17/07/2022 08:15
Bài 1: Thành phố Trà Vinh nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy
Dù không có địa bàn trọng điểm về ma túy, nhưng hiện nay, 10/10 phường, xã của thành phố Trà Vinh (TPTV) đều có đối tượng liên quan đến ma túy. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” TPTV, công tác phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố đã đạt được kết quả quan trọng, tội phạm về ma túy được kéo giảm, tệ nạn ma túy, điểm sử dụng ma túy được triệt xóa, xử lý nhiều hơn...
Cụ thể, trong 06 tháng đầu năm 2022, tội phạm về ma túy trên địa bàn TPTV được kéo giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số vụ mua bán trái phép chất ma túy bị khởi tố chiếm tỷ lệ cao (41,7% tổng số vụ); tệ nạn ma túy được tăng cường triệt xóa nhiều hơn (tăng 04 vụ), nhiều nhất là trong các cơ sở cho thuê lưu trú, tạm trú như nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, ở những nơi công cộng (trong đó, ở công viên chiếm 58,3% tổng số vụ).
TPTV hiện đang quản lý 181 đối tượng nghiện, nghi nghiện ma túy trên địa bàn (giảm 102 đối tượng). Trong đó, có 15 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (giảm 17 đối tượng), 160 đối tượng nghi nghiện ma túy (giảm 85 đối tượng). Đa phần trong số đối tượng nêu trên, không có nghề nghiệp hoặc đi làm thuê, lao động tự do. Loại ma túy mà các đối tượng sử dụng nhiều là ma túy tổng hợp, heroin, ketamine.
Dù tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố đã được kéo giảm, nhưng Trung tá Hồ Văn Hiêm, Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an TPTV, cho biết: tình trạng sử dụng ma túy ngày càng phổ biến, thường xảy ra nhiều ở các cơ sở cho thuê lưu trú, tạm trú (nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn) và ở nơi công cộng như công viên, khu đất trống.
Về phương thức, thủ đoạn, chủ yếu vẫn là ngụy trang bằng cách cất giấu vào hàng hóa, trên cơ thể, trên các loại phương tiện di chuyển nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng để đưa ma túy vào địa bàn tiêu thụ. Việc trao đổi, mua bán ma túy cũng “khéo léo, linh hoạt”, thay đổi nhanh chóng địa điểm, thời gian thực hiện giao dịch và có sự cảnh giác cao với “người lạ”. Ma túy thường được phân nhỏ thành từng tép và cất giấu ở nhiều nơi kín đáo. Việc sử dụng ma túy thì ngày càng đa dạng về hình thức (như hút, chích, nhai, uống...). Nguồn ma túy mà các đối tượng vận chuyển vào địa bàn TPTV, chủ yếu từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh phòng, chống ma túy, TPTV còn tăng cường công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, công tác quản lý và kiểm soát tiền chất, công tác cai nghiện và phục hồi sau cai cai nghiện...
Trung tá Nguyễn Thị Mỹ Linh, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an TPTV, cho biết: Công an TPTV tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả của 02 mô hình với 19 câu lạc bộ (CLB) phòng, chống ma túy, gồm (1) mô hình “Không ma túy, không bạo lực học đường, chấp hành tốt luật giao thông” với 10 CLB trong trường học; (2) mô hình “Không ma túy, không mại dâm, không cờ bạc, không có các đối tượng ẩn nấp” với 09 CLB trong các cơ sở nhà trọ; các mô hình “Vận động gây quỹ tái hòa nhập cộng đồng”, “Phát hiện, tố giác, vây bắt tội phạm”, “Tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa đối tượng tại cơ sở tôn giáo Tịnh xá Ngọc Trường”, “Phụ nữ quản lý giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”... nhằm phát huy tốt hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống ma túy nói riêng.
Buổi sinh hoạt CLB “Phụ nữ quản lý giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” Khóm 1, Phường 9 (ngày 07/7/2022) trao đổi về công tác giáo dục, phòng ngừa tệ nạn ma túy đối với con em trong gia đình.
Bà Thạch Thị Ngọc Hạnh, Trưởng Ban Nhân dân Khóm 1, Phường 9, Chủ nhiệm CLB “Phụ nữ quản lý giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” Khóm 1, Phường 9, chia sẻ: tôi tham gia phụ trách CLB này đã hơn 10 năm. Thành viên CLB là những chị có uy tín ở địa phương. Cùng với việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình, các chị cùng tôi quan tâm động viên, tuyên truyền, nhắc nhở... để các gia đình khác trong khóm cũng quản lý, giáo dục tốt con em của mình, không để vướng vào tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn ma túy nói riêng. Bà Hạnh cho biết: hàng năm, Khóm 1 đều được kiểm tra, tái công nhận “Khóm văn hóa”, “Khóm an toàn về an ninh trật tự”; không phát hiện tình trạng thanh thiếu niên (dưới 16 tuổi) sử dụng ma túy.
Tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy, cùng với việc tăng cường phát hiện, bắt, xử lý các vụ, việc có liên quan đến ma túy; triệt xóa các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy... đảm bảo an ninh trật tự địa phương, TPTV đã xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả công tác quản lý sau cai nghiện; đẩy mạnh công tác tái hòa nhập cộng đồng, quản lý, giúp đỡ số đối tượng đi cai nghiện về, tù tha về chưa có việc làm; tạo điều kiện, hỗ trợ việc làm, tổ chức dạy nghề cho các đối tượng sau cai nghiện, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, không tái nghiện. Đồng thời, tiếp tục phát động mạnh mẽ các phong trào phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy sâu rộng trong Nhân dân, phấn đấu xây dựng phường, xã lành mạnh, không có tệ nạn ma túy.
Bài, ảnh: HÀ THANH
Sáng ngày 22/11, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 - Quân khu 9 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật năm 2024.