17/08/2021 07:54
Phóng viên có cuộc trao đổi với Thượng tá Trần Hòa Bình, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh xoay quanh vấn đề này.
Thượng tá Trần Hòa Bình.
Phóng viên: Thưa Thượng tá, Luật Cư trú năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 với nhiều điểm mới về việc đăng ký thường trú, tạm trú, thay đổi nơi đăng ký thường trú, tạm trú. Những điểm mới đó là gì thưa Thượng tá?
Thượng tá Trần Hòa Bình
Luật Cư trú năm 2020 có nhiều điểm mới so với Luật Cư trú năm 2006 được sửa đổi và bổ sung năm 2013, các điểm mới này cơ bản là đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo các quyền tự do cư trú của công dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân trong quá trình cư trú.
Thứ nhất, là thay thế phương thức quản lý cư trú từ hình thức thủ công quản lý bằng giấy sang hình thức quản lý bằng công nghệ thông tin, kể từ ngày 01/7/2021 trở đi chính thức bỏ sổ hộ khẩu và sổ tạm trú bằng giấy. Theo đó, người dân mỗi khi thực hiện thủ tục về đăng ký cư trú sẽ được cơ quan quản lý cư trú cập nhật nơi thường trú mới của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, sau đó không có cấp sổ hộ khẩu và sổ tạm trú bằng giấy như trước đây, nơi thường trú và nơi cư trú của công dân sẽ được cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Từ ngày 01/7/2021 trở đi, các cơ quan, tổ chức và mọi công dân sử dụng qua mã số định danh cá nhân để khai thác các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú để phục vụ cho các giao dịch dân sự cũng như giải quyết các thủ tục hành chính.
Thứ hai, so với Luật Cư trú năm 2006 là sổ hộ khẩu và sổ tạm trú được cấp trước đây vẫn còn hiệu lực sử dụng đến ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, trong quá trình công dân có yêu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến cư trú mà có sự thay đổi các trường thông tin công dân trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan giải quyết đăng ký cư trú sẽ tiến hành thu hồi sổ hộ khẩu và sổ tạm trú; đồng thời sẽ cập nhật, điều chỉnh các trường thông tin, các thông tin của công dân vào trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, không cấp mới và cấp lại sổ cư trú và sổ tạm trú.
Thứ ba, không có quy định riêng về đăng ký thường trú đối với các thành phố trực thuộc trung ương, Luật Cư trú năm 2020 thì điều kiện đăng ký thường trú đối với 63 tỉnh, thành đều như nhau. Trước đây, đối với điều kiện nhập hộ khẩu thường trú vào địa bàn thành phố trực thuộc trung ương có quy định riêng, công dân có tạm trú từ 01 năm trở lên đối với khu vực ngoại thành và từ 02 năm trở lên đối với khu vực nội thành. Còn Luật Cư trú năm 2020 thì không còn áp dụng điều kiện này, cho nên điều kiện nhập hộ khẩu thường trú vào địa bàn thành phố trực thuộc trung ương cũng như các tỉnh, thành khác đều như nhau. Đây cũng nhằm mục đích bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo đúng Hiến pháp năm 2013 và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân sống ở các thành phố trực thuộc trung ương đã có chỗ ở hợp pháp mà chưa có điều kiện để đăng ký thường trú.
Thứ tư, giao thẩm quyền về giải quyết đăng ký cư trú cho công an cấp xã, phường, thị trấn. So với trước đây thì thẩm quyền giải quyết đăng ký cư trú là đối với cấp xã thuộc huyện, còn đối với thành phố thì thẩm quyền giải quyết cư trú là do công an cấp thị xã và thành phố giải quyết, tuy nhiên điểm mới ở Luật Cư trú năm 2020 là giao thẩm quyền giải quyết cư trú cho công an cấp xã, phường, thị trấn. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho công dân trong quá trình giải quyết cư trú.
Thứ năm, công dân vắng mặt liên tục từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú.
Thứ sáu, bổ sung quy định quản lý đối với các trường hợp không đủ điều kiện để đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú. Xuất phát từ thực tế số lượng công dân mà không có nơi đăng ký thường trú, nơi đăng ký tạm trú tương đối nhiều, như người sống lang thang, công dân di cư không có giấy tờ tùy thân nên họ không có điều kiện để đăng ký cư trú ở một nơi nào nhất định, trường hợp này thì lấy nơi ở hiện tại của họ để làm nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú nếu họ không có nơi ở cụ thể thì lấy địa bàn cấp xã nơi họ ở hiện tại cư trú để đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú. Đối với những trường hợp này, công dân nên liên hệ với cơ quan đăng ký cư trú để được hướng dẫn đăng ký thường trú, tạm trú đúng quy định.
Phóng viên: Trong những điểm mới đó thì điểm mới nào được xác định là có lợi cho người dân, doanh nghiệp thưa Thượng tá?
Thượng tá Trần Hòa Bình
Điểm mới được xác định là khâu đột phá nhất trong các điểm mới về Luật Cư trú năm 2020 so với Luật cư trú năm 2006 là thay thế về phương thức quản lý, sử dụng. Từ phương thức quản lý bằng giấy sang phương thức quản lý cư trú bằng công nghệ thông tin, mà điểm mấu chốt là sử dụng số định danh cá nhân. Hiện nay, số định danh cá nhân là số căn cước công dân (CCCD) còn đối với trường hợp công dân chưa có thẻ CCCD thì tới đây Bộ Công an sẽ cấp cho mẫu thông báo sẽ gởi về công an các địa phương để cấp cho công dân, mẫu thông báo này sẽ thể hiện số định danh cá nhân kể cả đối với số trường hợp trẻ em khi sinh ra cho đến chưa đủ tuổi cấp thẻ CCCD. Các cơ quan, tổ chức, công dân sẽ sử dụng mã số định danh để thực hiện các quan hệ giao dịch cũng như giải quyết các thủ tục hành chính.
Trước đây, phần lớn giải quyết cho công dân có nhu cầu đăng ký cư trú thì đến công an huyện, công an thị xã, thành phố để giải quyết. Theo hình thức mới, công dân trực tiếp đến công an cấp xã, phường, thị trấn hoặc công dân có thể gởi hồ sơ qua cổng dịch vụ công, gồm có cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an, dịch vụ công về cư trú. Giao thẩm quyền cho công an cấp xã giải quyết các vấn đề về đăng ký cư trú, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và công dân, đặc biệt là công dân. Công dân sống ở xã nào thì liên hệ trực tiếp với công an xã đó để giải quyết đăng ký cư trú, tạo điều kiện rất thuận lợi cho công dân.
Phóng viên: Thưa Thương tá, với những thay đổi như thế thì người dân có cần điều chỉnh giấy tờ đăng ký không?
Thượng tá Trần Hòa Bình
Mọi công dân phải thực hiện việc đăng ký cư trú bằng công nghệ thông tin, đòi hỏi mỗi người dân chúng ta phải có dữ liệu cá nhân, thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công dân chưa có dữ liệu thì phải khẩn trương liên hệ với công an xã, phường, thị trấn nơi mình đăng ký thường trú để cung cấp thông tin cá nhân để được công an xã, phường, thị trấn nơi mình đăng ký cư trú để cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như Cơ sở dữ liệu về cư trú. Mỗi công dân có sự điều chỉnh, thay đổi các thông tin của bản thân, liên hệ với công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú để được cơ quan giải quyết cư trú cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các trường thông tin của công dân để đảm bảo thông tin của công dân đúng, đủ, kịp thời để giúp cho công dân trong quá trình giao dịch với các cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, thông tin mới đảm bảo chính xác, tránh tình trạng khi giải quyết các giao dịch dân sự cũng như giải quyết hành chính trong khi đó thông tin của công dân có sự thay đổi, không điều chỉnh kịp thời trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân sẽ mất thời gian, sẽ đi lại nhiều lần để điều chỉnh.
Phóng viên: Thủ tục đăng ký thường trú theo luật định như thế nào thưa Thượng tá?
Thượng tá Trần Hòa Bình
Mọi công dân có nhu cầu đăng ký thường trú chỉ cần xin giấy phép cơ quan giải quyết cư trú tại nơi mình sinh sống là công an xã, phường, thị trấn hoặc có thể gởi hồ sơ đăng ký thường trú trên hệ thống dịch vụ công. Công dân chỉ mang theo các giấy tờ tùy thân như thẻ CCCD, thông báo về số định danh cá nhân, hồ sơ và chỗ ở hợp pháp đến cơ quan đăng ký thường trú nơi công dân sinh sống, cơ quan giải quyết cư trú sẽ tiếp nhận kiểm tra các thông tin đầy đủ do công dân cung cấp, nếu hồ sơ, tài liệu của công dân cung cấp đảm bảo đầy đủ thì cán bộ giải quyết cư trú của công an xã, phường, thị trấn sẽ tiếp nhận và đồng thời ra giấy hẹn ngày trả kết quả giải quyết cư trú cho công dân.
Theo quy định mới của Luật Cư trú năm 2020, công dân trực tiếp đến công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú và gởi hồ sơ qua dịch vụ công thì cơ quan giải quyết cư trú sẽ tiếp nhận và ra giấy hẹn trả kết quả giải quyết cư trú. Nếu hồ sơ, thủ tục, tài liệu của công dân còn thiếu thì cán bộ giải quyết cư trú sẽ hướng dẫn công dân bổ sung làm thế nào để đảm bảo và khi đảm bảo thì cán bộ giải quyết cư trú sẽ tiếp nhận và ra giấy hẹn ngày trả kết quả giải quyết cư trú cho công dân. Thời gian giải quyết cư trú cũng rút ngắn hơn so với quy định của Luật Cư trú năm 2006. Khi công an xã, phường, thị trấn tiếp nhận đủ hồ sơ, thủ tục của công dân và ra giấy hẹn, sẽ trong vòng 07 ngày trả kết quả cho công dân. Còn đối với Luật Cư trú 2006 thì 15 ngày khi công dân đã nộp đủ hồ sơ.
Vấn đề đăng ký tạm trú và tạm vắng của công dân cần lưu ý, mọi công dân vắng mặt ở nơi cư trú của mình từ 12 tháng trở lên thì phải đăng ký tạm trú nơi mình đang sinh sống. Vắng mặt ở địa phương từ 12 tháng trở lên liên tục khỏi nơi đăng ký cư trú của mình mà không có đăng ký tạm trú ở nơi nào đó thì chúng ta đăng ký tạm vắng, nếu không sẽ bị xóa nơi đăng ký thường trú. Ngoài việc khai báo tạm vắng đối với bị can, bị cáo nơi cư trú của mình mà từ thời gian 01 ngày trở lên thì phải khai báo tạm vắng. Đối với các trường hợp độ tuổi dự bị động viên, đi khỏi địa bàn cấp huyện từ 30 ngày trở lên thì phải khai báo. Khi công dân đi khỏi nơi đăng ký thường trú liên tục từ 12 tháng trở lên thì phải đăng ký tạm trú nơi đang sinh sống, phải khai báo tạm vắng với cơ quan quản lý thường trú của mình. Như vậy, sẽ không bị xóa nơi đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú ở đây là xóa nơi thường trú của công dân trên hệ thống Cơ sở dữ liệu về cư trú, nơi thường trú của công dân trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Phóng viên: Xin cám ơn Thượng tá.
XUÂN THẢO - PHẠM HƠN
Chiều 25/11, tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.