23/08/2020 07:59
Trong thời gian công tác, anh luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đặc biệt là công tác vận động, thuyết phục Nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn xã.
Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và ngành công an về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, anh Lập đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng Nhân dân với phương châm “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, qua đó góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc ngay ở địa bàn cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.
Đến xã Thạnh Phú, hỏi anh Lập, người dân ở đây ai cũng biết, anh Lập năng nổ, tích cực, làm việc đạt hiệu quả cao, có uy tín đối với Nhân dân trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Minh, một người dân ở Ấp 2 nói: “Chú Lập nói chuyện hay lắm, rất nhiệt tình, làm rất nhiều việc mang lại lợi ích cho người dân”…
Một trong những dấu ấn của anh Lập là vận động Nhân dân đóng góp xây cổng phòng, chống tội phạm. Khoảng 05 năm trước, xã Thạnh Phú thường xuyên xảy ra trộm cắp, nhất là trộm chó, trộm cắp vặt… nhiều hộ dân trong xã bức xúc, phản ánh với Công an xã. Trước tình hình đó, anh Lập đã tham mưu với Trưởng Công an xã Thạnh Phú về việc xây dựng cổng phòng, chống tội phạm tại các ngõ ra vào của các ấp. Khi họp dân lấy ý kiến, kế hoạch xây dựng cổng gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến kinh phí. Do đây là công trình tự quản của người dân nên người dân phải tự góp tiền, tự xây dựng. Chính vì vậy, một bộ phận người dân không đồng thuận vì nhiều lý do khác nhau như sợ tốn tiền, nhà không chăn nuôi nên không cần làm cổng...
Để có kinh phí xây dựng, anh Lập đã trực tiếp đến từng nhà để phân tích cho bà con hiểu về tác dụng, hiệu quả của các cổng phòng, chống tội phạm. Với những lời lẽ vận động, thuyết phục, trong vòng 15 ngày, các cổng phòng, chống tội phạm hoàn thành, với mỗi ấp có ít nhất 04 cổng, bên góc trái mỗi cổng bố trí 01 chiếc kẻng dùng để báo động khi phát hiện đối tượng trộm cắp. Anh Lập còn vận động người dân làm mõ tre báo động, mỗi nhà ít nhất một cái. Khi phát hiện trộm, bà con chỉ cần tri hô kết hợp gõ mõ thì dân biết là có trộm hỗ trợ nhau vây bắt, các nhà gần cổng nhất sẽ chạy ra đóng cổng. Anh Lập còn chu đáo lập danh sách số điện thoại của lực lượng công an xã, công an viên các ấp, chủ nhiệm các câu lạc bộ... gửi đến từng hộ gia đình, để khi cần thiết, mọi người liên hệ ngay.
Bên cạnh đó, kết hợp với công an viên của các ấp, chủ nhiệm các câu lạc bộ, anh Lập hướng dẫn người dân diễn tập ứng phó với những tình huống khi phát hiện đối tượng trộm cắp. Diễn tập ở đâu, bà con nơi đó hưởng ứng nhiệt tình, đến xem rất đông.
Những việc làm của anh Lập được khen ngợi và nhận được sự ủng hộ của Nhân dân trên địa bàn. Theo cô Trần Hồng Nga, người dân Ấp 2 nhận xét: “Từ ngày xây cổng phòng, chống tội phạm, tình trạng mất cắp không còn, dân ở đây yên tâm chăn nuôi, có đi đâu xa cũng đỡ lo hơn. Tụi tôi biết ơn mấy chú Công an xã lắm, nhất là chú Lập”.
Xã Thạnh Phú được thiên nhiên ưu đãi nhiều tôm, cá. Do vậy, bên cạnh nghề trồng lúa, làm vườn, chăn nuôi thì nhiều hộ dân nơi đây sinh sống bằng nghề đánh bắt tôm, cá. Cách đánh bắt của người dân rất phong phú; trong đó, việc dùng bình kích điện để bắt cá, tôm là việc làm trái pháp luật, mất cân bằng hệ sinh thái, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị điện giật, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
Năm 2019, qua công tác tuần tra, tổ công tác do anh Lập chỉ đạo và tham gia đã bắt quả tang 03 trường hợp dùng bình kích điện để bắt cá và xử phạt hành chính với số tiền là 12 triệu đồng, tịch thu toàn bộ tang vật. Sự việc tuy đã được giải quyết xong nhưng nó để lại trong anh niềm trăn trở lớn.
Anh chia sẻ “Bà con dùng bình kích điện bắt tôm, cá rất nguy hiểm. Cách đây vài năm trên địa bàn xã xảy ra một vụ bị bình kích điện giật, dẫn đến cái chết thương tâm cho một người. Bài học trước mắt vậy mà nhiều người vẫn không sợ, vẫn lén lút dùng bình kích điện bắt cá. Đây chỉ là 03 trong số rất nhiều trường hợp bị bắt quả tang và xử phạt”.
Xuất phát từ những trăn trở trên, thông qua các buổi họp dân, anh tuyên truyền cho người dân hiểu những tác hại, nguy hiểm của việc dùng bình kích điện để đánh bắt thủy, hải sản, phổ biến cho bà con biết mức xử phạt hành chính rất nặng nếu như vi phạm. Qua công tác nắm tình hình và nguồn tin do Nhân dân cung cấp, anh Lập biết rõ không ít hộ dân vẫn còn cất giấu bộ kích điện để lén lút sử dụng đánh bắt cá, tôm trái pháp luật.
Bằng sự linh hoạt, sự khéo của mình, anh Lập đến nhà những hộ dân ấy, vận động người dân giao nộp dụng cụ kích điện. Bằng những lời lẽ thuyết phục, có lý, có tình, tính từ năm 2019 đến tháng 3/2020 đã có 11 trường hợp tự nguyện đến trụ sở Công an xã Thạnh Phú giao nộp dụng cụ kích điện.
Anh Lập phụ trách Đề án của UBND xã Thạnh phú về “Tăng cường quản lý, giáo dục, cảm hóa, phòng ngừa thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật”. Để thực hiện Đề án có hiệu quả, anh Lập tiến hành rà soát các đối tượng trên địa bàn kết hợp với việc lập danh sách quản lý. Đối với các đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống, anh ân cần khuyên bảo, động viên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ xóa bỏ tâm lý mặc cảm, làm lại cuộc đời. Với những thanh, thiếu niên hay tụ tập đêm khuya, vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì anh nhắc nhở, lập biên bản và buộc viết cam kết không tái phạm.
Song song đó, anh Lập phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhà trường, gia đình đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho thanh, thiếu niên, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và mọi người trong quản lý, giáo dục con em… chính nhờ thực hiện tốt công tác vận động, trong 04 năm qua, xã Thạnh Phú có rất ít thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, góp phần ổn định tình hình ANTT trên địa bàn. 05 năm liền (2015 - 2020), xã Thạnh Phú được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT và là 01 trong 03 xã đầu tiên của huyện Cầu Kè đạt chuẩn xã NTM vào năm 2017.
Trao đổi với người dân địa phương, chúng tôi được biết từ việc vận động người dân hiến đất, hiến công làm đường, đóng góp kinh phí, cho đến việc trồng hoa, quét dọn đường, mắc thêm bóng đèn điện… đều do anh Lập “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để vận động Nhân dân cùng thực hiện.
Người dân xã Thạnh Phú cho rằng, anh Lập là một cán bộ gương mẫu, là tấm gương điển hình “Dân vận khéo”. Mong rằng những tấm gương điển hình như anh Lập sẽ tiếp tục được nhân rộng trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” của ngành công an, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn cơ sở.
LÊ HÙNG
Sáng ngày 22/11, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 - Quân khu 9 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật năm 2024.