31/03/2022 08:24
Cảnh sát đường thủy tuyên truyền pháp luật cho các chủ phương tiện.
Nghị định số 139 có 05 chương và 59 điều quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; các hành vi vi phạm về hoạt động của phương tiện thủy nội địa ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải, bao gồm: vi phạm của phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thủy nội địa và tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa. Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến giao thông đường thủy nội địa không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng các quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác có liên quan.
Việc ban hành Nghị định số 139 là cần thiết, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, đưa các nguyên tắc, thẩm quyền, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, hình thức phạt bổ sung cụ thể, phù hợp với thực tế công tác thực thi pháp luật của lực lượng chức năng. Qua thời gian hơn 02 tháng tổ chức triển khai thực hiện, lực lượng cảnh sát đường thủy đã tổ chức trên 350 ca tuần tra, kiểm soát, qua đó phát hiện trên 130 trường hợp vi phạm, xử phạt với số tiền gần 150 triệu đồng với các lỗi chủ yếu liên quan đến chở quá vạch mớn nước an toàn; không trang bị đầy đủ danh bạ thuyền viên, không chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm… thực trạng trên phản ánh ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa thật sự nghiêm túc.
Trung tá Võ Hoàng Tuấn, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát đường thủy đã chủ động nắm chặt tình hình luồng, tuyến, công trình, bến bãi của các loại phương tiện thủy, xác định được các tuyến, địa bàn, khu vực phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông để kịp thời tập trung, tăng cường lực lượng, phương tiện vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn giáo dục về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức, giúp người tham gia giao thông đường thủy nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành các quy định theo Nghị định số 139. Nghị định số 139 quy định chi tiết các hành vi vi phạm theo các nhóm đối tượng và mức xử phạt được điều chỉnh tăng lên rất cao so với Nghị định số 132, thể hiện được tính thượng tôn pháp luật, tính răn đe các đối tượng tham gia giao thông nhằm góp phần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
Để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông trên đường thủy, lực lượng cảnh sát đường thủy tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tại các cảng, bến thủy nội địa, bến đò ngang và tập trung tuyên truyền đến chủ phương tiện, người vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan, hậu quả tai nạn, các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông đường thủy nội địa; yêu cầu các chủ bến, người điều khiển phương tiện đăng ký phương tiện theo đúng quy định, không sử dụng, lưu hành phương tiện không đảm bảo an toàn, phải trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, không chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá số người quy định; hàng hóa sắp xếp gọn gàng, không cản trở lối đi, làm nghiêng lệch phương tiện, chú ý quan sát khi qua sông, trước khi cho phương tiện hoạt động, các chủ phương tiện phải thường xuyên nhắc nhở, vận động người đi trên phương tiện thủy mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi, ngồi đúng vị trí quy định…
Ông Huỳnh Quốc Thanh ngụ Phường 4, thành phố Trà Vinh cho biết: ông là thuyền trưởng, phương tiện của ông chở tro từ Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải đến Long Hậu, thuộc Khu Công nghiệp Long An, khi cho phương tiện vận chuyển, trên phương tiện phải chuẩn bị phao cứu sinh, cứu hỏa theo đúng quy định của Nhà nước. Trên đường đi, cảnh sát giao thông có kiểm tra thì xuất trình đầy đủ giấy tờ; các loại trang bị như phao bè, phao tròn, phao áo, khi gặp sự cố như thế nào tùy theo trường hợp thì mình sử dụng.
Nghị định số 139 quy định cụ thể đối với một số mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa như sau:
Phạt tiền đến 01 triệu đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định, mức phạt tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.
Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng đối với hành vi: không có biển hiệu theo quy định, áp dụng đối với phương tiện chở khách du lịch; không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định; sử dụng giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị tẩy, xóa, sửa chữa hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định; không đăng ký lại phương tiện theo quy định hoặc không khai báo để xóa tên phương tiện hoặc khai báo không đúng sự thật để đăng ký phương tiện theo quy định.
Phạt tiền từ 05 - 07 triệu đồng đối với hành vi không có phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; không có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy hoặc không có phương án chữa cháy theo quy định.
Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với các vi phạm về trách nhiệm của chủ phương tiện, người thuê phương tiện. Chủ phương tiện nhận, sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện hoạt động hoặc không đủ định biên theo quy định; nhận, sử dụng thuyền viên làm việc trên phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định
Phạt tiền từ 20 - 35 triệu đồng đối với hành vi vi phạm: cho thuê phương tiện không đủ điều kiện hoạt động theo quy định; cho người khác thuê lại phương tiện, thuyền viên trên phương tiện thuê (trừ trường hợp được chủ phương tiện đồng ý bằng văn bản); sử dụng phương tiện thuê làm tài sản thế chấp. Nghị định quy định thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị phạt tới 35 triệu đồng…
Trung tá Nguyễn Văn Nghiệm, Trưởng trạm Cảnh sát đường thủy Định An, huyện Trà Cú cho biết: trong thời gian triển khai thực hiện Nghị định số 139, chúng tôi xây dựng kế hoạch tuyên truyền để người dân nắm được những điểm mới và hành vi vi phạm với mức phạt rất là cao, trước đây người dân cũng còn chủ quan, lơ là trong việc nắm bắt nội dung chính của Nghị định này, do đó thời gian đầu chúng tôi tuyên truyền và hướng dẫn để người dân chấp hành tốt.
Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn đường thủy xảy ra, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của người dân, thời gian tới, để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, chúng tôi đề nghị các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy nội địa cần tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định trong Nghị định số 139 như phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm, không được chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, không được chở quá số người quy định, phải trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, dụng cụ nổi khi tham gia giao thông đường thủy nội địa.
Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong thời gian tới, đề nghị các chủ phương tiện và hành khách cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trên lĩnh vực đường thủy nội địa. Các phương tiện hoạt động phải có đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, trang bị đầy đủ phao cứu sinh, cứu đắm khi đi lại trên tàu; chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, tuyệt đối không được chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá số người cho phép; mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và người đi trên phương tiện khi lưu thông trên đường thủy nội địa.
Bài, ảnh: PHẠM HƠN
Chiều 25/11, tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.