17/08/2020 10:05
Đại tá Huỳnh Văn Thình trao quyết định tặng nhà đồng đội cho Trung úy Thạch Tranh Nặng, cán bộ Phòng An ninh đối nội.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Mỹ Long (nay là xã Mỹ Long Bắc), huyện Cầu Ngang, sự giản dị, điềm đạm và nhân hậu đã gắn liền với tính cách của Đại tá Huỳnh Văn Thình ngay từ khi còn là trinh sát an ninh cho đến khi trở thành lãnh đạo Công an tỉnh. Điều đó thể hiện rõ từ cuộc sống đời thường cho đến cách xử lý trong công việc. Theo cách gọi thân mật của người miền Nam cùng với sự gần gũi vốn có, nhiều đồng nghiệp thường gọi Đại tá Huỳnh Văn Thình là anh Tám, đối với thế hệ trẻ như chúng tôi thì gọi là chú Tám.
Được đào tạo bài bản ở môi trường chính quy về lĩnh vực an ninh, trải qua nhiều kinh nghiệm trong thực tế, hơn ai hết, chú Tám hiểu rõ những khó khăn của các trinh sát trẻ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Với chú, không đặt áp lực cho cán bộ cấp dưới, nếu có sai, chú sẽ xem xét lý do rồi hướng dẫn, chỉ bảo cụ thể, nhẹ nhàng nhưng luôn đòi hỏi cán bộ phải hết lòng với công việc, không được tự mãn với bản thân, mà phải biết tự nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để phục vụ tốt cho công tác. Là một trong hai thạc sĩ đầu tiên của Công an tỉnh, chú Tám là một tấm gương tự học, tự bồi dưỡng kiến thức cho mình, không chỉ nắm vững công tác nghiệp vụ ở nhiều lĩnh vực an ninh chính trị, các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực phụ trách, chú còn nghiên cứu để nắm được những kiến thức cơ bản về các lĩnh vực phối hợp với Công an tỉnh. Trừ trường hợp đi công tác ngoài tỉnh hoặc ở các huyện cách xa trung tâm thành phố thì chú mới sử dụng xe ô-tô theo chế độ, còn lại đều thấy chú giản dị với áo sơ mi, quần tây trên chiếc xe gắn máy của riêng mình đi công tác. Chính sự gần gũi ấy đã tạo thiện cảm với các ngành trong quá trình giao tiếp, phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Theo Đại tá Lê Văn Việt, Trưởng Phòng An ninh đối nội, điều đáng quý nhất ở Đại tá Huỳnh Văn Thình là ở phong cách sống giản dị, đối nhân xử thế rất chân tình, không kể đó là đồng nghiệp, cấp dưới trong ngành hay ngoài ngành, không bao giờ “quan cách” trong giao tiếp, ứng xử. Nhờ vậy, đồng chí Tám Thình vận động người có uy tín rất hiệu quả. Hầu hết người có uy tín trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo của lực lượng an ninh Công an tỉnh đều do đồng chí vận động. Từ đó, đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho cấp dưới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. “Đi đâu mà nghe lính Tám Thình là người ta hết lòng giúp đỡ” - Đại tá Lê Văn Việt hào hứng cho biết thêm.
Đại tá Huỳnh Văn Thình, Phó Giám đốc Công an tỉnh (người ngồi phía trong bên phải) trong một dịp tiếp xúc với người có uy tín.
Chính vì có kiến thức sâu, rộng trong nhiều lĩnh vực, chỉ đạo sâu sát, có dẫn giải cụ thể, rõ ràng. Hơn hết, chú Tám luôn lắng nghe ý kiến của cấp dưới, lắng nghe để chú biết được cán bộ còn thiếu điểm gì rồi có hướng chỉ đạo thuận lợi trong từng điều kiện, hoàn cảnh phù hợp. Từ đó, đã “gỡ” được nhiều khó khăn cho trinh sát, giải quyết ổn định được nhiều tình huống, không để vướng vào trường hợp phức tạp. Chính vì vậy, đồng đội của chú Tám từ lâu năm đến những cán bộ mới phục vụ cho chú vài năm, đều có cùng một nhận xét đó là sự thuyết phục lòng người, hiếm khi thấy chú dùng mệnh lệnh và cũng chưa thấy chú “lớn tiếng” với ai bao giờ nhưng người nghe đều thấy “tâm phục, khẩu phục”, nghiêm chỉnh chấp hành với thái độ rất hài lòng. Với chú Tám, luôn đặt công việc lên hàng đầu, hễ có việc là chú xử lý ngay, không kể ngày, đêm, ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ, Tết; lãnh đạo phòng hay cán bộ trinh sát cần báo cáo thì chú luôn sẵn lòng lắng nghe và cho ý kiến kịp thời. Thượng tá Trần Văn Mười Một, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh nhớ lại, thời còn là trinh sát an ninh công tác ở xa, khi có việc đột xuất, 02 giờ sáng, anh bấm máy gọi thì chú Tám nghe máy ngay và chỉ đạo giải quyết tình huống một cách hiệu quả.
Dày dặn kinh nghiệm thực tế và trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo là vậy nhưng chú Tám vẫn thường xuyên đi cơ sở nắm tình hình thực tế để có những chỉ đạo sát hợp, chắc chắn và chặt chẽ. Vì vậy, khi dự chỉ đạo ở các hội nghị, hầu như chú Tám đều đề cập thẳng từ thực tiễn, “thoát ly” văn bản do bộ phận tham mưu chuẩn bị, chỉ thẳng vào vấn đề cụ thể, không dài dòng, làm sao để cho cấp dưới dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Trong những lần được dự thính các cuộc họp do chú Tám chỉ đạo, tôi rất ấn tượng với phong cách gần gũi của chú, trước khi phát biểu chỉ đạo chú đều nói vài câu nói vui, tạo tâm lý thoải mái để hội nghị bớt căng thẳng rồi mới chỉ đạo vào vấn đề chính nhưng những câu nói vui như thế không phải chỉ để nghe cho vui tai mà đều có ẩn ý sâu sắc để cán bộ cấp dưới, đặc biệt là bộ phận tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và làm tốt hơn trong thời gian tới.
Tấm chân tình của chú Tám còn thể hiện ở việc chú quan tâm đến cấp dưới; đến cơ quan nào có chốt công an trực bảo vệ, chú đều ghé vào hỏi thăm việc ăn uống thế nào, chốt trực có được lắp quạt cho mát không. Dù bận rộn rất nhiều việc nhưng chú đều dành thời gian đến nhà để chia sẻ với cán bộ cấp dưới khi có việc “hiếu, hỷ”. Một đồng chí thiếu úy xúc động kể lại rằng khi gia đình có hữu sự, sáng sớm đã thấy chú Tám đến nhà ngồi uống nước trà trò chuyện với gia đình. Biết được hoàn cảnh cán bộ nào khó khăn về nhà ở hay vợ chồng làm việc trong điều kiện xa xôi, cách trở, chú Tám đều tìm cách giúp đỡ để cán bộ an tâm công tác. Khi xử lý công việc cũng vậy, chú luôn tìm nguồn gốc của vấn đề giải quyết hợp tình, hợp lý.
An ninh chính trị là mặt trận thầm lặng, người thủ lĩnh trên mặt trận ấy cũng từng ngày lặng lẽ cùng đồng đội bám sát cơ sở, nắm chặt tình hình “trong, ngoài” để kịp thời giải quyết ổn định các tình huống, không để xảy ra trường hợp phức tạp trên địa bàn. Chỉ tính trong 05 năm qua, Đại tá Huỳnh Văn Thình đã chỉ đạo ban hành trên 2.000 văn bản giải quyết công việc liên quan đến lĩnh vực an ninh chính trị. Trong đó, đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến an ninh, trật tự như Nghị quyết thực hiện Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, kế hoạch thực hiện Chiến lược an ninh mạng, kế hoạch của Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh về tăng cường công tác tuyên truyền về nhân quyền tại các địa phương, Đề án bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia - hệ thống tải điện 500kV trên địa bàn tỉnh, phê duyệt phương án phối hợp lực lượng phòng, chống lợi dụng đình công, biểu tình gây mất an ninh, trật tự tại các dự án, công ty có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Đó chỉ là một vài điển hình trong rất nhiều công việc thầm lặng mà Đại tá Huỳnh Văn Thình để lại dấu ấn trong lĩnh vực an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh nhà nhưng chưa bao giờ chú Tám nhận về là thành tích của riêng mình mà khẳng định đó là thành tích chung của tập thể. Bao giờ chú cũng ưu tiên xét khen thưởng cho những cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, trừ trường hợp là “cơ cấu cứng”. Mới đây, Đại tá Huỳnh Văn Thình vừa được Bộ trưởng Bộ Công an tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân.
Bài, ảnh: MỘNG TUYỀN
Sáng ngày 22/11, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 - Quân khu 9 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật năm 2024.