10/01/2022 06:18
Thành viên Hội đồng hòa giải xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần phối hợp với Tổ hòa giải ấp Te Te 2 thường xuyên đến nhà người dân để tuyên truyền, tư vấn kiến thức pháp luật.
Huyện Tiểu Cần là một trong những địa phương điển hình trong thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, mạng lưới tổ hòa giải ở huyện Tiểu Cần được củng cố, kiện toàn ở hầu hết ấp, khóm, góp phần hạn chế đơn, thư khiếu kiện vượt cấp trong Nhân dân. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, đội ngũ hòa giải viên đã đi sâu, bám sát địa bàn để giải quyết mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh. Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở sẽ góp phần thắt chặt tình đoàn kết, vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình, đây là yếu tố để nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, ấp, khóm văn hóa, khu dân cư tự quản về an ninh, trật tự.
Với vai trò tham mưu, năm qua, Phòng Tư pháp huyện Tiểu Cần cùng cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chú trọng thực hiện và đạt được những hiệu quả thiết thực. Năm 2021, huyện Tiểu Cần có 622 cán bộ là Trưởng Ban nhân dân các khóm, ấp, Trưởng Ban công tác mặt trận, cán bộ đoàn thể và lực lượng làm công tác hòa giải ở cơ sở tham dự hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và hướng dẫn thi hành các văn bản, luật hòa giải, luật hộ tịch, các thông tư, hướng dẫn mới có liên quan. Quan tâm, củng cố cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở đã giúp cho đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, ứng xử, xử lý các tình huống đặt ra ở từng sự việc hòa giải, thấu tình, đạt lý, giúp hàn gắn tình làng, nghĩa xóm. Huyện Tiểu Cần có 80 tổ hòa giải, với 622 thành viên luôn đoàn kết, đồng tâm, nhiệt tình tham gia công việc mỗi khi ở ấp, khóm phát sinh mâu thuẫn, bất hòa. Trong năm 2021, các tổ hòa giải ở cơ sở tiếp nhận 103 đơn thư, khiếu kiện, đưa ra hòa giải thành trên 80%.
Bà Võ Thị Tố Kiều, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Tiểu Cần cho biết, để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm, Phòng Tư pháp tham mưu, đề xuất UBND huyện thực hiện một số giải pháp để củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên; triển khai thực hiện các mô hình để hòa giải viên có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
Có dịp trò chuyện với những cán bộ làm công tác hòa giải lâu năm mới thấy được ý nghĩa của công tác hòa giải, là góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, bởi khi hòa giải, bên cạnh việc dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục tập quán tốt đẹp để tác động đến tâm tư, tình cảm của các bên, khơi dậy suy nghĩ tình cảm tích cực. Hòa giải viên còn vận dụng các quy định pháp luật để giải thích, tư vấn, hướng dẫn các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình để tự lựa chọn, dàn xếp ổn thỏa mâu thuẫn, tranh chấp.
Ông Trần Quốc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hùng cho biết, để thực hiện công tác hòa giải đạt chất lượng, hiệu quả thì UBND xã cũng thực hiện từng bước theo quy định như, các hòa giải viên cơ sở phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần tự nguyện tham gia làm hòa giải viên và hiểu biết về pháp luật, về lối sống, phong tục, tập quán sinh hoạt trong cộng đồng dân cư cũng như trong đồng bào dân tộc; đặc biệt phải có khả năng tuyên truyền thuyết phục, tác động để người nghe hiểu và phối hợp.
Trước khi tiến hành hòa giải thì Hội đồng hòa giải của xã tiến hành họp ngành chuyên môn và xác nhận đơn khiếu nại của người dân. Sau đó, các thành viên của Hội đồng hòa giải tùy theo từng lĩnh vực, tùy theo từng vai trò sẽ đưa ra ý kiến, giải pháp để có định hướng và thống nhất chung và tiến hành hòa giải.
Ông Đinh Văn Phước, Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Tân Hùng chia sẻ, theo kinh nghiệm nhiều năm trong công tác hòa giải, muốn đi đến hòa giải thành công thì khâu chuẩn bị phải tỉ mỉ, chu đáo. Sau khi nhận đơn của đương sự, phải tiến hành đi xác minh sự việc, rồi phân loại đơn. Nếu đơn đó thuộc thẩm quyền mình hòa giải được thì phải xem xét đối tượng thuộc thành phần nào mà có cách phối hợp giải quyết phù hợp. Khi tiến hành hòa giải phải giải thích, phân tích, dùng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, thấm tình, thấm nghĩa, để đôi bên hiểu được cái đúng, cái sai rồi chấp nhận hòa giải.
Điển hình như vụ tranh chấp ranh đất giữa ông Trần Văn Miền, ngụ ấp Te Te 2 và ông Võ Văn Danh, ngụ ấp Trung Tiến. Đất của ông Miền và ông Danh giáp ranh nhau. Trong lúc canh tác, con ông Miền làm cỏ để trên bờ ranh chung nên ông Danh không đồng ý, vì nghĩ rằng con ông Miền lấn bên đất mình, sự việc lặp đi lặp lại nhiều lần nên ông Miền đưa đơn khiếu nại. Sau khi tiếp nhận đơn của ông Miền, tổ hòa giải ở địa phương tiến hành họp bàn, đưa ra phương pháp thuyết phục. “Trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, không được phép xem nhẹ bất cứ mâu thuẫn nào, cần tìm hiểu nguyên nhân cũng như khúc mắc của từng người, tạo cơ hội để hai bên ngồi lại đối thoại với nhau, đó là mong muốn cũng như kinh nghiệm của các thành viên trong tổ hòa giải để đưa đến thành công sự việc.
Sự việc ông Thạch Danh (ngụ ấp Sáu, xã Tân Hùng) đưa đơn ly dị vợ sau gần 30 năm chung sống đã được khép lại. Có được điều đó là do các thành viên trong tổ hòa giải ở địa phương đã có sự phân công đúng người, đúng việc, khéo léo vận động, thuyết phục. Do tính tình ông Danh bình thường thì hòa đồng, vui vẻ, nhưng khi có rượu thì lớn tiếng, đập phá đồ đạc, nên gây ra những bức xúc cho người vợ. Nắm được sự việc, thành viên trong tổ hòa giải ở ấp gặp riêng từng người để giải thích, thuyết phục, phân tích việc đúng, việc sai giúp họ hàn gắn, từ đó, mỗi người đều nhận ra cái sai của mình mà sửa đổi.
Bà Võ Thị Tố Kiều cho biết thêm, qua công tác hòa giải góp phần rất lớn giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế được đơn, thư khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong thời gian qua cũng có một số hạn chế về phạm vi hòa giải liên quan đến nhiều lĩnh vực nhạy cảm, như: các quan hệ gia đình, tranh chấp đất đai, từ đó, cũng có một số ít hòa giải viên ngại va chạm có phần ảnh hưởng đến chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.
Tổ hòa giải là tổ chức đầu tiên đứng ra hòa giải các vụ mâu thuẫn ở cơ sở khi vừa mới phát sinh. Mục tiêu của công tác hòa giải là nhằm hóa giải các tranh chấp, gìn giữ, bảo vệ tình đoàn kết trong gia đình và cộng đồng dân cư. Đó cũng là mục tiêu của những người làm công tác dân vận ở cơ sở hướng đến. Khi hòa giải thành công, sẽ góp phần ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Bài, ảnh: XUÂN THẢO
Chiều 25/11, tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.