03/02/2020 07:56
Canh giữ vùng biển, vùng trời Trường Sa là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của những cán bộ, chiến sĩ trên các đảo Trường Sa. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ ở các đảo Trường Sa đang ngày đêm bám trụ ở các âu tàu, những con tàu thực hiện nhiệm vụ giữa biển khơi luôn là điểm tựa vững chắc, là địa chỉ tin cậy cho ngư dân và nhân dân sống trên đảo yên tâm vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, phía sau mỗi người lính là hình bóng của người thân - hậu phương vững chắc nơi quê nhà.
Trung úy Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn (đảo Sinh Tồn) đang phẫu thuật tay cho ngư dân Nguyễn Nhật Vinh, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bị thương trong quá trình đánh bắt thủy, hải sản.
Là lực lượng nòng cốt trong giữ gìn an ninh, chính trị vùng biển, đảo, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy các đảo trên quần đảo Trường Sa đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động ngư dân và nhân dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật, giúp người dân ý thức trong giữ gìn môi trường, tài nguyên thiên nhiên biển, đảo.
Ông Nguyễn Đình Thường, Thuyền trưởng tàu QNg-95834TS, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Vừa qua, tàu của chúng tôi có 46 ngư dân đi đánh bắt thủy, hải sản tại quần đảo Trường Sa, do thời thiết xấu, tàu bị sóng đánh chìm, chúng tôi liên lạc được với Ban Chỉ huy đảo Sinh Tồn và được cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn cứu vớt tàu và ngư dân đưa về đảo Sinh Tồn.
Ngư dân Nguyễn Thanh Sơn, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đại diện 46 ngư dân bị nạn của tàu QNg-95834TS xúc động: “Cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ, nhân viên Trung tâm Hậu cần kỹ thuật Âu tàu đảo Sinh Tồn đã nhiệt tình sửa chữa tàu miễn phí tiền công, hướng dẫn ngư trường đánh bắt, tuyên truyền Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Chỉ thị số 45); ngư dân còn được cấp nước ngọt, rau xanh sử dụng miễn phí, về đất liền chúng tôi sẽ kể cho mọi người biết về tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đối với ngư dân”.
Ngư dân Võ Hữu Thủy, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết: Năm 2019 vừa qua, tôi tham gia cùng tàu QNa-90956TS đánh bắt thủy, hải sản thuộc ngư trường quần đảo Trường Sa, trong quá trình đánh bắt tôi bị bệnh đau bụng, nghi ngờ bệnh ruột thừa, nếu cho tàu quay về đất liền sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Thuyền trưởng Hồ Tấn Kha lập tức liên hệ với Ban Chỉ huy đảo Sinh Tồn và được Ban Chỉ huy đảo Sinh Tồn khuyến khích đưa bệnh nhân vào Bệnh xá của đảo Sinh Tồn điều trị. Tại đây được bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa cấp ngày thứ hai và đề nghị mổ ruột thừa cấp cứu tại Bệnh xá của đảo. Sau khi mổ thành công bệnh ruột thừa, tôi được bác sĩ ở đây tận tình chăm sóc, cho đồ ăn, nước uống, thuốc,… tôi rất cảm ơn cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ đảo Sinh Tồn đã nhiệt tình, có tâm và trách nhiệm.
Thượng tá Đoàn Sơn Nam, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Ban Chỉ huy đảo Sinh Tồn cho biết: Năm 2019, đảo tiếp nhận, hỗ trợ 56 ngư dân bị nạn khi đánh bắt, thủy, hải sản; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn giúp đỡ tàu cá ngư dân vào âu tàu neo đậu, tránh bão, kết quả có 79 tàu cá và 727 ngư dân vào đảo tránh bão an toàn; khám, điều trị bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 581 người, trong đó ngư dân 298 người, số người còn lại là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Ngoài ra, trong quá trình tránh bão, ngư dân được cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Hậu cần kỹ thuật Âu tàu đảo Sinh Tồn tạo mọi điều kiện tốt nhất từ neo đậu đến chỗ ăn, nghỉ, được cấp tờ rơi hướng dẫn ngư trường đánh bắt truyền thống của Việt Nam và tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thông tin về quyền lợi của ngư dân khi đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa, về vị trí, ý nghĩa của các âu tàu, làng chài và những hỗ trợ, cứu kéo, sửa chữa, cấp nước ngọt miễn phí cho các tàu cá trong thời gian vừa qua.
Hiện nay, tại quần đảo Trường Sa có những âu tàu, làng chài đủ sức tạo chỗ dựa cho hàng ngàn tàu cá vào neo đậu, tránh mưa, bão. Đến với các âu tàu, làng chài là đến với những ngôi nhà chung giữa biển, ngư dân được hướng dẫn vào neo đậu, sửa chữa miễn phí nhân công, được thăm khám, chữa bệnh, được cung cấp nước ngọt và tạo điều kiện chỗ ăn nghỉ trong mùa mưa bão; cung cấp vật tư thay thế và nhiên liệu bằng với giá ở đất liền.
Hiện trên các đảo nổi của Trường Sa có nhiều hộ dân sinh sống, lập nghiệp gồm thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn… với hàng chục hộ dân cùng những thế hệ công dân sinh ra, lớn lên tại đây không chỉ minh chứng cho sự sinh tồn trên huyện đảo Trường Sa mà còn là sự tiếp nối các thế hệ quân - dân trong việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Có mặt tại đảo Sinh Tồn, những hình ảnh thật đẹp trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà mái ngói “đỏ au”, nhà được xây dựng cùng một kiến trúc vừa đảm bảo yếu tố cảnh quan môi trường, vừa đủ khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của bão tố. Mỗi căn nhà rộng khoảng 100m², có 03 phòng: Phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp và công trình phụ được thiết kế khép kín thuận tiện. Sau mỗi căn nhà đều có mảnh vườn nhỏ để trồng rau xanh, trồng bầu, bí, mướp,… và để làm chuồng nuôi gà, vịt phục vụ nhu cầu của các hộ dân. Mặc dù luôn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, nhưng ở các gia đình trên đảo luôn đầy ắp niềm vui và tiếng cười, sự che chở, bảo vệ của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Anh Doãn Chí Hiền cùng vợ là chị Lữ Kim Cúc đang hạnh phúc lập nghiệp trên đảo Sinh Tồn.
Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi hộ gia đình và sự quan tâm, hỗ trợ từ đất liền nên các gia đình ở các đảo hiện nay đều có đủ tiện nghi sinh hoạt cần thiết, hệ thống năng lượng sạch, trạm phát sóng điện thoại đã giúp người dân có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo liên lạc với người thân trong đất liền thuận lợi hơn. Bà Lữ Kim Cúc cho biết: Quê tôi ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, gia đình tôi ra đảo Sinh Tồn lập nghiệp hơn 02 năm. Khi mới ra đảo, khó khăn lớn nhất là chưa quen với điều kiện sống trên đảo nhưng nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo thị trấn Trường Sa cũng như các cán bộ, chiến sĩ trên đảo nên cuộc sống của gia đình giờ đã ổn định. Tình cảm quân - dân trên đảo là chỗ dựa tinh thần vững chắc để người dân trên đảo yên tâm, sản xuất sinh sống.
Anh Doãn Thế Hiền, chồng chị Lữ Kim Cúc phấn khởi nói: Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cuộc sống gia đình tôi đã an cư lạc nghiệp và yên tâm tiếp tục sinh sống lâu dài trên đảo. Ngoài ra, ở đảo Sinh Tồn có Trường Tiểu học, khu vui chơi, giải trí cho trẻ,… đảm bảo cho con đi học nên các hộ dân ở đây rất an tâm sinh sống, ổn định cuộc sống.
Ông Huỳnh Đức Phong, ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Gia đình tôi đã ra đảo Sinh Tồn lập nghiệp hơn 02 năm, ở đây được Nhà nước cấp nhà ở, hỗ trợ tiền ăn hàng tháng, nhà ở đủ tiện nghi, đảm bảo diện tích sinh hoạt của 02 vợ chồng và 02 đứa con. Để nâng chất cuộc sống, hàng ngày ngoài trồng rau, nuôi gà, vịt, gia đình tôi còn tham gia đánh bắt thủy, hải sản để có thêm nguồn thu nhập. Giờ đây gia đình tôi có cuộc sống ổn định, tôi rất phấn khởi.
Ở đảo Sinh Tồn có Trường Tiểu học xã Sinh Tồn, hiện trường có 09 em theo học từ lớp 01 đến lớp 05. Thầy Nguyễn Công Qua cho biết: Khi biết thông tin ngoài Trường Sa cần tuyển giáo viên, tôi nộp hồ sơ đăng ký tự nguyện ra đảo Trường Sa để dạy học, với mong muốn đem những kiến thức mình đã học để “gieo chữ” trên đảo Trường Sa. Khi được trúng tuyển về dạy học ở đảo Sinh Tồn tôi rất phấn khởi. Thầy Qua tâm sự: “Những ngày đầu đặt chân đến đảo Sinh Tồn, tôi vừa thấy hồi hộp, lo lắng và có cả hạnh phúc. Hồi hộp lo lắng vì không biết cuộc sống ngoài này thế nào, mình có quen và hợp được với khí hậu hay không. Hạnh phúc vì được ra dạy các cháu nhỏ trên đảo. Giờ đây tôi thực sự cảm thấy thoải mái với cuộc sống và công việc.
Qua tìm hiểu và đến thăm một số hộ dân lập nghiệp trên đảo, chúng tôi ghi nhận được cuộc sống bình yên, hiền hòa như ở những làng biển truyền thống ở đất liền. Các thành viên của các hộ gia đình còn tham gia lực lượng dân quân tự vệ, chi hội phụ nữ,… trên đảo. Thời gian rảnh, các hộ dân trên đảo còn tham gia khai thác, đánh bắt thủy, hải sản, chăn nuôi, trồng rau,… để tăng gia sản xuất; sẽ có thêm nhiều chiến sĩ hải quân “nhí” lớn lên từ các hòn đảo thân yêu trên quần đảo Trường Sa. Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp sẽ tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân trên đảo làm ăn sinh sống, ổn định lâu dài trên đảo.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Thường xuyên thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư của cấp trên cùng nội lực, ý thức, trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (BTL Vùng CSB 3) luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm (Cuộc vận động 50) bảo đảm đáp ứng tốt mọi nhiệm vụ được giao.