05/06/2023 15:12
CSGT Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.
Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra vẫn còn ở mức cao; trật tự, kỷ cương, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét, một bộ phận người tham gia giao thông còn chủ quan, xem thường pháp luật, điều khiển xe có sử dụng rượu, bia, ma túy, phóng nhanh, vượt ẩu, gây rối trật tự công cộng, tụ tập chạy xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, chống người thi hành công vụ... Từ đó, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo đảm TTATGT, đòi hỏi phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm TTATGT và ý thức tự giác của người dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Xuất phát từ tình hình trên, ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới. Chỉ thị đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh quan điểm cần phải đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng.
Mục tiêu đối với công tác bảo đảm TTATGT là thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong Nhân dân; giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Giám đốc Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04 và tập trung chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể đối với công an các đơn vị, địa phương và yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT.
Theo kế hoạch, CSGT phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng; chú trọng ứng dụng hiệu quả mạng xã hội trong công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các các cấp, các ngành và Nhân dân.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT công an toàn tỉnh tập trung tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như sử dụng rượu, bia, ma túy điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ, chở quá khổ, quá tải, quá số người quy định, đua xe trái phép, chạy xe lạng lách, đánh võng... Trong đó, tiếp tục xử lý quyết liệt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “cơi nới” thành, thùng xe. Quá trình xử lý vi phạm phải thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, cấm can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm về giao thông của cơ quan chức năng, không được bỏ qua lỗi trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Tất cả cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. |
Trung tá Nguyễn Văn Cường, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Chỉ thị số 04 của Chủ tịch UBND tỉnh và Kế hoạch của Công an tỉnh về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, lực lượng CSGT luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng quy trình tuần tra, kiểm soát, khi tiếp xúc với Nhân dân luôn giữ đúng lễ tiết, tác phong của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân;
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng CSGT chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm pháp luật, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là hành vi đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ quy định...
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ khi triển khai thực hiện kế hoạch, các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông được phát hiện, xử lý nhiều hơn, ý thức chấp hành pháp luật của người dân có sự chuyển biến rõ nét, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh được bảo đảm ổn định, người dân đồng tình, ủng hộ với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Đại Đức, ngụ Khóm 4, Phường 5, thành phố Trà Vinh cho biết, việc CSGT kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nói chung và vi phạm về nồng độ cồn nói riêng là cần thiết, góp phần hạn chế tai nạn cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Thời gian tới, ông mong muốn lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng như ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT.
Đêm 10/5, Tổ công tác phối hợp của Phòng CSGT Công an tỉnh và CSGT Công an huyện Tiểu Cần dừng kiểm soát một điểm trên Quốc lộ 60, thuộc ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần. Qua 02 giờ thực hiện nhiệm vụ, Tổ công tác phát hiện 05 trường hợp người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia. Điều đáng nói, có 02 trường hợp người vi phạm không đồng tình việc CSGT tạm giữ phương tiện theo quy định, vì cho rằng có sử dụng rượu, bia nhưng không nhiều, vẫn có thể tự điều khiển phương tiện. CSGT đã nhiều lần giải thích việc đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện là rất nguy hiểm, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Việc tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT thể hiện sự quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân. Mong rằng người tham gia giao thông cần nâng cao hơn nữa ý thức tự giác chấp hành pháp luật, thay đổi nhận thức, hình thành thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe”; chung sức, đồng lòng cùng lực lượng chức năng xây dựng môi trường giao thông văn hóa, có trật tự, kỷ cương, hãy nhớ “an toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi nhà”.
Bài, ảnh: ĐẠT NHÂN
Sáng ngày 22/11, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 - Quân khu 9 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật năm 2024.