25/12/2021 10:38
Nữ dân quân xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành tham gia xây dựng tuyến đường hoa.
Lịch sử huyện Châu Thành ghi lại: đầu năm 1962, địch càn quét, bắn phá dữ dội vào vùng căn cứ cách mạng xã Lương Hòa. Trước tình hình đó, Chi ủy xã Lương Hòa quyết định tổ chức vận động Nhân dân phát triển lực lượng vũ trang chiến đấu chống địch, bảo vệ vùng căn cứ địa. Cùng với những tiểu đội nam du kích được thành lập, có nhiều cô gái không sơ tán, mà tình nguyện tham gia cầm súng chiến đấu. Từ đó, Tổ nữ du kích xã Lương Hòa được hình thành và một thời gian sau phát triển thành Tiểu đội rồi Trung đội nữ du kích của xã Lương Hòa với những cái tên như Tô Thị Huỳnh, Kiên Thị Nhẫn, Dương Thị Suối... đã đi vào huyền thoại.
Tiếp nối truyền thống ấy, 60 năm qua, Tiểu đội nữ du kích Lương Hòa vẫn luôn được giữ vững qua bao thế hệ với tên gọi mới là Tiểu đội nữ dân quân cơ động xã Lương Hòa A, kế tục truyền thống kiên trung, bất khuất trên mọi mặt trận, trong đó có công cuộc XDNTM trên quê hương “Cô Ba dũng sĩ”.
Chị Trần Thị Cẩm Tiên, nữ dân quân xã Lương Hòa A, cho biết: ông cố tôi hy sinh được ghi tên tại đây, ông ngoại và ông nội tôi đều tham gia cách mạng, cha tôi là dân quân của xã và bây giờ tôi cũng là dân quân của xã.
Không chỉ một Trần Thị Cẩm Tiên mà Lê Thanh Tâm, Trần Thị Ngọc Loan, Trần Thị Tuyết Mai, Kiên Thị Cẩm Liên, Sơn Thị Sa Man Thy, Thạch Thị Thảo... là thành viên của Tiểu đội nữ dân quân cơ động xã Lương Hòa A mà chúng tôi có dịp gặp, đều là thế hệ kế thừa của những gia đình có bà, có mẹ, có chị từng là nữ dân quân du kích một thời lừng danh, những cô gái thế hệ hôm nay với những nghĩ suy giản dị lắm mà cũng cao quý lắm: “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Tất cả các cô đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đang kế thừa truyền thống cách mạng, ra sức xây dựng quê hương.
Những đêm tuần tra buốt lạnh sương đêm, những lần tham gia huấn luyện với cường độ huấn luyện cao, những bài tập chiến thuật nghiêm khắc, đầy gian nan, vất vả, nhưng không khó khăn nào có thể làm chùn bước những nữ chiến sĩ trẻ, mà ngược lại còn mang đến cho các chị những trải nghiệm và quyết tâm mới - quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với các bậc tiền nhân.
Thiếu tá Dương Văn Tài, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Châu Thành cho biết: Trung đội nữ dân quân cơ động xã Lương Hòa A luôn hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, luôn đạt thành tích cao trong các hội thao quân sự, các cô còn là lực lượng nòng cốt kết hợp với các lực lượng khác giữ gìn an ninh trật tự, tham gia phòng chống, khắc phục thiên tai, bệnh dịch.
Ngày nay đêm về, tất cả các con đường liên ấp ở xã Lương Hòa A rực sáng bởi ánh đèn đường làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc. Đi trên những con đường rực sáng này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Lương Hòa A ghi nhận có công không nhỏ của Tiểu đội nữ dân quân tự vệ. Nằm trong chương trình mỗi năm một phần việc, một công trình cho quê hương, Tiểu đội nữ dân quân xã đã đề xuất và đứng ra vận động xây dựng mô hình thắp đèn chiếu sáng đường nông thôn, được Nhân dân đồng tình cùng thực hiện và còn nhiều mô hình khác nữa, tất nhiên trong mỗi mô hình ấy, các cô, các chị và gia đình bao giờ cũng tiên phong
Bà Thạch Thị Sa Thy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, được trưởng thành từ một nữ quân nhân, bà Sa Thy cho biết: huyện đã xây dựng được cánh đồng lớn. Đặc biệt đã hình thành các vùng chuyên canh như bưởi da xanh, thanh long và gần đây là dưa lưới. Nông dân Lương Hòa A, trong đó không ít gia đình có công với cách mạng trở thành “tỷ phú” từ miếng vườn thửa ruộng của mình. Lương Hòa A là một trong những xã được công nhận xã nông thôn mới sớm nhất của tỉnh.
Khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, cùng với suy nghĩ “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”, nữ dân quân cơ động xã Lương Hòa A gác lại hạnh phúc riêng, bước vào “cuộc chiến đấu trong thời bình” - phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm “chống dịch như chống giặc”, các chị luôn có mặt trên khắp trận tuyến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Không chút đắn đo, Tiểu đội trưởng nữ dân quân tự vệ xã Lương Hòa A Lê Thanh Tâm thay mặt Tiểu đội làm đơn tình nguyện gia nhập vào lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chị tâm sự: khi cả nước chung tay phòng, chống dịch, thì bản thân tôi cũng gát lại việc riêng, góp một phần công sức của mình để sớm đẩy lùi dịch bệnh, trả lại cuộc sống bình thường cho Nhân dân.
Chị Trần Thị Ngọc Loan, nữ dân quân cơ động của xã Lương Hòa A thì bộc bạch: chồng em tham gia chốt kiểm dịch cầu Cổ Chiên, em thì tham gia phòng, chống dịch ở địa phương, con em gởi ở nhà ngoại. Nhớ lắm, nhưng công việc lúc này quan trọng hơn, nên em sẵn sàng xung phong để tham gia phòng, chống dịch.
Thật đẹp biết bao những cô gái khoác trên mình trang phục màu xanh dân quân tự vệ xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, đó là cả sự hy sinh thầm lặng mà cao cả biết mấy. Cùng “lăn xả” trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại xã Lương Hòa A, bà Thạch Thị Sa Thy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành biểu dương tinh thần phòng, chống dịch bệnh của địa phương, quy tụ được sự đồng lòng, quyết tâm chống dịch của cả hệ thống chính trị và của mọi tầng lớp Nhân dân, trong đó có những cô gái mang trang phục màu xanh dân quân tự vệ. Các chị, các cô xứng đáng là cháu con Bà Trưng, Bà Triệu, là thế hệ tiếp nối của những nữ anh hùng Kiên Thị Nhẫn, Tô Thị Huỳnh, cùng sinh ra trên “vùng đất thép” Lương Hòa, nơi có Trung đội nữ du kích Lương Hòa một thời lừng danh và vẫn còn vang mãi đến hôm nay.
Bài, ảnh: HỮU HIỆP
Chiều 25/11, tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.