05/05/2022 16:10
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Trà Vinh kiểm tra cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử “game bắn cá” trên địa bàn huyện Châu Thành.
Thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp công tác để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến trò chơi điện tử “game bắn cá”, nhất là vấn đề lợi dụng trò chơi này để tổ chức đánh bạc trá hình. Từ đó, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến trò chơi điện tử “game bắn cá” cơ bản được kéo giảm đáng kể.
Theo báo cáo, từ năm 2021 đến nay, công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra 1.233 lượt điểm với 2.309 lượt máy game bắn cá; qua đó đã phát hiện, lập biên bản xử phạt 15 trường hợp với số tiền hơn 233 triệu đồng. Riêng công tác đấu tranh với các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc thông qua hình thức trò chơi điện tử “game bắn cá”, lực lượng chức năng đã phát hiện 10 vụ, với 47 đối tượng tham gia; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 136 triệu đồng, cho cam kết, giáo dục 18 đối tượng.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến tháng 4/2022, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh còn 72 điểm, 141 máy trò chơi điện tử “game bắn cá” và các máy game tương tự, trong đó có 61 điểm, 125 máy còn hoạt động, số còn lại ngưng hoạt động. Đáng phát huy là với sự tinh thần trách nhiệm, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác, đấu tranh mạnh với loại hình này, trên địa bàn các huyện Càng Long, Cầu Kè và Duyên Hải không còn điểm và máy trò chơi điện tử “game bắn cá”.
Có thể thấy rằng “game bắn cá” là loại hình trò chơi điện tử dễ chơi, có điểm thưởng, mang tính giải trí nên thu hút rất nhiều người tham gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít chủ cơ sở đặt máy bắn cá đã biến tướng thành hình thức đánh bạc ăn thua bằng tiền núp bóng trò chơi điện tử, gây mất an ninh, trật tự ở địa phương.
Qua khảo sát, đánh giá thì người quản lý và chủ cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử này sử dụng nhiều thủ đoạn khá tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng và lấy tiền từ người tham gia trò chơi điện tử “game bắn cá”, cụ thể như: treo các bảng thông báo quy định “không quy đổi ra tiền”, “trò chơi giải trí, không khuyến mãi”..., điều chỉnh tỷ lệ thắng, thua của máy game theo ý muốn của người quản lý, chủ cơ sở, ban đầu đa phần các cơ sở kinh doanh game đều chỉnh máy cho người chơi thắng, nhưng rất ít, đến các lượt chơi tỷ lệ thắng, thua nhiều, chủ máy hoặc người quản lý sẽ điều chỉnh máy game cho người chơi thua.
Về cách thức tham gia trò chơi điện tử “game bắn cá”, theo ghi nhận của phóng viên thì người chơi sẽ bỏ tiền mua điểm (20.000 đồng tương đương 1.000 điểm, hoặc tùy theo giao kèo, thỏa thuận của chủ máy với người chơi), rồi dùng số điểm này nạp “đạn” bắn cá. Theo cài đặt điểm số trò chơi, người chơi bắn trúng cá nhỏ thì số điểm cộng ít, còn nếu bắn được cá lớn thì số điểm cộng cao, có thể gấp 10 lần cá nhỏ…. tuy nhiên, để bắn và thắng lớn, người chơi phải bắn thật nhiều “đạn” thì mới có thể bắn được cá lớn, vì vậy người chơi phải tốn rất nhiều “đạn”, nghĩa là phải dùng nhiều tiền thật để “mua đạn”. Nếu khách bắn được nhiều cá thì điểm số tăng lên và đến lúc kết thúc sẽ quy đổi điểm thành tiền...
Thông qua công tác điều tra, xử lý các vụ phạm pháp hình sự thì nhiều đối tượng phạm tội có liên quan đến loại hình trò chơi điện tử “game bắn cá”. Đáng nói là các đối tượng phạm tội đều nhận thức được khi chơi “game bắn cá” không thắng được máy và thua với số tiền hàng chục triệu đồng nhưng họ vẫn chơi.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý, ngày 04/4/2022, Phòng Cảnh sát hình sự tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh ban hành kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh đối tượng kinh doanh, tham gia trò chơi điện tử “game bắn cá” vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lực lượng Công an tỉnh chủ động phối hợp với các ngành chức năng tập trung thực hiện một số nội dung như, tăng cường tổ chức kiểm tra 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử; mời, giáo dục trên 90% các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật thường xuyên tham gia trò chơi điện tử “game bắn cá”, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, kinh doanh trò chơi điện tử, các hành vi vi phạm, chế tài xử lý vi phạm, các thủ đoạn điều chỉnh tỷ lệ thắng, thua của chủ máy, người quản lý, triển khai các biện pháp công tác công an, chủ động triệt xóa các điểm kinh doanh loại hình này có dấu hiệu cờ bạc trá hình, tập trung phấn đấu kéo giảm ít nhất 20% số điểm kinh doanh trò chơi điện tử “game bắn cá”…
Ngày 21/4/2022, tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Trà Vinh tiến hành kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử “game bắn cá” trên địa bàn thành phố Trà Vinh và huyện Châu Thành, phóng viên ghi nhận lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 05 cơ sở vi phạm với các lỗi như: không xuất trình biên bản thẩm định và dán tem máy “game bắn cá”, không hồ sơ nộp thuế môn bài, không xuất hóa đơn bán hàng hằng ngày, không xuất trình được giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh, không xuất trình được hóa đơn về nguồn gốc, xuất xứ máy game; không có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19… Qua đây cho thấy, thực trạng vi phạm pháp luật liên quan đến loại trò chơi này vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Để góp phần phòng ngừa các vi phạm pháp luật liên quan đến “game bắn cá” và đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng có hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc thông qua hình thức trò chơi điện tử “game bắn cá” trong thời gian tới, Công an tỉnh Trà Vinh đề nghị mọi người dân cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tổ chức, tham gia trò chơi điện tử “game bắn cá” có ăn thua bằng tiền, mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; người dân mạnh dạn tố giác khi phát hiện có dấu hiệu cờ bạc bằng loại hình này, phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an tổ chức triệt xóa, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương.
Bài, ảnh: HỒ GIANG
Chiều 25/11, tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.