05/12/2020 07:07
|
|
Phóng viên: Thưa Thượng tá, hiện nay tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại tỉnh Trà Vinh như thế nào?
Thượng tá Dương Văn Bỉnh
Với xu hướng chung của cả nước cũng như các tỉnh trong khu vực thì tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến khá phức tạp, nhất là tội phạm tàng trữ, mua, bán trái phép chất ma túy ngày càng nhiều. Trong những tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện bắt giữ 74 vụ, 115 đối tượng phạm tội về ma túy, nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2019 là 35 vụ, 37 đối tượng. Tuy nhiên, đối tượng phạm tội về ma túy thời gian qua cũng chỉ là các vụ tàng trữ, mua bán nhỏ lẻ, chưa phát hiện các vụ tàng trữ, mua bán với số lượng lớn. Người nghiện, người sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng theo từng năm. Hiện tại, có 1.028 người sử dụng, phát hiện mới là 186 người so với năm 2019, trong đó có 262 người nghiện được lực lượng chức năng quản lý, giúp đỡ thường xuyên. Đối tượng sử dụng ma túy phần lớn tập trung từ 18 - 30 tuổi, chiếm trên 70%.
Phóng viên: Đâu là nguyên nhân dẫn đến tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng phức tạp, thưa Thượng tá?
Thượng tá Dương Văn Bỉnh
Mặc dù lực lượng chức năng chuyên trách phòng, chống ma túy trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, nhiều kế hoạch về phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm và tệ nạn này nhưng do ma túy rất dễ nghiện và khó bỏ, công tác cai nghiện thành công ít, loại tệ nạn này rất dễ lây lan và lây lan nhanh trong mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là giới trẻ dễ sa ngã vào con đường sử dụng ma túy. Theo tôi, do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do nhận thức chưa đúng về tác hại của ma túy, nhất là giới trẻ, đặc biệt là những người sống lang thang, cơ nhở, thanh thiếu niên đua đòi, ăn chơi, thích thể hiện bản thân với bạn bè nhưng thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, từ đó dễ bị rủ rê, lôi kéo, xúi giục vào con đường sử dụng trái phép chất ma túy. Một lần sử dụng trái phép chất ma túy thì khó từ chối việc sử dụng lần 2, lần 3. Từ đó lệ thuộc vào các chất ma túy.
Thứ hai, việc cai nghiện ma túy hiện nay chưa đạt hiệu quả cao, nguyên nhân chính là do người sử dụng, người nghiện ma túy chưa có quyết tâm trong việc đi cai nghiện, không tiếp nhận sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, trong công tác cai nghiện… càng nhiều người sử dụng, người nghiện thì tội phạm phát sinh ngày càng nhiều, đó là quy luật cung - cầu, từ đó tạo nên áp lực cho xã hội, tâm lý lo sợ trong Nhân dân là rất lớn. Ngoài ra, đối với công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống và kiểm soát ma túy cũng còn những khó khăn nhất định, nhất là công tác đấu tranh tội phạm, công tác cai nghiện, quản lý, giúp đỡ người nghiện chưa huy động hết sức mạnh của toàn xã hội, nhiều trường hợp người dân biết có đối tượng thường xuyên sử dụng, tội phạm về ma túy nhưng ngại, lo sợ nên không thông tin cho cơ quan chức năng.
Thứ ba, công tác cai nghiện còn chưa mang lại hiệu quả cao (còn thiếu về cơ sở vật chất, phương tiện y tế, bác sỹ chuyên khoa…), từ đó dẫn đến sau khi cai nghiện trở về người nghiện có tỷ lệ tái nghiện còn cao.
Thứ tư, các đối tượng phạm tội về ma túy trên địa bàn hiện nay mang tính chất nhỏ lẻ, chưa phát hiện các đường dây, băng, ổ nhóm lớn. Chủ yếu là người sử dụng, người nghiện mua ma túy về để bán lại cho người sử dụng ma túy khác để lấy lời phục vụ cho nhu cầu sử dụng ma túy của bản thân, từ đó làm phát sinh tội phạm tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy.
Phóng viên: Những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy được xử lý như thế nào?
Thượng tá Dương Văn Bỉnh: Đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy: căn cứ vào hành vi và quá trình vi phạm có thể xử lý bằng các hình thức như: xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP; áp dụng biện pháp xử lý hành chính quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP; áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP và Nghị định số 136/2016/NĐ-CP.
Đối với hành vi phạm tội về ma túy: tùy theo hành vi vi phạm, căn cứ vào quy định tại Chương XX, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) gồm có 13 điều (từ Điều 247 đến Điều 259), người phạm tội sẽ bị khởi tố hình sự về các tội danh tương ứng với từng hành vi vi phạm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hành vi phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy, quy định tại Điều 249 và tội mua bán trái phép chất ma túy, quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Phóng viên: Thưa Thượng tá, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng được quy định như thế nào? Trường hợp nào người nghiện buộc phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc?
Thượng tá Dương Văn Bỉnh: Hình thức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được quy định tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP, ngày 09/9/2010 của Chính phủ, áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên; với thời hạn từ 06 - 12 tháng. Tuy nhiên, tại Trà Vinh, do chưa đủ các điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất nên chưa thể triển khai hình thức cai nghiện này.
Đối với trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, áp dụng theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP và Nghị định số 136/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy.
Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.
Thời hạn cai nghiện bắt buộc là từ 12 - 24 tháng.
Phóng viên: Trong thời gian tới, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy và để đẩy lùi tệ nạn này thì nhiệm vụ trọng tâm nào mà lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy cần tập trung
Thượng tá Dương Văn Bỉnh: Để đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, trong thời gian tới cần tập trung một số vấn đề:
(1) Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống ma túy cho cán bộ nòng cốt cơ sở… về tác hại của ma túy trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt là tuyên truyền tác hại, hậu quả do ma túy gây ra và kỹ năng trong công tác phòng ngừa sự xâm nhập của ma túy đối với giới trẻ.
(2) Phối hợp các ban ngành, đoàn thể, gia đình tăng cường công tác kiểm tra, giáo dục người có liên quan đến ma túy, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghiện và phạm tội về ma túy; thực hiện tốt công tác cai nghiện và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Tích cực vận động người nghiện đăng ký cai nghiện tự nguyện. Phối hợp chính quyền địa phương quản lý tốt người sau cai nghiện, hạn chế thấp nhất các điều kiện, khả năng vi phạm pháp luật về ma túy, nhất là liên quan đến hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy.
(3) Phối kết hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; tham gia tuần tra kiểm soát giao thông; qua đó kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các trường hợp lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT để sử dụng và phạm tội về ma túy, phát hiện và xử lý các trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng hoặc tàng trữ trái phép chất ma túy.
(4) Tăng cường thực hiện các mặt công tác chuyên môn nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát các đối tượng có liên quan đến ma túy nhằm sớm phát hiện các đối tượng có hành vi sử dụng, tàng trữ và mua bán trái phép các chất ma túy, để có biện pháp triệt xóa dứt điểm các đối tượng phạm tội, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ngoài xã hội.
(5) Tăng cường vận động quần chúng Nhân dân tham gia tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy.
Phóng viên: Xin cám ơn Thượng tá.
XUÂN THẢO (thực hiện)
Sáng ngày 22/11, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 - Quân khu 9 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật năm 2024.