18/10/2024 08:26
Đồng chí Trịnh Minh Tự, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cầu Kè tham gia đóng góp ý kiến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo nghị quyết tại Kỳ họp thứ 15.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND, Thường trực, các ban HĐND các cấp chủ động xây dựng, triển khai thực hiện hoàn thành tốt chương trình giám sát và chương trình công tác năm theo quy định, đạt nhiều kết quả tích cực. HĐND 03 cấp tổ chức thành công các kỳ họp, ban hành nhiều nghị quyết. Tiến hành giám sát, khảo sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Kiểm tra hoạt động của HĐND và giám sát việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện, cấp xã. Tổ chức các phiên chất vấn tại kỳ họp, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết và thẩm tra hàng trăm văn bản do UBND, các ngành xin ý kiến Thường trực HĐND xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Tổ chức phiên họp thường kỳ tháng của Thường trực HĐND. Tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ và một số đợt tiếp xúc cử tri chuyên đề do Thường trực HĐND cấp huyện, xã tổ chức. Thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, đôn đốc, kiểm tra, xem xét tình hình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định. Tổ chức hội nghị giao ban định kỳ Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện...
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, tình hình hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban HĐND, nhất là cấp huyện, cấp xã thời gian qua còn một số hạn chế. Việc nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật có quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực, các ban HĐND để áp dụng vào thực tiễn hoạt động từng lúc chưa đảm bảo, nhất là nghiên cứu Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Giám sát hoạt động của Quốc hội và HĐND, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công... Do đó, một số nội dung về tổ chức kỳ họp, giám sát, ban hành nghị quyết có lúc chưa phù hợp với quy định.
Hoạt động thẩm tra của các ban HĐND từng lúc thiếu chiều sâu, chưa thể hiện quan điểm, chính kiến của ban đối với nội dung thẩm tra, do đó, một số nghị quyết HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành còn thiếu chặt chẽ, sai sót về thẩm quyền, nội dung và hình thức, có nghị quyết chưa đúng thẩm quyền, thiếu tính khả thi nên phát sinh khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc tổ chức giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nghị quyết HĐND chưa được chú trọng.
Hoạt động giám sát chuyên đề từng lúc chất lượng chưa cao, trễ tiến độ so với thời gian kế hoạch đề ra, nội dung đề cương, báo cáo kết quả giám sát chưa đảm bảo chặt chẽ, chưa tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn giữa 02 kỳ họp HĐND. Hoạt động tiếp công dân chưa được chú trọng, từng lúc thiếu theo dõi, đôn đốc giải quyết, trả lời đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Cấp xã chưa ban hành kế hoạch tiếp công dân của đại biểu HĐND trong nhiệm kỳ và thông báo lịch tiếp công dân của đại biểu HĐND hàng năm trên phương tiện thông tin để Nhân dân nắm. Việc giữ mối liên hệ hoạt động giữa Thường trực HĐND các cấp từng lúc chưa chặt chẽ, do đó, việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban HĐND chưa đạt yêu cầu.
Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban HĐND các cấp trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh đề ra nhiều giải pháp. Đó là, HĐND các cấp tiếp tục nghiên cứu sâu các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 30/2020/NĐ-CP, ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư và các văn bản pháp luật khác có liên quan, Chỉ thị số 39-CT/TU, ngày 31/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp để vận dụng vào thực tiễn hoạt động của HĐND.
Thành viên đoàn kiểm tra của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra trực tiếp các hồ sơ, văn bản liên quan đến lĩnh vực của Ban Kinh tế - Ngân sách trong buổi kiểm tra tại Thường trực HĐND xã An Trường A, huyện Càng Long ngày 21/8/2024.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự hướng dẫn của cơ quan cấp trên và sự phối hợp chặt chẽ với UBND, UBMTTQ Việt Nam cùng cấp và các ngành có liên quan trong thực hiện các hoạt động của HĐND. Nhất là công tác nhân sự, công tác tổ chức kỳ họp. Chủ động quán triệt, vận dụng sáng tạo, kịp thời quan điểm, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng nói chung và của Tỉnh ủy nói riêng là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong tổ chức và hoạt động của HĐND. Tăng cường giữ mối liên hệ giữa Thường trực HĐND các cấp. Tổ chức giao ban định kỳ giữa Thường trực, các ban HĐND các cấp.
Trên cơ sở Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, chủ động tổ chức rà soát theo thẩm quyền để ban hành quy chế làm việc của Thường trực, các ban HĐND, bảo đảm các hoạt động được thực hiện theo quy định, quy chế.
Thường trực HĐND thực hiện tốt vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các ban HĐND đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ. Việc tổ chức kỳ họp HĐND, chương trình, nội dung phải đảm bảo đúng luật định tại Điều 57 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nghiên cứu, vận hành đầy đủ các văn bản phục vụ công tác tổ chức kỳ họp, nâng cao chất lượng soạn thảo báo cáo, nghị quyết đảm bảo đúng thẩm quyền, nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật. Tổ chức các phiên họp của Thường trực HĐND chất lượng, hiệu quả, giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp HĐND.
Các ban HĐND tích cực, chủ động tham gia chuẩn bị nội dung kỳ họp HĐND, nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình HĐND. Việc thẩm tra các vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp phải được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Cuộc họp thẩm tra văn bản trình kỳ họp cần mời lãnh đạo Thường trực HĐND tham dự để nắm, chỉ đạo, thành viên ban cần nghiên cứu sâu văn bản, đặt vấn đề, nêu quan điểm để trao đổi thảo luận làm rõ vấn đề, đảm bảo các vấn đề được HĐND, Thường trực HĐND xem xét, quyết định phải đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Nghiên cứu kỹ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai thực hiện tốt các hoạt động xem xét văn bản trình kỳ họp, giám sát chuyên đề, tổ chức phiên họp giải trình, phiên chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri và xem xét việc thực hiện kiến nghị sau giám sát đảm bảo đúng quy trình, đúng đủ hồ sơ, hình thức theo quy định.
Việc lựa chọn chủ đề và đơn vị chịu sự giám sát phải phù hợp và sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đề cương báo cáo giám sát cần được xây dựng trên cơ sở các văn bản pháp luật, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chịu sự giám sát. Chú trọng tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết HĐND. Thường xuyên tự kiểm tra, rà soát nghị quyết để kịp thời phát hiện, xử lý những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật hiện hành.
Ban hành nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề, nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp để theo dõi, xem xét việc thực hiện cam kết sau giám sát, nội dung trả lời chất vấn và báo cáo ra kỳ họp để thông tin đến đại biểu xem xét. Ban hành kế hoạch tiếp công dân của nhiệm kỳ và thông báo lịch tiếp công dân của đại biểu HĐND hàng năm đăng trên phương tiện thông tin để người dân nắm, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo khi cần thiết, tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Bên cạnh việc tiếp xúc cử tri định kỳ theo luật định, cần nghiên cứu mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, theo đối tượng. Lịch tiếp xúc cử tri phải được thông báo công khai, rộng rãi để mọi cử tri có nhu cầu có thể tham dự. Đại biểu HĐND dành thời gian để cử tri trao đổi, nêu ý kiến, kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước các cấp tham dự các buổi tiếp xúc cử tri để trả lời, giải trình những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình trước cử tri.
Quan tâm đôn đốc, nhắc nhở và tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu HĐND thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Xem xét kỹ các trường hợp bãi nhiệm đại biểu HĐND hoặc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND nhằm duy trì số lượng đại biểu đảm bảo hoạt động của HĐND. Theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu HĐND cấp mình và yêu cầu đại biểu cấp mình báo cáo tình hình hoạt động trong năm với cử tri theo quy định tại Điều 94 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cá nhân từng đại biểu HĐND cần dành thời gian tham gia hoạt động của HĐND đảm bảo theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời phải thực hiện đúng chương trình hành động của mình trước cử tri.
Chú trọng công tác bố trí công chức, chuyên viên tham mưu, giúp việc cho hoạt động HĐND. Quan tâm cử công chức tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực công tác. Tăng cường điều kiện về kinh phí, phương tiện bảo đảm hoạt động của HĐND. Theo dõi, chỉ đạo việc lưu trữ hồ sơ công việc đầy đủ, khoa học, đúng quy định để tiện theo dõi, tra cứu.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến tháng 8/2024, HĐND 03 cấp tổ chức thành công 845 kỳ họp, ban hành 4.501 nghị quyết, tiến hành 2.815 đợt giám sát, khảo sát chuyên đề, 242 đợt giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tổ chức 30 đợt kiểm tra hoạt động của HĐND và 107 đợt giám sát việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện, cấp xã. Tổ chức 248 phiên chất vấn tại kỳ họp, 01 đợt lấy phiếu tín nhiệm đối với 229 người giữ chức vụ do HĐND bầu. Thẩm tra 9.553 báo cáo, dự thảo nghị quyết, tổ chức 3.360 phiên họp thường kỳ tháng của Thường trực HĐND. Tổ chức 1.508 đợt cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ và một số đợt tiếp xúc cử tri chuyên đề do Thường trực HĐND cấp huyện, xã tổ chức. Thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và đôn đốc, kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định. Tổ chức 31 hội nghị giao ban định kỳ Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
|
Bài, ảnh: KIM LOAN
Bức tranh kinh tế - xã hội của xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú đang dần phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Có được điều đó, thời gian qua, Ban Thường vụ Đảng ủy xã tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ, phong trào thi đua ở địa phương.