18/11/2022 09:17
Học sinh điều khiển xe gắn máy đến trường.
Nội dung tuyên truyền: đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; không điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi; không điều khiển xe đi hàng 02, hàng 03; các hành vi vi phạm là lỗi trực tiếp dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông; không uống rượu, bia điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông; hậu quả tai nạn giao thông; hình thức xử lý khi có hành vi vi phạm các quy định về TTATGT… Qua các buổi tuyên truyền, đa số các em đều có nhận thức tốt về các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 134 trường THPT, THCS, với hơn 178.000 học sinh (trong đó, có 35 trường THPT, với gần 30.000 học sinh). Hầu hết các trường THPT, THCS trên địa bàn đều quy định học sinh không được điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy đến trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào các buổi đến trường và giờ tan học, bên cạnh việc học sinh điều khiển xe đạp, xe đạp điện hoặc được người thân đưa rước thì vẫn còn nhiều trường hợp các em học sinh tự điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy đến trường, có trường hợp đi ngược chiều; phần lớn các em không chạy xe vào trường mà chỉ để ở khu vực bên ngoài. Việc này không chỉ vi phạm nội quy nhà trường mà còn vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vì hầu hết các em chưa đủ tuổi, chưa được các cơ quan chức năng cấp giấy phép lái xe theo quy định.
Thầy Nguyễn Thanh Chơn, Bí thư Đoàn Trường THPT Thành phố Trà Vinh cho biết, hiện nay, giao thông là một trong những vấn đề nhức nhối của trường trong nhiều năm qua, đầu năm học, nhà trường kết hợp với các cơ quan chức năng, ban, ngành để tuyên truyền về quy định của Luật Giao thông đường bộ, giúp cho học sinh nhận thức về tác hại của tai nạn giao thông; kết hợp với Đội Cảnh sát giao thông thành phố để tuyên truyền, vận động học sinh không được để xe bên ngoài cũng như đem tất cả các xe vào bên trong trường, sau đó, nhà trường sẽ phân loại ra những em chưa đủ tuổi để chạy xe phân khối lớn, kết hợp với gia đình để giáo dục, nhắc nhở học sinh, không cho học sinh sử dụng xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi.
Để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh đến trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo cho các trường học trên địa bàn tỉnh phối hợp với công an địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ; hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp với từng nhóm tuổi, lớp học; tổ chức cho học sinh, phụ huynh cam kết không vi phạm luật giao thông, học sinh không đi xe hoặc phụ huynh không giao xe mô-tô, xe gắn máy cho học sinh đến trường.
Thầy Đinh Thái Thiện, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cho biết, ngay từ đầu năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo các trường sinh hoạt đến từng học sinh cũng như trao đổi với cha, mẹ học sinh những quy định về chấp hành an toàn giao thông khi từ nhà đến trường, từ trường về nhà, đặc biệt là không để học sinh chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối.
Tuy vậy, trong 02 tháng đầu năm học 2022 - 2023, ở một số địa bàn trong tỉnh vẫn còn những học sinh THCS sử dụng xe gắn máy dưới 50 phân khối kể cả xe máy điện; một số ít học sinh THPT sử dụng xe gắn máy trên 50 phân khối khi đi học, nhưng những học sinh này không đi xe vào trường mà gửi xe ở các nhà gần trường hoặc các hàng quán, các chỗ vui chơi để đi bộ đến trường, từ đó, gây khó khăn cho nhà trường. Đặc biệt, những ngày nghỉ, ngày Chủ nhật các em sử dụng xe gắn máy để đi chơi, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông trong quá trình lưu thông của các em.
Để nâng cao nhận thức của học sinh trong việc việc chấp hành nghiêm các quy định đảm bảo TTATGT, Cảnh sát giao thông Công an toàn tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với học sinh. Ngày 07/11/2022, qua hơn 01 giờ tham gia cùng Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an huyện Châu Thành chúng tôi ghi nhận, có đến 05 trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy, xe mô-tô đến trường.
Việc học sinh điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy đến trường tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn, va chạm giao thông. Thời gian tới, để bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông, thiết nghĩ, mỗi gia đình cần quan tâm, giáo dục các em nhiều hơn nữa, thường xuyên nhắc nhở các em chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.
Bài, ảnh: PHẠM HƠN
Sau gần 15 năm (2010 - 2024), triển khai thực hiện Chỉ thị số 590-CT/ĐUQSTW, ngày 04/10/2010 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong Quân đội (Chỉ thị số 590), cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, đảng viên, quân nhân trong toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Trà Vinh nhận thức tốt về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chế độ, nề nếp, chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng bảo đảm ổn định, tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và tổ chức, dân chủ ngày càng được mở rộng, kỷ luật, kỷ cương được giữ vững.