05/02/2020 08:21
Chiến sĩ đảo Đá Lớn B đang chăm sóc rau an toàn.
Rau an toàn trên đảo
Trồng rau trên quần đảo Trường Sa, nghe nói ít ai có thể tin được, bởi khí hậu, thổ nhưỡng ở đây vốn khắc nghiệt, với nắng chói chang, gió biển và cả mưa bão dữ dội luôn “chực chờ kéo đến”. Thế mà cán bộ, chiến sĩ trên các quần đảo Trường Sa “chắt chiu” từng mét đất để trồng những vườn rau xanh nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ. Sự cần mẫn lao động của những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã tạo ra màu xanh hút mắt của những vườn rau trên đảo, bất chấp khí hậu khắc nghiệt nơi đảo xa.
Có dịp ghé thăm đảo Đá Lớn (đảo Đá Lớn A, B và C) mới thấy, rau xanh quý chẳng khác gì nước ngọt, rau được người lính đảo ví như là “thực phẩm quý” trong mỗi bữa ăn. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi nắng gió quanh năm, hơi biển mặn thì việc hạt rau vẫn tìm được sự sống là một câu chuyện kỳ diệu. Trong điều kiện gió biển thổi liên tục, chỉ cần có hơi muối là những loại rau sẽ héo chết ngay. Điều mà chúng tôi hết sức ngỡ ngàng là trên những đảo chìm Đá Lớn rau vẫn tươi tốt lạ kỳ. Đó là thành quả của những ngày dài dày công chăm sóc từ những đôi bàn tay cần mẫn của người lính biển. Đại úy Nguyễn Quang Việt, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn A cho biết: Khi trồng những loại rau, chúng tôi phải chở đất, phân từ đất liền ra để trồng. Trước khi trồng phải có nhà lưới che chắn kỹ tránh hơi nước biển lọt vào rau bị chết. Thường trên các đảo chìm, diện tích hẹp, các chiến sĩ tận dụng diện tích trồng, thường rau xanh được trồng dưới những tán giàn bí, mướp và luôn được tỉa bớt lá để bảo đảm đủ ánh sáng cho rau phát triển, những sáng tạo này đã cho năng suất cao và chất lượng tốt. Trong năm 2019, đảo đã trồng và thu hoạch được khoảng 01 tấn rau xanh, góp phần đáp ứng nhu cầu rau xanh cho cán bộ, chiến sĩ.
Chiến sĩ Lê Trung Nguyên ở đảo Đá Lớn A dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn rau mới trồng được 20 ngày. Theo quan sát của chúng tôi, vườn rau rộng khoảng gần 10m² được che chắn khá cẩn thận không để gió và hơi muối biển lọt vào. Tại đây, các chiến sĩ đang chăm bón, nhặt từng cọng cỏ, múc từng gàu nước tưới đều từng luống rau. Được chăm sóc kỹ, những mầm xanh đủ các loại, như mồng tơi, rau cải, rau muống… vươn lên “khoe” sức sống mới.
Đến đảo Đá Lớn C, điều kiện thời tiết cũng như đảo Đá Lớn A. Đang chăm sóc vườn rau, chiến sĩ Trần Bảo Trọng cho biết: Ở đảo chìm, diện tích đất tự nhiên không có nên cán bộ, chiến sĩ phải tận dụng mọi diện tích trống trên đảo làm vườn rau xanh phục vụ nhu cầu rau xanh cho bữa ăn. Vì vậy, các chiến sĩ trên đảo đều tự tìm hiểu, nắm rõ yếu tố của thời tiết vùng biển đảo, từ đó có phương pháp trồng, chăm sóc các loại cây trồng cho phù hợp, hiệu quả. Những vườn rau ở đây được thực hiện di động theo hướng gió, che chắn kín để tránh hơi nước biển. Ngoài ra, nguồn nước tưới cho rau ở đây chủ yếu là nước mưa, các chiến sĩ cũng tận dụng nước ngọt sau khi rửa rau, thực phẩm để chế biến bữa ăn tưới lại cho rau, đảm bảo cho rau có được nguồn nước, đạt năng suất cao.
Rời đảo Đá Lớn, chúng tôi đến đảo Sinh Tồn, đây là đảo thứ hai trong chuyến hải trình đến với Trường Sa mà chúng tôi đặt chân đến. Cũng như đảo Đá Lớn, đảo Sinh Tồn không có giếng nước ngọt, thời tiết lại vô cùng khắc nghiệt, thế nhưng đảo Sinh Tồn lại luôn dẫn đầu trong số 21 đơn vị đảo ở Trường Sa về phong trào tăng gia sản xuất, rau xanh, đáp ứng dồi dào cho nhu cầu rau xanh trong bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ. Vừa đặt chân tới đảo Sinh Tồn, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các chiến sĩ xới đất, làm cỏ trên khu vườn rau muống, rau cải khoảng 50m², dù lúc này trời đang nắng. Phía trên được che chắn bằng nhà lưới. Chiến sĩ Lê Công Quý cho biết: Do việc vận chuyển đất ra đảo rất khó khăn nên đất chỉ được phủ một lớp mỏng trên mặt, còn lại phía dưới đều phải trộn thêm cát, lá cây để canh tác; phân bón rau chủ yếu tận dụng triệt để nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, cán bộ chiến sĩ thu gom lá cây bàng vuông, phong ba và các loại lá cây khác rụng, chặt nhỏ, ủ để lấy phân xanh bón cho rau.
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết: Để góp phần giúp cán bộ, chiến sĩ trên các đảo có đủ nguồn rau xanh an toàn để sử dụng, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn, vừa qua, Hiệp hội cũng tặng 30 bộ giá thể trồng rau an toàn thủy canh để hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ trên đảo có thêm nguồn rau xanh phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng những vườn rau xanh ở Trường Sa ngày một phát triển tươi tốt. Nhìn vườn rau ở các đảo Trường Sa xanh mướt mới thấy công lao của cán bộ, chiến sĩ. Để có được vườn rau như bây giờ là cả một nỗ lực miệt mài, chăm sóc, nâng niu của tất cả cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Tăng cường trồng cây xanh, bảo vệ môi trường
Đến với Trường Sa hôm nay, chắc nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhưng những đảo nổi đều ngập tràn màu xanh. Cây bàng vuông, cây phong ba, cây tra là những loại cây có mặt ở Trường Sa sớm nhất, chúng chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu, có tác dụng chống xói mòn, cân bằng môi trường trên đảo.
Ngày nay, cây bàng vuông có mặt hầu hết ở các đảo nổi ở Trường Sa. Các cán bộ, chiến sĩ ở đảo không ngừng nhân giống phủ xanh khắp các vùng đất trống trên đảo. Thân cây bàng vuông chắc và dẻo chịu được các trận bão lớn, rễ cây vững chắc bám sâu vào lòng đá san hô giữ lại nguồn nước mưa quý hiếm cho đảo. Bàng vuông là một loài cây được cán bộ, chiến sĩ nơi đây ví là loài cây quý hiếm. Bà Nguyễn Gia Hân, thành viên Câu lạc bộ Vì biển đảo quê hương, Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi đến với Trường Sa. Điều ấn tượng khi đến Trường Sa là sức sống mãnh liệt từ mầm xanh trên những hòn đảo khắc nghiệt, ngoài việc tô điểm cho đảo thêm màu xanh nhựa sống, cây xanh còn là sợi dây nối liền khoảng cách giữa đảo xa với đất liền.
Trung tá Triệu Tiến Huy, Chính trị viên đảo Phan Vinh A cho biết: Mỗi cán bộ, chiến sĩ ở trên đảo đều trồng ít nhất một cây xanh và chăm sóc để cây phát triển tốt, khi hoàn thành nghĩa vụ trở về đất liền sẽ bàn giao cho cán bộ, chiến sĩ mới. Mỗi cây xanh trên đảo đều gắn liền với kỷ niệm đời quân ngũ và thấm đậm tình cảm của những người lính Trường Sa. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều xem việc trồng cây xanh để góp thêm màu xanh cho đảo là trách nhiệm của mình. Có được những mầm xanh phát triển như ngày hôm nay ở nơi đầu sóng, ngọn gió này, các chiến sĩ đã phải dồn biết bao tâm huyết nghiên cứu, sáng tạo để Trường Sa thân yêu của Tổ quốc được phủ xanh giữ cho đảo quê hương ngày càng căng tràn sức sống.
Chiến sĩ Đỗ Tường, đang thực hiện nhiệm vụ tại đảo Phan Vinh A cho biết: Hầu hết các điểm đảo ở Trường Sa quanh năm đều nắng gió, mưa bão, hơi mặn của biển, nếu không có cây xanh tạo nên bóng mát, thì cuộc sống giữa biển cả càng thêm khốc liệt. Các điểm đảo cũng đã trồng rất nhiều loại cây có giá trị được mang từ đất liền ra, nhưng không chịu nổi với thời tiết khắc nghiệt của biển, đảo. Riêng chỉ có cây bàng vuông, cây phong ba, cây tra,… gần đây cây dừa đã được trồng thử nghiệm và đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ là cây “đồng hành cùng lính biển”.
Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: Ngoài trồng cây xanh để bảo vệ môi trường, cây xanh cũng góp phần tạo "lá chắn" ngụy trang bảo vệ cho từng hòn đảo. Để đảm bảo môi trường cho vùng biển, các đảo thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, hiện các đảo của quần đảo Trường Sa đều có trang bị thùng rác để thu gom rác thải nhựa. Sau khi thu gom rác thải nhựa, các đảo dùng máy ép các loại rác thải nhựa để đem về đất liền tiêu hủy đúng theo quy định.
Giờ đây ở một số đảo nổi của quần đảo Trường Sa được ví như là một công viên cây xanh khang trang với bàn trà, ghế đá được đặt dưới các tán cây xanh để cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo nghỉ ngơi, thư giản ngoài giờ làm việc. Để có được những gam màu tươi sắc ấy ở nơi đầu sóng, ngọn gió là công sức, tâm huyết của bao thế hệ quân và dân ở đảo. Các đảo luôn xem việc trồng cây xanh để tạo cảnh quan môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Thường xuyên thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư của cấp trên cùng nội lực, ý thức, trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (BTL Vùng CSB 3) luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm (Cuộc vận động 50) bảo đảm đáp ứng tốt mọi nhiệm vụ được giao.