11/06/2023 20:31
Đây là một hoạt động của cộng đồng người Việt ở châu Âu nhằm khẳng định tình yêu và sự gắn kết với Tổ quốc và góp phần lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương giữa các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời thu hút sự quan tâm và ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Đông đảo học giả và những người yêu biển đảo Việt Nam tham dự hội thảo.
Hội thảo do Ban Liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam” phối hợp Học viện Ngoại giao, Câu lạc bộ Yêu biển đảo tại Pháp, Câu lạc bộ Hoàng Sa-Trường Sa tại Ba Lan, Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức.
Tham dự có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, cùng nhiều diễn giả người Việt và các nhà nghiên cứu quốc tế đến từ một số nước châu Âu.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao tình cảm và sự gắn bó của kiều bào đối với biển đảo quê hương.
Bà Cao Hồng Vinh, Trưởng Ban Liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam”, Chủ tịch Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa tại Ba Lan, cho biết cộng đồng người Việt tại các nước châu Âu đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hội thảo này đã thu hút sự quan tâm và tham dự của nhiều bạn bè quốc tế gồm các học giả, nghiên cứu từ các nước Canada, Ba Lan, Đức, Italia, Séc và Việt Nam.
Tại hội thảo, các học giả gồm giáo sư, tiến sĩ và nhà nghiên cứu về châu Á và Biển Đông cùng với các nhà giáo dục và kinh tế học người Việt và nước ngoài đã trình bày những bài tham luận có giá trị khoa học cao, đề cập nhiều góc nhìn về Biển Đông và vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam về mặt lịch sử, pháp lý, chính trị, văn hóa...
Các học giả cũng có những trao đổi về thông tin mới nhất liên quan đến tình hình Biển Đông, đồng thời gợi ý những giải pháp để xử lý tranh chấp trên cơ sở gìn giữ hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế, kể cả các phương án phát triển kinh tế biển.
Theo nhà sử học, Giáo sư Patrice Jorland, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt, quyền của các quốc gia ven biển đối với một không gian biển ngày nay được điều chỉnh bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập ở đây từ thời các Chúa Nguyễn, được củng cố dưới các triều đại sau, rồi tới thời thực dân Pháp chiếm đóng.
Do đó, chủ quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được công nhận và không ảnh hưởng tới các vùng biển của các quốc gia trong khu vực. Một giải pháp công bằng để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là tôn trọng luật pháp quốc tế.
Giáo sư cho rằng, các bên liên quan cần phải tôn trọng luật quốc tế và khối ASEAN, trong đó Việt Nam là một thành viên tích cực, cần củng cố đoàn kết, tăng cường nỗ lực ngoại giao và đàm phán, tránh dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp.
Trong khi đó, bà Malgorzata Pietrasiak, Giáo sư Đại học Lodz ở Ba Lan, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, đánh giá cao cách xử lý của Việt Nam đối với các vấn đề trên biển. Bà cho rằng đó là chiến lược "Hedgingowa" (tạm dịch là "phòng ngừa rủi ro"), một chiến lược sáng suốt, mềm dẻo, hòa bình, không căng thẳng, nhưng cũng không nhượng bộ.
Bà Malgorzata Pietrasiak nhận định: "Phương pháp này rất hiệu quả và mang lại điểm tốt cho ngoại giao Việt Nam trên chính trường quốc tế".
Bà Malgorzata Pietrasiak, Giáo sư Đại học Lodz ở Ba Lan, đánh giá cao chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam trong tình hình mới.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, hội thảo là một hoạt động của người Việt Nam tại châu Âu hướng về đất nước. Trong nhiều thập niên qua, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp và tại châu Âu đã có nhiều hoạt động gắn bó và ủng hộ quê hương, từ những hoạt động hỗ trợ ủng hộ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn trong nước, đóng góp vào nỗ lực chung của cả nước trong phòng, chống dịch Covid-19.
Cộng đồng người Việt duy trì các hoạt động hướng tới phát triển, giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước. Sự tham gia của nhiều diễn giả quốc tế cho thấy vấn đề Biển Đông đang thu hút sự quan tâm sâu sắc của đông đảo giới học giả quốc tế và khu vực.
Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho biết, kể từ năm 2012 đến nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tổ chức các đoàn công tác đưa khoảng 530 đại biểu kiều bào từ gần 40 quốc gia thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Qua các chuyến công tác, bà con đã có những đóng góp thiết thực đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, như ủng hộ đóng xuồng chủ quyền, xây dựng công trình tại các điểm đảo, mua quà tặng, hiện vật và nhu yếu phẩm gửi tặng các điểm đảo, Nhà giàn DK1.
Kiều bào trở về trở thành những “sứ giả Trường Sa” ở khắp nơi trên thế giới thông qua các hoạt động góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bà Trần Thu Dung, Trưởng Ban Liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam” cho biết, các nhà nghiên cứu quốc tế rất tâm đắc với nguyên tắc "vừa hợp tác vừa đấu tranh" mà Việt Nam xúc tiến trong đường lối ngoại giao.
Đó là cách xúc tiến mềm mỏng trong đường lối đối ngoại, không khép lại bất kỳ con đường nào và tạo ra không gian rộng lớn cho những đối tác tiềm năng trong hợp tác hai bên.
Trưng bày, giới thiệu những kỷ vật về Trường Sa gồm sách, cờ Tổ quốc có chữ ký của kiều bào và trái bàng vuông do kiều bào gìn giữ từ chuyến đi thăm Trường Sa.
Theo nhandan.vn
Sáng 19/11, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết, ngư dân Võ Văn Út (sinh năm 1962, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) thuyền viên tàu cá KG95960TS bị tai nạn trên biển, được cán bộ, chiến sĩ Tàu CSB8021, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 hỗ trợ cấp cứu, đang trên hải trình vào bờ để tiếp tục điều trị.