29/09/2022 06:24
Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh (Cơ sở) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức, nhân sự, tài chính và cơ sở vật chất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh. Cơ sở có chức năng tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện, tiếp nhận người sử dụng, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định và tổ chức điều trị thay thế.
Cơ sở Cai nghiện ma túy có 04 phòng, gồm: hành chính - tổ chức, y tế - phục hồi sức khỏe, tư vấn - giáo dục - dạy nghề, quản lý học viên. Hiện, Cơ sở có 38 cán bộ, viên chức, lao động (trong đó, có 26 cán bộ, viên chức biên chế, số còn lại là lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ). Cơ sở tiếp nhận, sàng lọc, đánh giá phân loại, xác định tình trạng nghiện ma túy, tổ chức điều trị, cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, tổ chức các hoạt động nâng cao thể lực; điều trị các rối loạn về thể chất, tâm thần và các bệnh đồng diễn; chăm sóc, tư vấn và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, người mắc bệnh lao; tổ chức điều trị nghiện các chất thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người nghiện ma túy. Tổ chức các hoạt động điều trị, tâm lý hành vi, tổ chức các hoạt động tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, phòng, chống HIV/AIDS. Hướng dẫn, tư vấn cho gia đình người nghiện ma túy về điều trị, cai nghiện, quản lý, giáo dục tại gia đình và cộng đồng. Phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp điều trị, cai nghiện phục hồi, lao động trị liệu, dạy nghề, tạo việc làm.
Trong 09 tháng năm 2022, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh tiếp nhận 103 học viên, trong đó, có 86 học viên cai nghiện bắt buộc, 12 học viên cai nghiện tự nguyện và có 05 học viên thuộc diện quản lý trong thời gian chờ lập hồ sơ đưa vào cai nghiện bắt buộc. Đồng thời, đã giải quyết ra cơ sở cho 72 học viên, gồm 64 học viên cai nghiện bắt buộc, 08 học viên cai nghiện tự nguyện. Hiện, Cơ sở đang quản lý 139 học viên (100% học viên nam), trong đó, có 130 học viên cai nghiện bắt buộc, 04 học viên cai nghiện tự nguyện. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của Cơ cở hiện nay còn hạn chế và đã xuống cấp, đang được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới một số khu nhà ở dành cho học viên và một số hạng mục để học viên có nơi sinh hoạt, thể dục, thể thao. Các học viên cai nghiện tự nguyện được sắp xếp ở tạm tại một khu nhà cũ. Điều đáng quan tâm, trong số học viên cai nghiện bắt buộc có 02 học viên nhiễm HIV, nhưng chưa có điều kiện sắp xếp khu nhà ở riêng cho các học viên này điều trị mà phải ở chung với học viên cai nghiện bắt buộc, điều này khó khăn trong việc quản lý, điều kiện sinh hoạt, điều trị bệnh cho học viên.
Hạng mục công trình của Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh đã được đầu tư sửa chữa hoàn thành chuẩn bị đưa vào sử dụng.
09 tháng năm 2022, Cơ sở đã khám và điều trị 10.330 lượt học viên và chuyển tuyến trên 03 lượt học viên; tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho 100% học viên. Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Châu Thành lấy 19 mẫu máu tầm soát HIV cho học viên. Bên cạnh, tổ chức 09 cuộc đối thoại định kỳ hàng tháng giữa Ban Giám đốc với học viên; triển khai các chế độ, chính sách theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ cho học viên; mở 01 lớp dạy nghề (ngắn hạn) về chăm sóc và tạo dáng cây cảnh cho 24 học viên. Đồng thời, tổ chức các hoạt động cho học viên lao động, trị liệu và làm hàng gia công mỹ nghệ.
Ông Phan Văn Bé Tám, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy cho biết, theo quy định, Cơ sở phải có đủ 12 khu cai nghiện cho học viên mới đáp ứng đủ điều kiện cho cả học viên nam và nữ. Có diện tích đủ rộng để học viên sinh hoạt, trang bị dụng cụ thể dục, sân chơi thể thao, khu lao động, sản xuất... điều này, Cơ sở chưa đáp ứng được, từ đó ảnh hưởng nhiều đến điều kiện cai nghiện cho học viên. Hiện, Cơ sở đầu tư xây dựng một số công trình mới và sửa chữa các khu nhà cũ, xuống cấp. Dự kiến cuối năm 2022, sẽ xây dựng hoàn thành công trình khu nhà ở cho học viên cai nghiện tự nguyện, các công trình còn lại tiếp tục thi công.
Gặp gỡ, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến con đường nghiện ma túy của các đối tượng hiện đang cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở, mỗi người đi đến con đường nghiện ma túy với nhiều nguyên nhân khác nhau, như: học viên Huỳnh Văn T, 32 tuổi (xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang), nghề nghiệp làm ruộng, nghiện ma túy hơn 01 năm, tự nguyện vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh được hơn 01 tháng; học viên Huỳnh Văn M, 22 tuổi (thị trấn Định An, huyện Trà Cú) làm nghề đánh bắt thủy, hải sản trên biển nghiện ma túy hơn 01 năm, tự nguyện vào Cơ sở cai nghiện gần 02 tháng nay; học viên Ngô Hoài T, 32 tuổi (xã Long Hòa, huyện Châu Thành) làm công nhân ở tỉnh Bình Dương đã nghiện ma túy hơn 07 năm, đăng ký vào Cơ sở cai nghiện được 03 tháng. Các học viên trên hiện thể trạng sức khỏe đã ổn định và đều có quyết tâm cai nghiện, từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời.
Ông Phan Văn Bé Tám cho biết thêm, đối tượng nghiện ma túy đang trong chiều hướng gia tăng hàng năm và ngày càng trẻ hóa; đối tượng tái nghiện còn ở mức cao (khoảng 70%). Nguyên nhân, những người sau cai nghiện trở về địa phương vẫn còn bị xa lánh, phân biệt đối xử làm cho họ mặc cảm, nảy sinh tư tưởng tiêu cực, chán nản, thiếu niềm tin, khó tìm việc làm ổn định nên dễ bị tái nghiện.
Để giải quyết vấn đề trên, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành chức năng địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ tạo điều kiện cho người sau cai nghiện có việc làm ổn định, hòa nhập cộng đồng; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về tác hại của ma túy, đề cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm ma túy. Mong rằng, mỗi người dân là một tuyên truyền viên về công tác phòng, chống ma túy, quyết tâm cùng chính quyền địa phương giữ vững địa bàn không có tội phạm ma túy, đem lại cuộc sống yên bình cho Nhân dân.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Sau gần 15 năm (2010 - 2024), triển khai thực hiện Chỉ thị số 590-CT/ĐUQSTW, ngày 04/10/2010 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong Quân đội (Chỉ thị số 590), cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, đảng viên, quân nhân trong toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Trà Vinh nhận thức tốt về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chế độ, nề nếp, chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng bảo đảm ổn định, tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và tổ chức, dân chủ ngày càng được mở rộng, kỷ luật, kỷ cương được giữ vững.