18/02/2024 07:32
Tiếp tục xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 09/01/2024 của Tỉnh ủy “về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị năm 2024” xác định một trong các nhiệm vụ, giải pháp toàn Đảng bộ tỉnh tập trung chỉ đạo và phấn đấu thực hiện tốt là đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, trọng tâm là đổi mới phong cách, phương pháp công tác, lề lối làm việc bảo đảm khoa học, dân chủ, sâu sát, cụ thể; khắc phục tình trạng bao biện, làm thay, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, áp đặt hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, năm 2023 phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp ủy trong tỉnh đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả trên các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế - xã hội phát triển mạnh, an sinh xã hội được bảo đảm. Các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn bám sát Quy chế làm việc, nêu cao tinh thần tập trung dân chủ, sâu sát, hướng về cơ sở…
Đó cũng là một trong nhiều kết quả đạt được qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” của tỉnh.
Xác định công tác xây dựng Đảng vững mạnh là khâu quyết định thắng lợi của mọi nhiệm vụ, với phương châm hành động “Đoàn kết, Kỷ cương, Hành động, Sáng tạo, Đột phá, Phát triển”, Tỉnh ủy đã tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm, kiểm tra, đôn đốc, kiểm điểm trách nhiệm; kịp thời triển khai các văn bản mới của Trung ương để quán triệt thực hiện; ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa sát hợp với tình hình... Trong đó, có việc tiếp tục cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với triển khai, tổ chức thực hiện các quy định về nêu gương; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, quan điểm đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm.
Mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng. Phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc. Vấn đề đã rõ thì kiên quyết đổi mới, vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì phải nghiên cứu, thí điểm, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển.
Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực và của từng loại hình cơ quan nhà nước, từng tổ chức chính trị - xã hội. Phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới...
Quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình hành động số 47-Ctr/TU, ngày 28/4/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng theo hướng ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với tình hình thực tiễn, rõ nguồn lực thực hiện. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác tuyên truyền, vận động. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, nhất là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo chuyển biến thực chất, lan tỏa gương điển hình, tiêu biểu của cán bộ, đảng viên. Xây dựng phong cách, tác phong, lề lối, phương pháp làm việc bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt từ tỉnh đến cơ sở; quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị.
Đổi mới công tác đánh giá công chức, viên chức theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; đánh giá công chức, viên chức đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công tâm, toàn diện, đề cao thẩm quyền trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đánh giá công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý dựa trên cơ sở tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chí đánh giá, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và thực hiện các chính sách khác đối với công chức, viên chức.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 09/01/2024 của Tỉnh ủy “về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị năm 2024”, cùng với việc đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TU cũng xác định cần phải nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra Nhà nước; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên từ sớm, từ xa, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Chỉ tiêu chủ yếu về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị năm 2024 Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: 100% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, có 90% trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ; có 90% trở lên đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kết nạp từ 1.100 - 1.200 đảng viên (kết nạp ít nhất 10 đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, ít nhất 50 đảng viên là học sinh, sinh viên). Phấn đấu thành lập được ít nhất 01 tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Tập hợp 85% dân số trong độ tuổi vào các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Kinh tế: phấn đấu GRDP tăng trưởng 8,5% trở lên so với năm 2023. Trong đó, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,93%; công nghiệp, xây dựng tăng 13,35%; dịch vụ tăng 9,86%, thuế sản phẩm tăng 3,4%. GRDP bình quân đầu người đạt 88,89 triệu đồng trở lên. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 26,93%; công nghiệp - xây dựng chiếm 36,81%; dịch vụ chiếm 30,48% và thuế sản phẩm chiếm 5,78%. Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội 34.000 tỷ đồng. Phát triển mới 520 doanh nghiệp. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 31,48%. Thu ngân sách (nội địa) 6.220 tỷ đồng. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.289 tỷ đồng. Xã hội: giữ vững 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 09/09 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; có thêm 05 xã nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 36% trong tổng lao động xã hội. Tỷ trọng lao động công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong tổng lao động xã hội đạt 64%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,67%. Trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36,10%; tạo việc làm mới cho 23.000 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 2%. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học: tiểu học: 100%; trung học cơ sở: 99%. Có 29,39 giường bệnh/vạn dân; 10 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đạt 94,95%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt 27,77% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 5% lực lượng lao động xã hội. Giảm 0,3% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (trong đồng bào dân tộc Khmer giảm từ 0,5%). Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 99,7%. Môi trường: tỷ lệ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh khu vực dân cư thành thị đạt 99,4% sử dụng nước sạch; 99,8% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh (trong đó, nước sạch 82,2%). Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 99,4%. Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị đạt 99,7%, nông thôn đạt 83,25%. Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,15% diện tích tự nhiên. Quốc phòng - an ninh: giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu 90% xã, phường, thị trấn và 98% cơ quan, đơn vị, nhà trường trở lên đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự. Có trên 98% xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng - an ninh. |
HÀ THANH
Thời gian qua, hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban HĐND đảm bảo đúng theo quy định, nội dung, phương thức, chất lượng ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban HĐND các cấp trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh đề ra một số giải pháp.