11/08/2022 07:47
Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Trà Vinh đã triển khai nhiều biện pháp công tác công an để đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Nhân dân giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan chức năng quản lý theo quy định của pháp luật, góp phần tích cực bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bằng các hình thức như thông qua các phương tiện truyền thông, tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các cuộc họp dân và trên các trang mạng xã hội được khoảng 400 cuộc, với hơn 11.000 lượt người dự, xem.
Lực lượng công an các cấp đã tổ chức vận động thu hồi 16 súng các loại (súng quân dụng, súng tự chế…), trên 500 viên đạn, đầu đạn các loại, 36 vũ khí thô sơ và 15 công cụ hỗ trợ. Bằng các biện pháp công tác, cơ quan công an đã đấu tranh, phát hiện, củng cố hồ sơ xử lý hình sự 03 vụ án, 07 đối tượng về hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Tuy nhiên, một số đối tượng sử dụng các phương thức, thủ đoạn khác nhau để tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, cùng nhiều công cụ như dao, mã tấu, roi điện… với mục đích hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật. Theo quy định của pháp luật, mọi hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ bị xử lý nghiêm.
Tại khoản 2, Điều 3, Luật số 50/2019/QH14 do Quốc hội khóa XIV ban hành ngày 25/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 01 năm 2020), các loại súng cầm tay như súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu… vũ khí hạng nhẹ gồm súng đại liên, súng cối, súng DKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân, bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi… đều là vũ khí quân dụng. Luật cũng nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo. Do đó, người nào sử dụng vũ khí quân dụng, nhẹ thì bị xử lý hành chính còn nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, điểm a, khoản 5, Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2021 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, nêu rõ phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao.
Về trách nhiệm hình sự, tại Điều 304, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. Nếu làm chết 03 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên; vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn; thì có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ Công an tỉnh Trà Vinh vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, trong đó, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng như các chế tài xử lý có liên quan, trong đó, tập trung phổ biến phương thức, thủ đoạn mới, tác hại và kết quả công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của lực lượng chức năng gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân biết, chủ động phòng ngừa; tuyên truyền, vận động Nhân dân phát hiện, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác công an nhằm chủ động nắm tình hình, quy luật, lĩnh vực hoạt động của các đối tượng, nhất là việc quảng cáo, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội… Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan trong phát hiện, xử lý bưu kiện, bưu phẩm mà đối tượng lợi dụng các dịch vụ vận tải hàng hóa để vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Song song đó, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng sử dụng các phương tiện giao thông vận tải để vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc các đối tượng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và tấn công trấn áp tội phạm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ một cách nghiêm minh theo quy định của pháp luật góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
HỒ GIANG
Sáng ngày 22/11, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 - Quân khu 9 tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật năm 2024.