08/05/2023 18:58
Để tăng cường trách nhiệm, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong trao đổi thông tin phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC, ngày 31/3/2023 quy định về phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố. Thông tư liên tịch có hiệu lực từ ngày 25/5/2023.
Theo đó, phạm vi phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố được quy định như sau:
(1) Trong giai đoạn điều tra: thẩm quyền điều tra vụ án hình sự (đối với những vụ án có tranh chấp về thẩm quyền); nhập, tách vụ án hình sự; những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự; việc chứng minh dòng tiền; vật chứng; giám định, định giá tài sản; việc áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn; tương trợ tư pháp về hình sự; đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can; tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can; kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm giữ đồ vật, tài liệu; việc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng và những thông tin khác trong giai đoạn điều tra mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết trao đổi.
(2) Trong giai đoạn truy tố: nhập, tách vụ án hình sự trong giai đoạn truy tố; quyết định chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền; quyết định truy tố; quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung; đình chỉ vụ án hình sự, đình chỉ bị can; tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can; phục hồi vụ án và những thông tin khác mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết trao đổi.
(3) Trong giai đoạn xét xử: chuyển vụ án trong xét xử, bàn giao tài liệu, hồ sơ vụ án; đưa vụ án ra xét xử; xây dựng kế hoạch xét xử và phối hợp trao đổi trong việc tổ chức bảo vệ phiên tòa và những thông tin khác trong giai đoạn xét xử mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết trao đổi.
Thông tư liên tịch quy định những hành vi bị nghiêm cấm, gồm: (1) Thu thập, tiết lộ trái phép thông tin về tình hình, kết quả điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố hoặc lợi dụng để thu thập, cung cấp trái phép thông tin cá nhân, thông tin khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố. (2) Sử dụng thông tin cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc thông tin khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố vào mục đích cá nhân hoặc các mục đích khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố.
Thông tư liên tịch cũng quy định cụ thể thông tin bí mật, bí mật công tác, thông tin công khai trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố. Theo đó, thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác là những thông tin liên quan đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật công tác. Thông tin công khai là những thông tin liên quan đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật công tác.
Ngoài ra, từ Điều 9 đến Điều 11 thông tư liên tịch quy định cụ thể về phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra, truy tố tội phạm nguồn của tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố; lập, gửi, nhận hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự; tiến hành các hoạt động tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản. Trong đó, quy định, trước khi tiến hành các biện pháp kê biên tài sản của bị can phạm tội rửa tiền, tội tài trợ khủng bố hoặc phong tỏa tài khoản của người bị buộc tội rửa tiền, tội tài trợ khủng bố, điều tra viên chủ động trao đổi thông tin, phối hợp với kiểm sát viên thụ lý đánh giá về căn cứ, thiệt hại do hành vi phạm tội rửa tiền, tài trợ khủng bố gây ra, tài sản cần thu hồi, số lượng tài sản kê biên của bị can, số tiền cần phong tỏa trong tài khoản của người bị buộc tội.
Việc tạm giữ, kê biên tài sản của bị can phạm tội rửa tiền, tội tài trợ khủng bố hoặc phong tỏa tài khoản của người bị buộc tội rửa tiền và tài trợ khủng bố phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; ngay sau khi thực hiện biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, cơ quan điều tra thông báo cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp biết...
Về đầu mối phối hợp được quy định cụ thể: Cục An ninh điều tra Bộ Công an, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Vụ Giám đốc kiểm tra I - Tòa án nhân dân tối cao là những đơn vị đầu mối giúp lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức thực hiện thông tư liên tịch này.
Phòng An ninh điều tra Công an cấp tỉnh, Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh - Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Tòa án nhân dân cấp tỉnh là những đơn vị đầu mối giúp lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh tổ chức thực hiện thông tư liên tịch này. Đơn vị đầu mối có trách nhiệm tham mưu với lãnh đạo các ngành theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thông tư liên tịch.
PHẠM HƠN
Sáng ngày 22/11, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 - Quân khu 9 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật năm 2024.