24/12/2021 07:20
Học viên C trò chuyện với nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh.
Đối tượng liên quan đến ma túy, đặc biệt là tình trạng sử dụng trái phép các chất ma túy ngày càng có xu hướng trẻ hóa, đa số ở lứa tuổi thanh, thiếu niên và cả học sinh, sinh viên. Phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi của đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi, lợi dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để trao đổi, mua bán ma túy, gây khó khăn công tác phát hiện, điều tra, xử lý.
Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 58/106 xã, phường, thị trấn có ma túy, có 1.263 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, nhiều hơn 274 người so với cùng kỳ năm 2020. Cơ quan công an đã điều tra bắt 104 vụ, 138 đối tượng mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; triệt xóa 36 điểm, với 160 đối tượng dương tính với ma túy, phần đông tập trung tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phổ biến ở các cơ sở cho thuê lưu trú… Các chất ma túy được các đối tượng đưa vào địa bàn tỉnh chủ yếu là heroin, ma túy tổng hợp và ma túy đá. Phối hợp kiểm tra, lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn 166 người nghiện ma túy; hướng dẫn, lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc 133 người, xử lý vi phạm hành chính 776 đối tượng; vận động cai nghiện 11 người, xử lý hành chính 65 đối tượng.
Ngày 27/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trà Cú cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam Sơn Hoài Phong (20 tuổi, ngụ Khóm 7, thị trấn Định An, huyện Trà Cú) về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Theo thông tin do quần chúng Nhân dân cung cấp, Phong là đối tượng thường xuyên sử dụng trái phép ma túy tại nhà. Qua kiểm tra, cơ quan công an phát hiện Phong có cất giấu 05 đoạn ống nhựa bên trong có chứa ma túy đá được cất giấu trong gói thuốc hiệu JET. Tại cơ quan công an, Phong thừa nhận 05 ống nhựa nêu trên là ma túy đá mua về để sử dụng (kết quả giám định 0,4572gram). Được biết, Phong là đối tượng nghiện được đưa đi cai nghiện bắt buộc vừa về địa phương chưa được 02 tháng thì tái nghiện.
Trường hợp của Nguyễn Văn C (30 tuổi, ngụ huyện Châu Thành). Qua trao đổi với phóng viên, C cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mới đi làm thuê tại Thành phố Hồ Chí Minh, do sự hiếu kỳ của thanh niên mới lớn nên C đã thử ma túy và nghiện lúc nào không hay. Đến năm 2018, C được đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh với thời gian 14 tháng. Sau khi trở về địa phương, C tiếp tục tái nghiện và quay lại cơ sở cai nghiện từ tháng 5/2020 theo quyết định của Tòa án. Qua hơn 06 tháng điều trị tại cơ sở cai nghiện, C đã khỏe và cho biết, đợt này quyết tâm cai nghiện, về chí thú làm ăn để trở thành công dân tốt.
Ông Phan Văn Bé Tám, Giám đốc Cơ sở cai nghiện tỉnh Trà Vinh cho biết, về việc quản lý sau cai nghiện được thực hiện theo Nghị định số 94/2009/NĐ-CP, ngày 26/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy. Theo đó, người sau cai nghiện tại nơi cư trú có trách nhiệm xây dựng kế hoạch rèn luyện sau cai nghiện theo hướng dẫn của cá nhân, tổ chức được phân công giúp đỡ; cam kết thực hiện các quy định về quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú và nghiêm túc thực hiện cam kết đó; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, quy ước của địa phương; được xem xét hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm theo khả năng, điều kiện cụ thể của UBND cấp xã.
Bên cạnh, để góp phần nâng cao kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy, trong năm 2021, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy công an toàn tỉnh phối hợp công an cơ sở, các ban, ngành tuyên truyền phòng, chống ma túy trong Nhân dân và trong trường học 56 cuộc, có trên 6.000 lượt người dự, phát gần 4.000 tờ rơi các loại; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh xây dựng 08 chuyên đề; 20 phóng sự, 128 đĩa tuyên truyền; 132 tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát 2.000 thư ngỏ tuyên truyền phòng, chống ma túy gửi đến các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhà hàng, karaoke và các cơ sở cho thuê lưu trú… Phối hợp công an cấp huyện thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng các mô hình quần chúng tự quản về an ninh, trật tự ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 13 mô hình, với 971 câu lạc bộ, nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, như: “Địa bàn không ma túy”; “Không ma túy, không bạo lực học đường, chấp hành tốt luật giao thông”…
Trong năm 2021, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã hướng dẫn lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc 113 người, có 106 học viên chấp hành xong cai nghiện trở về địa phương (trong đó, có 82 học viên cai nghiện bắt buộc và 24 học viên cai nghiện tự nguyện). Tuy nhiên, hiện nay số đối tượng cai nghiện về có tỷ lệ tái nghiện còn cao, chiếm trên 50% tổng số đối tượng cai nghiện trở về địa phương, đây là con số đáng quan tâm. Thời gian tới, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy công an toàn tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường đấu tranh mạnh với các loại phạm và tệ nạn về ma túy, nắm chắc số lượng người nghiện, có tiền sử sử dụng trái phép chất ma túy để phối hợp với gia đình quản lý chặt hoạt động của những đối tượng này; phối hợp với công an xã, phường, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, kiểm tra hành chính các cơ sở kinh doanh lưu trú để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng tụ tập tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh; chủ động phòng ngừa đấu tranh mạnh với các đối tượng thực hiện hành vi vận chuyển các chất ma túy mới xâm nhập vào địa bàn tỉnh, nhất là các loại thực phẩm có chứa chất ma túy đã được phương tiện truyền thông cảnh báo.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và phối hợp quản lý người nghiện ma túy sau khi cai nghiện trở về địa phương, Thượng tá Ngô Văn Bảnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh cho biết, người nghiện và sau cai nghiện cần nâng cao nhận thức hiểu biết về ma túy và có quyết tâm từ bỏ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy cần có biện pháp quản lý chặt chẽ số học viên cai nghiện tại cơ sở, có biện pháp đào tạo nghề thích hợp để người sau cai nghiện trở về địa phương có thể sớm tái hòa nhập cộng đồng; gia đình cần có sự quan tâm gần gũi, động viên họ từ bỏ ma túy, tránh trường hợp xa lánh, kỳ thị, quan tâm đến các mối quan hệ xã hội, hạn chế để người sau cai nghiện tụ tập tiếp xúc với bạn bè xấu, người nghiện ma túy, từ đó bị lôi kéo tiếp tục có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần có sự quan tâm hỗ trợ, tạo cơ hội việc làm cho người sau cai nghiện để họ tập trung lao động, sản xuất, hạn chế sự lôi kéo trở lại của con đường nghiện ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy.
Bài, ảnh: PHẠM HƠN
Sau gần 15 năm (2010 - 2024), triển khai thực hiện Chỉ thị số 590-CT/ĐUQSTW, ngày 04/10/2010 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong Quân đội (Chỉ thị số 590), cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, đảng viên, quân nhân trong toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Trà Vinh nhận thức tốt về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chế độ, nề nếp, chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng bảo đảm ổn định, tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và tổ chức, dân chủ ngày càng được mở rộng, kỷ luật, kỷ cương được giữ vững.