28/12/2021 09:22
Không ngại băng mình qua ngọn lửa để cứu người, cứu tài sản của Nhân dân hay dầm mình trong dòng nước lạnh giá, chảy xiết để tìm tung tích, thi thể nạn nhân gặp nạn, nhanh chóng đưa người và tài sản ra khỏi nơi bị nạn đến nơi an toàn - đó là những hình ảnh, công việc của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).
Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH thường xuyên tập luyện để nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ.
Có dịp đến Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trung tâm, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Trà Vinh vào lúc cán bộ chiến sĩ (CBCS) đang hăng hái, tích cực luyện tập các phương án chữa cháy dưới cái nắng oi bức, bất thường nhưng vẫn luôn nở nụ cười tươi vì các anh luôn xác định rằng “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường ít đổ máu”. Những động tác cơ bản vận dụng trong chữa cháy và CNCH được thực hành thuần thục.
Thiếu tá Nguyễn Triệu Dẫn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trung tâm cho biết: công việc của người lính chữa cháy và CNCH là một trong những công việc khó khăn, vất vả, nguy hiểm, áp lực cao. Trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ, tai nạn, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào là đều không được báo trước. Do đó để làm tốt được công việc của mình, cùng với sự yêu ngành, yêu nghề, đòi hỏi mỗi CBCS làm công tác này phải không ngừng nỗ lực, rèn luyện để nâng cao thể lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Bởi CBCS chữa cháy và CNCH phải có sức khỏe, tinh thông nghiệp vụ mới có thể xử lý nhanh các tình huống bất ngờ xảy ra. Chỉ một sơ suất nhỏ hoặc chậm vài giây thì sẽ không cứu được người và tài sản cho Nhân dân, thậm chí gây nguy hiểm cho chính bản thân mình.
Vì vậy, công tác huấn luyện luôn được lãnh đạo đơn vị đặc biệt quan tâm và coi trọng. Bất kể trời nắng hay mưa, CBCS vẫn miệt mài tập luyện với cường độ cao, phương pháp tập luyện ngày càng khó dần, những bài tập đòi hỏi sự khéo léo, tính cẩn thận và tỉ mỉ. Vì chỉ có nắm vững lý thuyết về quy trình, quy định, chiến thuật về chữa cháy và CNCH thì mới có thể áp dụng những bài tập huấn luyện vào thực tế một cách hiệu quả nhất. Hơn nữa, điều quan trọng đối với mỗi CBCS chữa cháy và CNCH là sự tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm từ luyện tập cũng như trong thực tế chiến đấu.
Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trung tâm hiện có 40 CBCS, trong đó có 19 CBCS là lực lượng chuyên nghiệp, còn lại là chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, động viên kịp thời của lãnh đạo đơn vị, Ban Giám đốc Công an tỉnh, CBCS trong đội đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản cho các cơ quan, tổ chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Khi xảy ra hỏa hoạn, tai nạn, CBCS Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trung tâm nhanh chóng đến hiện trường, không một phút giây chần chừ, các anh bất chấp mọi hiểm nguy lao vào dập lửa, cứu người, cứu tài sản, dầm mình dưới sông sâu, để tìm kiếm, giúp đỡ người bị nạn. Công việc nguy hiểm, vất vả nhưng với các anh thì đó còn là sứ mệnh thiêng liêng, phải cố gắng làm hết sức mình.
Việc tổ chức CNCH ở hiện trường các sự cố, tai nạn thường có diễn biến khó lường, nhất là trong môi trường có chất cháy nguy hiểm, kho, xưởng nằm sâu trong các con hẻm, khu đông dân cư. CBCS CNCH thường phải thực hiện chiến đấu trong thời gian dài, có nguy cơ xảy ra nguy hiểm với chính bản thân mình. Do đó, công tác luyện tập kỹ lưỡng, chiến thuật tác chiến được ôn luyện phải thường xuyên.
Nổi cộm là vụ hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 00 giờ 10 phút ngày 28/01/2021 tại 01 trại hòm trên địa bàn thành phố Trà Vinh. Sau khi nhận được tin báo cháy, 43 CBCS chữa cháy và CNCH cùng 05 xe chuyên dùng, 02 máy bơm chữa cháy được huy động đến hiện trường. Khi đến nơi, ngọn lửa đã bao trùm toàn bộ ngôi nhà với diện tích khoảng 220m2 và tỏa nhiệt lượng rất cao, khói, khí độc đã bao trùm xung quanh khu vực cháy và đang cháy lan sang 02 nhà người dân lân cận và có khả năng cháy lan sang một ngân hàng tiếp giáp với phía sau ngôi nhà bị cháy. CBCS đã nhanh chóng trinh sát đám cháy để xác định quy mô, chất cháy, khả năng cháy lan, đồng thời tổ chức tìm kiếm người bị nạn và nguồn nước phục vụ chữa cháy.
Xác định không có người bên trong, CBCS triển khai đội hình chống cháy lan và đội hình chiến đấu khống chế và dập tắt hoàn toàn đám cháy, di chuyển tài sản ra vị trí an toàn. Sau gần 34 phút chiến đấu trong đêm khuya, thiếu ánh sáng, lượng cháy lớn, chủ yếu là gỗ dễ bắt cháy, tỏa ra nhiều khói, khí độc, gây khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy, nhưng với tinh thần “Vì Nhân dân phục vụ”, CBCS chữa cháy và CNCH đã không ngại hiểm nguy, xông vào biển lửa khống chế hoàn toàn đám cháy, không để cháy lan sang các khu vực lân cận, bảo vệ tài sản cho người dân.
Công tác chữa cháy và CNCH trên cạn đã khó thì công tác CNCH dưới nước lại càng khó hơn vì CBCS phải đối mặt với nhiều thử thách, như dòng nước lạnh giá, chảy xiết, có khả năng bị thương và hy sinh là rất lớn, đòi hỏi nghiệp vụ CNCH phải có chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu và nhất là phải thật dũng cảm, bản lĩnh vững vàng, tinh thần khẩn trương, sự sáng tạo trong thực tế công tác mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đã 03 năm trôi qua, nhưng Đại úy Nguyễn Thái Khánh cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trung tâm còn nhớ như in vụ chìm tàu chở cát, làm 01 người tử vong vào cuối năm 2018 trên nhánh sông Cổ Chiên thuộc địa phận xã Long Hòa, huyện Châu Thành.
Vụ chìm tàu xảy ra vào khoảng 08 giờ sáng nhưng đến khoảng 13 giờ cùng ngày lực lượng mới nhận được tin báo của người dân. 10 CBCS nhanh chóng đến hiện trường, tổ chức xác minh thông tin và tìm kiếm nạn nhân. Hiện trường xảy ra tai nạn cách bờ khoảng 300m, mực nước khoảng 10m cột nước. Chỉ huy phân công chia làm 02 tổ lặn để kiểm tra, tìm kiếm. Vì trong lúc thu thập thông tin, biết được người gặp nạn rất giỏi bơi lội, trong lúc tàu đang chìm thì nạn nhân đang kiểm tra bên trong khoan, người lái tàu khi thấy mũi tàu dần chìm có hô cảnh báo nhưng nạn nhân không nghe thấy.
Nhận định khả năng nạn nhân đã bị mắc kẹt bên trong khoan, 03 CBCS trong khi lặn tìm kiếm có sử dụng dây làm tín hiệu để liên hệ với Chỉ huy, bằng cách giật dây. Sau khoảng thời gian dài lặn tìm kiếm nạn nhân, 02 CBCS không tìm được đã nổi lên, Chỉ huy ra tín hiệu cho 01 chiến sĩ còn lại nhưng không nhận được tín hiệu hồi đáp. Lúc này, tổ công tác rất lo, không trừ khả năng chiến sĩ đã gặp nạn, vì dòng nước chảy xiết, tầm nhìn lúc lặn dưới lòng sông sẽ hạn chế. Rất may, sau đó người chiến sĩ ấy đã đưa được nạn nhân ra khỏi khoan tàu, kể rằng trong lúc lặn tìm có lần theo thành tàu để đến khoan kiếm nạn nhân, khi phát hiện nạn nhân thì anh cố gắng giữ chặt nạn nhân tìm cách đưa lên bờ, nếu buông nạn nhân để ra tín hiệu thì có thể sẽ mất dấu không tìm được và có thể nguy hiểm cho chính mình.
Đại úy Nguyễn Thái Khánh, chia sẻ: là CBCS PCCC và CNCH, các anh đã quen rồi với nguy hiểm, chỉ mong cứu giúp được người bị nạn. Khi chữa cháy và CNCH, các anh luôn trong tâm thế sẵn sàng, xem các nạn nhân như chính người thân của mình, làm hết khả năng có thể. Anh không nhớ đã bao lần tham gia chữa cháy và CNCH, chỉ biết rằng sẽ dốc hết sức mình để giúp người bị nạn, cứu được tài sản của người dân.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, với anh cũng như những người chiến sĩ PCCC và CNCH cảm thấy vui hơn trước niềm vui của người dân và đau lòng không kém trước nỗi đau mà gia đình các nạn nhân gặp phải. Đối với các anh, những cái nắm tay, những lời cảm ơn chân thành của người dân chính là món quà quý giá, là động lực khích lệ tinh thần giúp các anh quên đi mọi khó khăn, gian khổ. Và xem đó là nguồn động viên để các anh nỗ lực hết mình, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Thượng tá Nguyễn Minh Chiểu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết: để phòng tránh những tai nạn, nguy hiểm xảy ra cho CBCS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm, thường xuyên triển khai huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng chữa cháy và CNCH, cũng như được trang bị các phương tiện, máy móc cứu hộ hiện đại giúp cho CBCS thực hiện nhiệm vụ dễ dàng và an toàn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: XUÂN THẢO
Chiều 25/11, tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.