08/01/2020 07:18
Như vậy là chuyến công tác của tôi tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đến thời điểm này đã tròn 01 năm. Đúng vào những ngày này của năm trước, tôi được đặt chân lên các đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le, Tiên Nữ… với ngập tràn cảm xúc. Và cũng đúng vào thời điểm này, những cán bộ, chiến sĩ tại các đảo lại đón chào những người đồng nghiệp của tôi đến tác nghiệp, thăm hỏi.
Năm nay anh có ra đón em về không!
Câu hỏi bất chợt, bỏ lửng,,, mà lòng tôi lại nhờ Trường Sa da diết. Nhắc đến chuyến công tác này, thật lòng mà nói, trong những ngày qua lòng tôi thật nhiều cảm xúc. Nỗi nhớ về những kỷ niệm của chuyến đi, nhớ những bạn đồng nghiệp và nhất là hình ảnh ở từng điểm đảo, từng cán bộ, chiến sĩ lần đầu gặp gỡ… cứ lặp đi lặp lại trong đầu. Trên con tàu HQ 561 xuất phát từ quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đưa chúng tôi đến với những cán bộ, chiến sĩ thuộc quần đảo Trường Sa dù chỉ có những bữa cơm với thịt hộp ướp lạnh, món ăn sáng chỉ quanh quẩn mấy tô mì tôm... nhưng sao thấm tình đồng đội đến thế. Nhớ tiếng hát, tiếng đàn ca sáo nhị của các chàng lính trẻ xa nhà cùng chiến tuyến, nhớ tiếng sóng đập vào thân tàu, nhớ những đêm khuya, những nhà báo trong đoàn công tác chúng tôi trèo lên khoang lái đứng tấn, dạng hai chân bằng vai để canh sóng internet chuyển tin, bài về tòa soạn nhưng bất thành...
Tác giả chụp ảnh lưu niệm với Trung tá Trần Ngọc Linh trên đảo Tiên Nữ.
Ít ngày trước đây thôi, từ đảo Tiên Nữ, Trung tá Trần Ngọc Linh, nhắn tin rồi gọi điện hỏi thăm: “Năm nay anh có ra đón em về không?” Một câu hỏi nghe rất bình thường nếu nó xuất phát trong điều kiện khác. Ở đây, tôi và Trần Ngọc Linh tình cờ quen nhau trên con tàu HQ 561 trong chuyến công tác đầu năm 2019, cách đây vừa tròn 01 năm. Trung tá Trần Ngọc Linh quê Nam Định, tôi quê Trà Vinh cách xa thế, nhưng ngay lần đầu gặp nhau chúng tôi đã kết thân. Hôm Trần Ngọc Linh ở lại nhận nhiệm vụ tại đảo Tiên Nữ, chia tay nhau tôi lên tàu mà mắt cứ cay cay. Sau chuyến công tác ấy, tôi và Trần Ngọc Linh thường xuyên giữ liên lạc. Tuy có lần đang nói chuyện thì sóng điện thoại bị ngắt quảng, gửi ảnh cho nhau xem, thì tấm được tấm không… nhưng cơ bản là chúng tôi cũng thăm hỏi được nhau từ sinh hoạt hàng ngày đến chuyện gia đình; đồng thời thường xuyên động viên nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Tặng quà cho cán bộ, chến sĩ đảo Sinh Tồn.
Hẹn lần sau nhé Trường Sa
Cùng tâm trạng nhớ Trường Sa với tôi, nữ nhà báo Trịnh Thủy Châu, bút danh Tường Vy, Báo Tuyên Quang, người có cùng chuyến công tác với tôi nhưng đi tàu Kiểm ngư 491, Tường Vy tâm sự trên mạng xã hội cá nhân: “Bao nhiêu nỗi nhớ chẳng kể hết. Tròn một năm rồi, các anh sắp được về đất liền, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng. Đúng là những kỷ niệm đẹp chẳng bao giờ quên được. Đó mãi là những ký ức đẹp đẽ nhất trong quãng đời tuổi trẻ của tôi…”
Giờ giải lao của chiến sĩ Trường Sa.
Cũng trong tâm trạng đó, từ vùng cao Điện Biên Phủ, nhà báo Văn Thành Chương thể hiện trên trang Facebook cá nhân: “Thấy anh em tấp nập lên tàu mà lòng dâng trào cảm xúc. Lại nhớ biển, nhớ đảo đến nao lòng. Nhớ những làn gió biển mặn mòi, nhớ bữa cơm bao nhiêu hoa quả tươi cũng thiếu (ớt), nhớ cảm giác “say đất” khi đặt chân lên đảo... Nhớ các thủy thủ đoàn, nhớ anh em đồng nghiệp, nhớ lính đảo...”.
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc.
Một năm trôi qua nhanh quá, năm nay tôi không ra được với Trường Sa nữa, nhưng những ký ức tốt đẹp về chuyến đi năm trước như vẫn còn nguyên. Hẹn lần sau nhé Trường Sa, một phần “Máu thịt” của đất nước hình chữ S Việt Nam thân yêu.
Bài, ảnh: BÁ THI
Thường xuyên thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư của cấp trên cùng nội lực, ý thức, trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (BTL Vùng CSB 3) luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm (Cuộc vận động 50) bảo đảm đáp ứng tốt mọi nhiệm vụ được giao.