu, bia đều sử dụng các phương tiện công cộng để di chuyển.
Tại huyện Duyên Hải, quán triệt ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Ban lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và quyết liệt. Để thực hiện có hiệu quả mô hình, Công an huyện đã xây dựng kế hoạch huy động lực lượng Công an xã, thị trấn tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn và đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
Thượng tá Huỳnh Văn Quyển, Phó Trưởng Công an huyện Duyên Hải cho biết, đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội (Zalo, Facebook) để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm, thực hiện. Tổ chức rà soát trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra vi phạm về nồng độ cồn để đẩy mạnh công tác dân vận.
Bên cạnh, Công an huyện tổ chức lực lượng gồm 01 Tổ công tác trên 04 xã đảo, 04 đồng chí; 01 Tổ công tác, 04 đồng chí thường trực 24/24 tại Công an huyện để tiếp nhận, xử lý tin phản ánh hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Qua 03 tháng triển khai thực hiện, ý thức của cán bộ và người dân có sự chuyển biến rõ nét, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát số trường hợp vi phạm về nồng độ cồn giảm đáng kể. Mô hình này, được cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ và Nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình TTATGT trên địa bàn huyện được bảo đảm ổn định, TNGT được kéo giảm cả 03 tiêu chí, đặc biệt là không có xảy ra TNGT liên quan đến nồng độ cồn.
Ngoài việc ứng trực, phản ứng nhanh xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn, CSGT công an toàn tỉnh còn huy động lực lượng cảnh sát khác và công an cấp xã tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, nhất là các khu vực có nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, giải trí có thức uống có cồn, tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm về nồng độ cồn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định. Theo báo cáo, từ đầu năm 2024 đến nay, CSGT đã phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 4.470 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, xử phạt với số tiền hơn 16 tỷ đồng.
Ngoài nhiệm vụ của các ngành chức năng, với tinh thần thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn, đề nghị mọi người dân hãy chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT, hãy tự xây dựng, hình thành thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe”, tích cực đồng hành, hỗ trợ CSGT trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, góp phần phòng ngừa, kéo giảm TNGT.
Bài, ảnh: HỒ GIANG
Sáng ngày 22/11, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 - Quân khu 9 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật năm 2024.